Diễn viên Thu Quỳnh trải lòng về nghề diễn và các vai diễn của mình sau khi bộ phim "Hương vị tình thân" kết thúc.
- Khép lại vai Khánh Thy trong “Hương vị tình thân” sau một chặng đường dài, cảm xúc của chị lúc này như thế nào?
Hiện tại Thu Quỳnh thấy hài lòng với những gì mình dành cho khán giả. Bộ phim khép lại với thông điệp ý nghĩa. Đến tập cuối, khán giả sẽ không còn thấy sự sân si, đố kỵ mà đọng lại chỉ là sự gần gũi, yêu thương nhau giữa các thành viên trong gia đình. Tôi nghĩ rằng, dù “Hương vị tình thân” đã kết thúc, nhưng có lẽ khán giả sẽ vẫn còn nghĩ về bộ phim và chiêm nghiệm ra nhiều điều.
- Tập cuối của “Hương vị tình thân” kết thúc viên mãn. Tuy kết thúc có hậu là điều mà đa số khán giả mong muốn nhưng không ít người cho rằng, những nhân vật phản diện như Thy và bà Sa đều trả giá quá nhẹ sau bao nhiêu việc xấu xa làm với Nam và gia đình cô. Chị suy nghĩ như thế nào về cái kết của nhân vật mình đảm nhận?
Có lẽ những khán giả đó chỉ nhìn vào bề nổi thôi. Khi xem phim, họ thường phân định rõ ràng nhân vật chính diện và phản diện. Cá nhân tôi thấy trong bộ phim này, ranh giới đó không rõ ràng. Mỗi nhân vật trong phim đều có một nỗi niềm riêng. Những người như Thy hay bà Sa đều tồn tại rất rõ ràng trong cuộc sống. Họ có quá khứ không đẹp, có những chuyện phải trải qua mà họ không hề mong muốn. Không phải họ ác từ trong tâm mà bị hoàn cảnh đẩy đến con đường như vậy.
Tôi nghĩ cái kết dành cho Thy là một cái kết vừa lòng cá nhân Thu Quỳnh và với đại đa số khán giả. Ai cũng có quá khứ, ai cũng có những lúc sai lầm. Việc trả giá hay không không quan trọng, quan trọng là biết quay đầu để thay đổi bản thân mình tốt hơn, tiếp tục sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Đây là vai diễn dài hơi nhất của chị, chị gặp khó khăn, áp lực gì khi vào vai Khánh Thy?
Khánh Thy là một vai diễn khó, khiến cho bản thân tôi phải làm việc liên tục, kể cả trong lúc ngủ. Tức là lúc nào cũng phải nghĩ về nó. Thật sự vai diễn này khiến cho Thu Quỳnh rất áp lực. Lúc nào cũng phải chỉn chu trong từng cảnh quay.
Thật ra có nhiều người trong nghề nói tôi đã tính rất kỹ cho vai diễn này và Thu Quỳnh cần một khoảng nào đó để buông. Đó cũng chính là thiếu hụt của tôi trong vai diễn Khánh Thy. Nhiều khi bản thân tôi chưa thả cảm xúc của mình để không phải gồng mình quá.
Khánh Thy là một vai mà chính nhân vật còn tự nhận mình là người sống giả tạo. Thy luôn tạo cho mình một vỏ bọc, không ai biết con người thật của cô ấy là như thế nào. Với mỗi người, Thy lại phải mang một bộ mặt khác. Ít nhất, tôi phải thể hiện tới 5 Khánh Thy khác nhau. Vì thế, mỗi ngày quay từ sáng đến tối, nhiều phân đoạn với nhiều phiên bản khác nhau, tôi bị stress, phải nói là “tẩu hỏa nhập ma”. Tôi thường xuyên chỉ ngồi một mình, thậm chí có những lúc khóc cùng nhân vật. Cả quãng đường về nhà, phân đoạn vừa quay xong cứ ong ong trong đầu, nước mắt vẫn cứ rơi, thậm chí cứ một mình thoại lại, rất không bình thường. Một ngày mình trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc, thần kinh, não bộ của mình cũng sẽ bị quá tải, mệt mỏi. Trong ngày hôm đó có thể khóc cả ngày, có thể vừa khóc vừa cười, hay khóc xong lại cười, cười xong lại khóc… Phải đến khi tắm rửa nghỉ ngơi, ngâm chân thư giãn, nghe nhạc vui tươi thì mới có thể thoải mái hơn. Thời gian đầu khi mới quay “Hương vị tình thân”, tôi mất ngủ, phải uống 1 vài vitamin tổng hợp để hỗ trợ sức khỏe.
- Ngoài diễn xuất, Thu Quỳnh còn được khen ngợi bởi sự chỉn chu cả về trang phục, phụ kiện, trang điểm… một cách rất có “gu”. Chị có sự chuẩn bị như thế nào khi vào vai Khánh Thy?
Tôi không có stylist. Trước giờ trang phục để vào vai của tôi đều do tôi tự chuẩn bị, tự lên ý tưởng xem nhân vật của mình phù hợp với phong cách nào nhất. Từ My “sói” của “Quỳnh búp bê” cho đến Thu Huệ của “Về nhà đi con” hay Khánh Thy, tôi phải xác định xem cô ấy mặc gì thì đẹp, quan trọng là phù hợp với vóc dáng của bản thân mình nữa. Khi vào vai Khánh Thy, tôi gầy đi khoảng 7kg, tôi dành thời gian để tìm hiểu về xu hướng, xem các mẫu trên mạng, đến một vài cửa hàng để thử quần áo. Tôi may mắn được các nhãn hàng hỗ trợ rất nhiều. Phim dài 136 tập, số lượng đồ không thể đếm xuể, chưa kể đồ đám cưới, đồ bầu…
- Trong khi Khánh Thy được khen ngợi về phần trang phục thì Phương Nam của Phương Oanh lại bị chê mặc xấu. Chị có suy nghĩ như thế nào về những bình luận của khán giả?
Diễn viên chúng tôi, nhất là diễn viên nữ, ai cũng muốn mình xuất hiện đẹp và chỉn chu khi lên hình. Chẳng ai cố tình làm xấu đi để lên phim cả. Với Phương Oanh, cô ấy chủ động tăng cân cho vai diễn và tôi thấy Oanh mập lên rất xinh. Mập thì chấp nhận phải có mỡ bụng, nhưng tại sao mọi người lại “body shaming” việc đó. Những luồng ý kiến như vậy rất độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của diễn viên.
Khi xem phim, rõ ràng người ta không biết mặt ông đạo diễn, anh quay phim, hay biên kịch, ekip đứng đằng sau… nhưng người ta chắc chắn biết mặt diễn viên. Bản thân diễn viên là một thương hiệu và chẳng có lý do gì chúng tôi phải dìm thương hiệu của mình xuống. Chỉ có điều, để dành cho vai diễn, chúng tôi muốn hết sức mình. Không thể mang một cô Phương Oanh, Thu Quỳnh lên làm Nam hay Khánh Thy được.
Phim truyền hình miền Bắc không có stylist và gần như không có hỗ trợ về mặt trang phục. Toàn bộ đều là diễn viên phải tự lo hết. Nhiều khi ngoài áp lực về việc thể hiện vai diễn ra sao, tâm lý nhân vật như thế nào, diễn viên còn phải lo thêm quần áo… cùng rất nhiều những thứ khác. Vậy nên nhiều khi những lời nhận xét của khán giả làm cho chúng tôi bị tổn thương rất nhiều, cảm thấy bản thân mình không được ghi nhận.
Thời điểm tôi đóng vai Thu Huệ, cũng có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Không ít người đặt câu hỏi: “Tại sao lại ăn mặc như thời trang phụ sản như thế? Tại sao Thu Huệ ăn mặc lúc nào cũng như vừa mới từ viện C đi ra…”. Những nhận xét như vậy cũng làm tổn thương chúng tôi chứ. Nhưng tôi có lập trường rõ ràng là tạo hình nhân vật như vậy. Và ngoài đời có rất nhiều người ăn mặc thế, nhưng không ít người sẵn sàng lên mạng vào tường của nhau, chỉ trích nhau.
- Trong phim “Hương vị tình thân”, khán giả thường so sánh chị với bạn diễn Phương Oanh về diễn xuất, ngoại hình… Mối quan hệ của hai người có bị ảnh hưởng bởi những nhận xét tiêu cực?
So sánh là quyền của mọi người. Còn có bị ảnh hưởng hay không thì lại là quyền của chúng tôi. Đối với tôi, không nên để những sự so sánh đấy ảnh hưởng đến bản thân mình. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Tất cả mọi người đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, mỗi chúng ta đều là duy nhất nên không thể so sánh với nhau.
Quan trọng là bản thân mỗi chúng tôi đều không tự so sánh mình với người khác. Sự so sánh đấy là yếu tố khách quan bên ngoài, của những người có thể thậm chí chẳng bao giờ gặp mặt. Đấy cũng là một trong những bản lĩnh mà mỗi diễn viên cần phải có. Cần lý trí khi đón nhận những luồng dư luận, lắng nghe hay không lắng nghe. Chỉ nên để những điều đó làm gia vị cho cuộc sống của mình, tô thêm màu sắc trên con đường làm nghệ thuật của mình thôi. Nếu quá để tâm đến nó thì sẽ làm ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng công việc của mình.
Quan điểm cá nhân của tôi là nếu như mình dung nạp những điều độc hại vào người, sau đấy cáu giận, buồn bực thì mình đang tự có lỗi với bản thân mình. Trong khi bản thân mình là điều mình phải yêu thương và trân trọng nhất. Vì thế, chẳng có lý do gì mà mình phải làm tổn thương bản thân mình cả.
Đến thời điểm này, Thu Quỳnh không có khái niệm vai diễn để đời và áp lực vai diễn sau phải hơn vai diễn trước. Tôi không bao giờ so sánh các vai diễn của mình với nhau.
Diễn viên Thu Quỳnh
- Hầu hết những vai diễn trên màn ảnh nhỏ của Thu Quỳnh đều là vai thứ, trong khi bản thân chị hội tụ đầy đủ những yếu tố để có thể làm trung tâm của bộ phim, từ diễn xuất cho đến ngoại hình… chị có suy nghĩ gì không?
Với Thu Quỳnh thì không có vai diễn nhỏ. Vai diễn nào cũng là vai diễn xứng đáng để mình cống hiến. Tôi cũng chưa thể nhận vai chính vì còn rất nhiều công việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, phải chăm con nhỏ. Bản thân tôi thấy mình không thể dành quá nhiều thời gian tại phim trường. Thay vào đó, để thỏa mãn đam mê diễn xuất, tôi có một vai thứ chính với thời lượng đi quay vừa phải, vừa vặn với mình thì những thời gian còn lại mình có thể làm được nhiều việc khác. Ví dụ tập được một vở mới tại nhà hát, có thời gian dành cho con, cho bản thân.
Trên sân khấu, Thu Quỳnh đã có quá nhiều những vai chính và tôi biết mình phải dành thời gian cho nó như thế nào, phải tận tâm với nó ra sao. Với phim truyền hình, sau này khi con lớn hơn, công việc của nhà hát đỡ bận rộn hơn thì có thể tôi sẽ có một vai chính dài hơi.
- Nhân vật nào của Thu Quỳnh cũng được khán giả đánh giá thành công, từ chính diện đến phản diện. Nhưng đổi lại, sau mỗi vai diễn thành công là áp lực ở những vai diễn tương lai. Chị có đặt mục tiêu cho mình vai sau phải hơn vai trước?
Mọi người rất hay so sánh như vậy. Khi tôi đóng My “sói” ở “Quỳnh búp bê”, mọi người đều nói rằng đấy là vai để đời của Thu Quỳnh, chắc là sau này không có vai nào vượt qua được My “sói”. Lúc đó tôi khá hoang mang, tôi cũng sợ mình bị đóng đinh vào hình ảnh đấy. Như vậy là sự nghiệp của mình đi xuống à? Nhưng lúc đó, nếu mà cứ ngồi suy nghĩ như vậy thì thà mình làm đi! Và sau đó tôi đến với Thu Huệ của “Về nhà đi con”. Dù thời điểm đó cũng xả vai tương đối rồi, nhưng vẫn bị áp lực, không biết mình quay lại với một vai diễn hiền lành, khán giả có đón nhận mình không? Tôi cũng bị stress, mất ngủ…
Tôi phải gạt bỏ tất cả mọi thứ liên quan đến My “sói”, thay đổi trang phục, kiểu tóc, trang điểm… Tính khí của mình cũng phải nhu mì hơn. Khi đóng My “sói”, tính khí tôi thất thường, mọi người có nhận xét sao đầu gấu, lúc nào cũng cáu gắt, nhăn nhó thế. Thì đến Thu Huệ, tôi phải thả lòng ra và không ngờ vai diễn này một lần nữa lại được đón nhận. Dần dần, mọi người bỏ khái niệm My “sói” là vai diễn để đời của Thu Quỳnh. Vì sau My “sói” đã có Thu Huệ, và bây giờ là Khánh Thy.
Đến thời điểm này, Thu Quỳnh không có khái niệm vai diễn để đời và áp lực vai diễn sau phải hơn vai diễn trước; tôi không bao giờ so sánh các vai diễn của mình với nhau. Mỗi vai diễn là một con người, một tính cách khác nhau, giống như chúng ta trong xã hội không ai giống ai cả. Mỗi người là số 1, là duy nhất.
- Chỉ tính riêng ở phim truyền hình, các bộ phim có Thu Quỳnh tham gia có thể kể đến như “Ngược chiều nước mắt”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh búp bê”, “Về nhà đi con”, “Lửa ấm” hay “Hương vị tình thân”. Chưa kể, chị còn hoạt động năng nổ trên sân khấu. Nguồn năng lượng nào khiến chị có thể làm việc không mệt mỏi như thế?
Vì tôi thích nghề này. Khi đi làm, tôi cảm thấy bận rộn cũng là niềm vui, được cống hiến và sự cống hiến đấy có kết quả tốt. Và dù kết quả có không tốt thì cũng lại là động lực để mình nỗ lực hơn.
Tất cả mọi công việc đều có áp lực và nếu không có áp lực thì tôi sẽ tự tạo thử thách cho mình. Có áp lực mới tạo ra kim cương. Có cái khó khăn, vất vả thì chúng ta mới có thể thành công và sáng tạo hơn được. Tôi rất thích làm việc trong áp lực, muốn mình lúc nào cũng thật sự bận rộn, càng bận rộng càng cảm thấy mình làm việc hiệu quả hơn rất nhiều.
- Dù đã là một diễn viên nổi tiếng với nhiều hợp đồng quảng cáo, thu nhập “khủng”, nhưng Thu Quỳnh vẫn miệt mài với sân khấu dù thù lao có khi chỉ từ 150.000-200.000 đồng” cho một đêm diễn như chị từng chia sẻ. Vì sao chị không từ bỏ sân khấu?
Sân khấu mang lại rất ít giá trị về kinh tế, nhưng lại mang về giá trị tinh thần rất lớn. Với Thu Quỳnh, sân khấu là nhà, là gia đình. Khi phim của mình được chiếu trên truyền hình, tôi chỉ tương tác với khán giả bằng những comment qua mạng xã hội, thi thoảng ra đường, gặp một vài khán giả của mình, họ muốn chụp ảnh chung với mình. Thời gian được tiếp xúc với khán giả chỉ vụt qua. Nhưng khi ở nhà hát, Thu Quỳnh có khán giả của mình, có anh chị em, đồng nghiệp chia sẻ với mình rất thân tình. Khi đứng trên sân khấu biểu diễn, tôi được tiếp xúc trực tiếp với khán giả. Đó là một cảm giác rất tuyệt vời, gần gũi hơn rất nhiều.
- Một ngày rảnh rỗi của Thu Quỳnh, nếu như không phải đi diễn hay quay phim, chị thường dành thời gian để làm gì?
Tôi dành thời gian con trai, cho gia đình. Sáng dạy con học, học xong 2 mẹ con ăn trưa hoặc về nhà ông bà ngoại, ngủ trưa. Ngủ dậy tôi lại dạy con học bài, cho con đi chăm cây với ông, tập thể dục, tắm rửa rồi xuống ăn tối. Ăn tối xong thì 2 mẹ con ngồi uống trà, xem phim cùng ông bà ngoại. Be (con trai Thu Quỳnh – PV) rất thích xem phim mẹ đóng. Dù không hiểu nhiều về nội dung, nhưng cứ nhìn thấy mẹ trên TV thì rất thích. Xem hết phim thì cả nhà đi ngủ.
Nếu có nhiều thời gian nghỉ hơn nữa, hôm sau tôi có thể đi cà phê với bạn bè.
- Chị có chia sẻ là con trai rất thích xem phim mẹ đóng, có một fan trung thành là con trai cưng, hẳn đó cũng là động lực lớn để chị tiếp tục cống hiến với nghề?
Đúng vậy, Be là nguồn động lực to lớn của tôi. Không chỉ thích nhìn thấy mẹ trên TV, bé còn rất thích cùng mẹ đi tập kịch. Mỗi lần về nhà, Be cứ ríu rít hỏi “mẹ đi quay phim à” hay “lâu rồi con không được đến nhà hát cùng mẹ”, tự nhiên thấy vui vui. Con trai cũng quen với việc mình làm nghệ thuật phải đi lại nhiều, Be thường hỏi han “mẹ có mệt không, để con đấm lưng cho mẹ nhé”. Be cũng chịu khó học, ăn uống, ngủ nghỉ. Tôi luôn yên tâm về Be để có thể thoải mái cống hiến với nghề. Be rất tự hào về mẹ, cũng biết khoe mẹ là diễn viên nổi tiếng.
Bình luận