Đó là phản ánh được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ngày 27/12.
Theo ông Hải, khác với ngành giao thông, một số lãnh đạo doanh nghiệp ngành Công thương rất muốn nghỉ để khỏi phải thực hiện cổ phần hóa và những vấn đề phức tạp khác của doanh nghiệp.
Không tìm được người thay thế
Báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2014 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, theo kế hoạch trong 2 năm 2014- 2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 doanh nghiệp (DN). Đến nay đã sắp xếp 167 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa (CPH) 143 DN, bán 3 DN, sáp nhập 14 DN, chưa đạt được kế hoạch đã đề ra.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Muôn do một số bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tuy có triển khai thực hiện tái cơ cấu DN nhưng chưa quyết liệt. Trong đó đáng chú ý vẫn còn đến còn 42 DN chưa thành lập Ban Chỉ đạo CPH. “Trong năm 2015 các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa thì mới có thể hoàn thành được kế hoạch đã đề ra”, ông Muôn nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty đổi mới phương thức quản trị, phân công, phân cấp cho rõ ràng hơn. |
Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ năm 2015, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp yêu cầu phải xử lý nghiêm lãnh đạo DN không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả việc tái cơ cấu, CPH, thoái vốn nhà nước. Đồng thời, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Chủ tịch tập đoàn, tổng công ty nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tán thành với nhiều giải pháp mà Ban Chỉ đạo đề ra, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc tái cơ cấu, đổi mới ở những DN nhỏ, nhất là những công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước đang “vô cùng khó”.
“Ở Bộ GTVT đồng chí Đinh La Thăng nói, ai không cương quyết thực hiện tái cơ cấu, CPH thì cho nghỉ. Nhưng nói thật với một số DN ở Bộ Công thương thì lãnh đạo họ chỉ muốn được nghỉ. Họ nghỉ để khỏi phải đẩy nhanh tiến độ CPH và những vấn đề phức tạp khác. Khi họ muốn nghỉ, chúng tôi tìm người để thay thế rất khó khăn, không thể tìm được”, ông Hải tâm tư.
Chi nhánh nhỏ mà quyền quyết lớn quá
Góp ý vào định hướng tái cơ cấu DN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng, chính phủ không nên cực đoan quá với việc đầu tư ra ngoài ngành. Bởi đôi khi khủng hoảng lại là cơ hội để đầu tư, phát triển.
Vấn đề là làm sao khi đầu tư ra ngoài ngành phải bảo đảm được hiệu quả, bảo toàn vốn và thu được lợi nhuận. Ông Hùng dẫn chứng sau khi đơn vị mua cổ phần của công ty xi măng Cẩm Phả, đến nay hoạt động đã có lãi, hiệu quả rất tốt.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc đổi mới, tái cơ cấu DNNN thời gian qua đã gặt hái được những thành công nhất định. “Lúc đầu khi Chính phủ triển khai kế hoạch tái cơ cấu các DN tâm tư lắm. Nhưng đến giờ cho thấy các DN khi bán vốn nhà nước nhìn chung là đều có lãi; thoái vốn cũng không lỗ. Do đó lộ trình mà chúng ta đưa ra và đang thực hiện là rất tích cực”.
Tuy nhiên Phó Thủ tướng cho rằng, còn những tồn tại nhất định khi tỷ lệ thoái vốn chưa đạt, bán cũng chưa đạt. Một số bộ ngành triển khai chậm cả về sắp xếp lẫn quản trị. Vì thế trong năm tới cần phải tích cực hơn nữa. Theo Phó Thủ tướng, tới đây Chính phủ sẽ ban hành quy định về CPH các đơn vị sự nghiệp công, mở đường cho việc thực hiện cổ phần hóa bệnh viện, trường học. Do đó, các bộ, ngành không chuyển các bệnh viện, trường học về Bộ nữa.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty cần đổi mới phương thức quản trị, phân công, phân cấp cho rõ ràng hơn. “Vừa rồi xảy ra các vụ việc lớn, nhìn lại mới thấy rằng việc phân công, phân cấp, quyền hạn, trách nhiệm chưa rõ ràng. Như vụ Huyền Như một chi nhánh mà quyền quyết lớn quá”, Phó Thủ tướng nói.
Theo TPO
Bình luận