• Zalo

Thứ trưởng Bộ GD: Giám thị thương HS nên coi thi lơ là

Giáo dụcThứ Năm, 21/06/2012 08:26:00 +07:00Google News

(VTC News)-"Nhiều thầy cô vì thương học sinh, muốn giảm áp lực và gánh nặng lớn cho gia đình và nhà trường khi các em trượt tốt nghiệp mà bỏ qua lỗi của các em"

(VTC News)- "Nhiều thầy cô vì thương học sinh, muốn giảm áp lực và gánh nặng lớn cho gia đình và nhà trường khi các em trượt tốt nghiệp mà bỏ qua lỗi của các em" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Kết quả thi tốt nghiệp THPT qua các năm đều tăng cao và năm nay cả nước đạt tỉ lệ tốt nghiệp đạt gần 98%. Ông đánh giá gì về con số này?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Công bằng mà nói tôi vẫn có cảm giác không thật vui trước tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay vì khâu coi thi ở một vài nơi chưa thực sự nghiêm túc. Vẫn còn hiện tượng giáo viên coi thi hạn chế về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, bỏ qua các sai phạm của thí sinh trong phòng thi dẫn đến việc thí sinh sử dụng phao thi, trao đổi bài...

Bộ sẽ chỉ đạo các sở GD-ĐT nghiêm túc rút kinh nghiêm để khắc phục tình trạng này trong các năm sau để kết quả thi tốt nghiệp THPT ngày càng phản ánh sát thực tế chất lượng dạy học.

Có không ít người, trong đó có cả ông Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cảm thấy không được yên tâm lắm về kết quả thi mà Bộ GDĐT vừa công bố. Điều này có khiến lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải suy nghĩ?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Cảm giác “có gì đó không được yên tâm lắm về kết quả thi tốt nghiệp” của đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là sự trăn trở của người có trách nhiệm về công tác giáo dục, chúng tôi rất hiểu về điều đó. 

Và, tất nhiên khi chưa thật sự yên tâm chúng ta đều phải nỗ lực cố gắng tìm kiếm giải pháp khắc phục. Cũng cần nhắc lại rằng, sự nghiệp giáo dục đào tạo, giáo dục phổ thông nói chung và thi tốt nghiệp THPT nói riêng luôn đòi hỏi sự góp sức, chung tay của toàn xã hội.  

- Ông có suy nghĩ gì khi có những gian lận tiêu cực thi cử “động trời” như trường hợp của trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang?

Trường hợp của trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang là vi phạm nghiêm trọng quy chế thi và là hiện tượng rất cá biệt.

Mặt khác, nhìn rộng hơn, việc làm thế nào để học sinh không mang phao, không sử dụng phao trong phòng thi, không trao đổi với nhau khi làm bài… hay nói cách khác là chấm dứt hẳn các hiện tượng tiêu cực của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Một người đứng đầu mong muốn thôi chưa đủ mà cần sự chung tay, kiên trì của nhiều lực lượng cùng với việc nâng dần thực chất chất lượng giáo dục.

Do đó, có thể nói như Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đây là bài học lớn cho Ngành. Bài học trước hết là cần coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục thực chất để nhà trường và học sinh tự tin bước vào kì thi tốt nghiệp; tiếp theo là bài học về việc quán triệt ý thức trách nhiệm của những người thực hiện nhiệm vụ trong các hội đồng thi, của các cấp quản lí, chỉ đạo, thanh tra thi; sau đó là bài học về tăng cường sự phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội tại từng địa phương để thi cử ngày càng đi vào nền nếp.

- Trả lời báo chí sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, ông có cho rằng phải sau năm 2015 mới có thể đổi mới cơ bản việc kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Vậy sau những tiêu cực vừa qua ở Bắc Giang cùng với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đều qua các năm thì liệu Bộ đã nghĩ đến một lộ trình để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:  Theo quy định của Luật Giáo dục, từ nhiều năm nay chúng ta đã không tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học và THCS. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa bù được khoảng trống này.

Việc bỏ các kỳ thi cuối cấp này đáng lẽ phải đi đôi với việc tăng cường và đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy hoc – giáo dục, nhưng việc này chưa được thực hiện tốt.

Ở cấp THPT nếu không tổ chức thi mà thực hiện xét để công nhận tốt nghiệp THPT thì tỷ lệ tốt nghiệp có thể vẫn thế, nhưng chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ đi xuống vì tâm lý chung của học sinh chúng ta là không thi thì không học.

Không nên tính đến việc thay đổi tổ chức đánh giá công nhận tốt nghiệp mà không tính đến cả quá trình dạy học.

- Nếu không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cần có biện pháp gì để đánh giá thực chất hơn trình độ của các em học sinh?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GDĐT đang nghiên cứu và từng bước triển khai đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục nói chung, thi cử nói riêng.

Thứ nhất là nâng cao năng lực đánh giá học sinh trên lớp học trong quá trình giảng dạy, đa dạng các hình thức đánh giá học sinh như có thể giao cho các em những dự án nhỏ rồi cho đánh giá hoặc đánh giá sự tiến bộ dần dần thông qua tài liệu học tập của các em... Phải tạo cho học sinh có năng lực tự đánh giá, giúp các em tiến bộ.

Thứ hai là phải kết hợp tốt giữa đánh giá trong quá trình dạy học với đánh giá tổng kết cuối năm, cuối cấp. Như vậy thì kỳ thi tốt nghiệp có thể nhẹ nhàng hơn mà nội dung đánh giá lại toàn diện hơn.

Thứ ba là triển khai đánh giá trên diện rộng ở các địa phương, trong toàn quốc, và so sánh với quốc tế để thấy được mặt bằng chất lượng và cũng từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc thực hiện giải pháp trên nhằm mục đích đánh giá thực chất hơn kết quả học tập, rèn luyện của các em học sinh, của từng địa phương. Quan trọng hơn nữa, việc thi cử phải hướng tới giúp học sinh hình thành năng lực học tập, năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Phạm Thịnh(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn