• Zalo

Thứ trưởng Bộ TN&MT: Chuyển đổi đất rừng làm đường, nhà ở gây nguy cơ sạt lở đất đá

Tin nóngThứ Bảy, 05/08/2023 17:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành, việc chuyển đổi đất rừng làm đường, nhà ở gây nguy cơ sạt lở đất đá.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, thời gian qua, tình hình trượt lở đất đá liên tục xảy ra ở Đà Lạt (Lâm Đồng), đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng)… gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản.

Về nguyên nhân, theo ông Lê Công Thành, các cơ quan báo chí đã thông tin rất nhiều, dẫn ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, nâng cao nhận thức của người dân.

"Những sườn núi, đồi tự nhiên có hiện tượng phong hóa, đất đá vẫn bị trượt lở từ từ. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện... làm thay đổi cấu trúc bề mặt tạo nên nguy cơ sạt lở, trượt lở. Nhất là khi trời mưa kéo dài thì nguy cơ sạt lở sườn đồi, núi càng lớn hơn", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Các dấu hiệu trước khi xuất hiện hiện tượng sạt lở sườn đồi, núi là vết nứt trên mặt đất, cây cối nghiêng theo một hướng, nghe thấy tiếng nổ lụp bụp thể hiện đứt gãy địa chất trong lòng đất phát triển… Khi phát hiện dấu hiệu này, người dân và lực lượng chức năng tại địa phương cần theo dõi, sớm có phương án đánh giá, di dời.

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương đã có bản đồ, tài liệu cảnh báo nguy cơ về sạt lở khá chi tiết với các thiết bị quan trắc tự động. Lực lượng thanh niên xung kích về phòng, chống thiên tai thời gian qua cũng được đào tạo bài bản về cảnh báo, ứng phó với sạt lở.

"Thủ tướng đã có Công điện số 725 chỉ đạo rất sát sao yêu cầu các ngành, các cấp ở địa phương theo dõi, giám sát, cảnh báo sạt lở. Chúng tôi rất mong cơ quan truyền thông cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền hơn để nâng cao nhận thức, cảnh giác với sạt lở đất đá của người dân, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại", ông Nguyễn Công Thành nói thêm.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, từ đêm 5-7/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác dông với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 180 mm; Nghệ An, Hà Tĩnh mưa rào và dông, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30 mm/24h, có nơi trên 50 mm/24h.

Từ đêm 7-8/8, vùng núi, trung du Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 100 mm.

Theo cơ quan khí tượng, từ 13h ngày 4/8 đến 13h ngày 5/8, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên đã có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Cao Sơn (Hoà Bình) 146 mm, Huổi Lèng (Điện Biên) 144 mm, Mường Tè (Lai Châu) 135 mm, Yên Lãng (Thái Nguyên) 112 mm… Mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực thuộc các tỉnh tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An gần bão hòa (trên 90%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Trong những giờ tới, tại khu vực các tỉnh trên tiếp tục mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 90 mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn