Chiều 1/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải sau khi thành phố Hà Nội tiến hành phân luồng tuyến.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội khẳng định, việc điều chuyển tuyến là để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Hà Nội cùng Bộ GTVT đã nghiên cứu nhiều biện pháp để tổ chức quản lý giao thông.
Đường vành đai 3 nhiều năm nay thường xuyên xảy ra ùn tắc, việc giải quyết ùn tắc ở tuyến đường quan trọng này hết sức khẩn cấp. Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất với Hà Nội cho rằng cần phải điều chuyển luồng tuyến xe khách.
Ông Viện cho biết trước tình trạng này, Bộ GTVT thành lập tổ công tác rà soát toàn bộ luồng tuyến vận tải để không có xe chạy xuyên tâm.
Từ đó, theo quy hoạch, xe khách sẽ dừng đỗ ngoài vành đai 4 và kết nối với nội đô bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Nêu ý kiến tại buổi làm việc, chủ một nhà xe chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội cho biết: "Sau khi chuyển tuyến, điều vô cùng kỳ lạ là dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, các nhà xe, bến xe đều không có khách. Sở dĩ có tình trạng đó là hiện ở Hà Nội có quá nhiều xe dù, bến cóc".
“Các doanh nghiệp mong Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương hướng để chúng tôi có thể phát triển. Bởi nếu cứ thế này không sớm thì muộn các doanh nghiệp vận tải sẽ phá sản hết. Còn Hà Nội muốn xử lý xe dù, đó là điều viễn tưởng”, đại diện doanh nghiệp xe khách thẳng thắn bày tỏ.
Cùng quan điểm với chủ nhà xe trên, ông Nguyễn Văn Thạch - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Nam Định cho rằng, các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thấy rằng việc điều chuyển chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, thiệt hại đến kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Thạch đưa ra những con số cụ thể: "Một doanh nghiệp có 10 đầu xe, tháng thứ nhất thua lỗ 325 triệu đồng, tháng thứ hai lỗ 270 triệu đồng. Hiện tổng số xe chạy tuyến Nam Định, Thái Bình ra Hà Nội là 150 chiếc. Trong hai tháng qua, mức độ thiệt hại của các nhà xe là vô cùng lớn".
Ngoài ra, ông Thạch cho hay, sau khi phân luồng tuyến, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép rất nhiều cho loại xe dán mác Limousine 9, 16 chỗ hoạt động.
Các loại xe này hợp đồng là xe du lịch nhưng vẫn vận chuyển hành khách cố định.
Lắng nghe ý kiến của các nhà xe và doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận tình trạng xe dù, bến cóc ở Hà Nội đang rất lộn xộn.
Nguyên nhân cơ bản là công tác quản lý quá kém và thiếu các phương tiện kết nối giữa các bến xe.
Theo Thứ trưởng Trường, hành khách vẫn có nhu cầu đi từ bến xe Mỹ Đình nhưng xe đã chuyển sang bến Nước Ngầm. Do thiếu phương tiện kết nối nên hành khách đi xe dù để nhanh.
“Hà Nội chưa quản lý được xe dù bến cóc, xe hợp đồng. Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối. Tuy nhiên các doanh nghiệp đề xuất quay trở lại bến Mỹ Đình là không được. Bởi nếu quay lại tình trạng ùn tắc, lộn xộn sẽ tiếp tục xảy ra”, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.
Video: Tập trung phản đối phân tuyến, hàng loạt xe khách bị cẩu đi trong đêm
Bình luận