'Thủ phủ phòng trọ' ở TP.HCM vắng vẻ
Khác với hình ảnh rôm rả, cười nói thường ngày, con hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) - nơi từng được gọi là "thủ phủ phòng trọ công nhân" nay trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Nhà trọ không có người thuê do nhiều lao động thất nghiệp.
Con hẻm 58 đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM) chỉ dài khoảng 100m nhưng có đến cả chục điểm trưng biển còn phòng, cho thuê phòng.
Nằm gần các khu công nghiệp, trước đây phòng trọ trong hẻm 58 luôn được lấp đầy, giờ biển cho thuê phòng treo khắp hẻm. Nhiều tấm biển đã được treo lâu, bạc màu theo thời gian. Con hẻm này chỉ dài khoảng 100m nhưng có đến cả chục điểm trưng biển còn phòng, cho thuê phòng…
Không riêng hẻm 58, loạt khu trọ ở phường Tân Tạo A chung cảnh vắng người thuê vì hầu hết công nhân đã bỏ phố về quê. Ghi nhận của phóng viên, các dãy nhà trọ ở đây đã trống phòng quá nửa.
Chị Lê Thị Tùng (44 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) có 20 phòng trọ cho thuê và bán tạp hoá ở đây hơn 10 năm, giờ như ngồi trên đống lửa bởi chưa từng chứng kiến cảnh ế ẩm này trước đây.
"Ở đây, tôi có hơn 20 phòng nhưng giờ còn 10 phòng, chủ yếu là công nhân bị giảm giờ làm, cố bám trụ lại thành phố. Các chủ phòng trọ ở đây treo biển cho thuê từ giữa năm 2022 nhưng chưa bao giờ được hết phòng. Bây giờ phòng nào bị trả thì coi như trống phòng đó luôn, từ đây đến đầu hẻm bảng cho thuê treo đầy mà có ai đến hỏi đâu", chị Tùng nói.
Chị Tùng cho biết, khu trọ của chị giá từ 800.000 đến 850.000 đồng/tháng, hơn 10 năm qua, công nhân đều ở kín phòng. Mỗi tháng, sau khi thu tiền phòng, trừ phí thuê đất, điện nước... chị cũng thu được chút lãi. Chồng đi làm, chị ở nhà làm thêm nghề trông con cho công nhân nên vợ chồng vẫn đủ lo cho hai con ăn học.
Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ tìm cách để cứu vãn tình thế. Nhiều chủ trọ đã giảm tiền thuê xuống khoảng 20 - 30% giá phòng. Thậm chí, có chủ trọ còn cho người thuê trả góp, hoặc nợ tiền thuê nhà tối đa 2 tháng để giảm áp lực. Nhiều hộ kinh doanh cho sơn sửa nhà trọ khang trang, lắp đặt thêm nhiều tiện ích để thu hút những khách có nhu cầu.
Tuy vậy, tình hình không mấy khả quan, nhiều phòng trọ qua thời gian dài vắng khách thuê, mạng nhện, bụi bặm bắt đầu đóng dày đặc. Đơn cử, căn trọ đối diện chị Tùng giảm từ giá 800.000 đồng/phòng/tháng xuống còn 500.000 đồng nhưng vẫn chẳng tìm được khách.
Thu nhập giảm sâu khiến việc chi tiêu của người lao động cũng giảm theo. Trước đây, ở tiệm tạp hóa, chị Tùng có thể kiếm được 400.000 đồng/ngày, giờ đây chỉ vài chục nghìn đồng. Chẳng những vậy, công nhân còn đến mua rồi xin ghi nợ khiến chị thêm "đau đầu".
Lật cuốn sổ ghi nợ trên tay, chị Tùng ngán ngẩm dò từng dòng: "Anh N. thiếu 500.000 đồng, chị T. thiếu 3 triệu đồng…". Xem đến trang thứ 2 với chữ kín các dòng, chị Tùng trầm tư một chút rồi đóng sổ lại.
Đồng cảnh ngộ với chị Tùng, bà Đào Thị Mỳ (một chủ trọ khác ở hẻm 58) cho biết, trong 15 năm kinh doanh phòng trọ, đây là lần đầu dãy trọ của bà còn phòng trống dù đã giảm giá gần 50%. Trước đây, cả dãy rất ít khi còn phòng trống, công nhân đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, có khi làm cả cuối tuần.
Bà từng kén khách trọ, hỏi kỹ quê quán, hoàn cảnh gia đình, cách sống có sạch sẽ, ngăn nắp không mới đồng ý cho thuê. Nhưng từ sau Tết, công nhân than ít việc, công ty giảm giờ làm, cho nghỉ luân phiên, nhiều người không trụ được phải trả phòng, bỏ về quê.
"Ngay như con dâu tôi làm việc công nhân cũng trong tình cảnh làm một tuần nghỉ một tuần từ nhiều tháng nay", bà Mỳ cho hay.
Hai tháng qua, bà Mỳ phải nhờ bà con, người quen tìm người thuê trọ, ký hợp đồng thành công bà sẽ gửi tiền hoa hồng 100.000 đồng/phòng. Giá phòng được giảm thêm 150.000 - 200.000 đồng nhưng vẫn vắng khách thuê.
Đối với nhiều công nhân, hiện chọn những nhà trọ giá rẻ, ở ghép nhiều người trong một phòng là cách để tiết giảm chi tiêu tốt nhất. Ai không xin được việc thì đành chấp nhận về quê. Việc các dãy trọ vắng người thuê là điều đã được dự báo.
Chị Hoàng Thanh Huyền (quê Bạc Liêu) cho hay, chị vẫn có việc để làm nhưng không nhiều như trước. Để giảm chi tiêu, chị đã ở ghép với một số chị em làm chung công ty.
“Trước đây ở 2 người nhưng từ khi giảm việc, tôi đề xuất với chủ trọ được ở phòng 3 người để giảm chi phí thì được chủ trọ đồng ý", chị Huyền tâm sự.
Ông Nguyễn Chí Hùng, Tổ trưởng Khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cho biết, khu vực này chiếm 1/3 dân số của phường Tân Tạo A, đa số là công nhân từ các tỉnh đến thuê trọ. Sự sụt giảm bắt đầu từ sau dịch COVID-19 nhưng đỉnh điểm là đầu năm 2023, từ 22.000 người nay chỉ còn 15.000 người.
Khu vực từng đông người thuê trọ nhất là hẻm 58 và hẻm 60 với khoảng 1.000 công nhân lưu trú, nay chỉ còn khoảng 1/3. Trước đó, phòng 12 m2 có thể cho bốn người ở, giờ chỉ còn một người ráng bám trụ.
Tình hình ảnh hưởng chung, một số công nhân thất nghiệp chuyển sang buôn bán ở các khu chợ, quán ăn, tiệm tạp hóa... cũng ế ẩm, nhiều nơi đóng cửa. Địa phương cũng động viên, vận động các chủ trọ cố gắng không tăng giá để hỗ trợ đời sống công nhân.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Sở đã có cuộc khảo sát về tình hình sản xuất kinh doanh của 5.861 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Trong số này có 3.642 doanh nghiệp trả lời hoạt động bình thường (chiếm 62,14%) và 94 doanh nghiệp (chiếm 1,61%) trả lời đang mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong gần 6.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát có đến 632 doanh nghiệp trả lời phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 10,78%); 1.493 doanh nghiệp trả lời hoạt động của họ gặp nhiều khó khăn (chiếm 25,47%).
Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh là do thiếu đơn hàng (1.886 doanh nghiệp, chiếm 88,75%), thiếu vốn kinh doanh (190 doanh nghiệp, chiếm 8,94%)…
Đặc biệt, so với thời điểm 31/12/2022, có đến 1.464 doanh nghiệp cho biết giảm lao động (chiếm 24,98%) nhưng chỉ có 725 doanh nghiệp trả lời có tăng lao động (chiếm 12,37%). Trong đó, số lao động tăng là hơn 13.000 người và số lao động giảm là gần 30.000 người.
Bình luận