Thôn Tràng Cát (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Nơi đây được coi là thủ phủ của nghề trồng lá dong gói bánh chưng truyền thống.
Làng Tràng Cát có tổng diện tích trồng lá dong khoảng hơn 20 ha, chủ yếu là đất vườn, đất ở của người dân. Trước Tết Nguyên đán nửa tháng, người dân nơi đây tất bật thu hoạch lá dong phục vụ nhu cầu gói bánh chưng của người dân.
Gia đình bà Nguyễn Minh có 3 sào trồng lá dong. Những ngày này, các thành viên trong gia đình bà đều tạm gác lại công việc khác để tập trung thu hoạch cho kịp thời vụ.
Theo bà Minh, năm nay, nông dân ở Tràng Cát phấn khởi vì lá dong bán được giá hơn so với năm ngoái. Nhiều gia đình phải thuê người cắt lá dong để kịp bán Tết. "Một bó lá dong loại đẹp với khoảng 100 tàu được bán với giá 100 nghìn đồng, loại 2 và 3 bán với giá khoảng 70 nghìn đồng và 50 nghìn đồng", bà Minh cho biết.
Cây dong ở Tràng Cát là dong nếp. Loại dong này có bầu lá rộng, tròn, mỏng nhưng dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loài dong rừng. "Dong nếp khi gói bánh chưng sẽ cho màu xanh mướt tự nhiên, rất bắt mắt. Bên cạnh đó, còn giúp tăng thêm hương vị cho mỗi chiếc bánh, giúp bánh thơm, rền", một người dân làng Tràng Cát chia sẻ.
Lá dong Tràng Cát có bề ngang rộng, xanh, mỏng và dẻo hơn lá dong rừng, khi luộc bánh chưng bánh rất xanh và đẹp nên luôn có giá cao.
Bên cạnh việc bán buôn, bán lẻ cho những người có nhu cầu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, lá dong Tràng Cát còn được xuất khẩu sang nước ngoài nhằm phục vụ nhu cầu của người Việt đang định cư tại đó.
“Nhiều nước trên thế giới có người Việt Nam sinh sống, năm hết Tết đến, họ luôn ghi nhớ, gìn giữ phong tục Tết cổ truyền của dân tộc nên đã đặt mua lá dong gửi sang bên đó để gói bánh”, anh Minh (người dân làng Tràng Cát) cho biết.
Hiện việc thu hoạch lá dong tại Tràng Cát vẫn diễn ra thủ công, nhưng công việc không quá vất vả. Một ngày, một người có thể cắt được khoảng 7 nghìn tàu lá.
"Người được thuê cắt lá với giá 200 nghìn đồng/ngày. Chủ vườn thu nhập khoảng 1- 2 triệu đồng/ngày, tùy số lượng khách đặt mua", một chủ vườn chia sẻ.
Lá dong sau khi thu về sẽ được phân loại theo 3 loại với những kích thước khác nhau từ to đến nhỏ.
Lá thường to tròn và dai, mặt dưới của lá có màu xanh non, cuống lá dài và đồng màu với gân lá. Lá dong Tràng Cát xưa kia thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua.
Lá dong có thể để được gần 1 tháng và phải tưới nước thường xuyên.
Hiện cả thôn Tràng Cát có 70 mẫu ruộng trồng lá dong, gia đình nào nhiều trồng 5-6 sào, ít thì 1-2 sào. Lá dong được người dân chăm sóc tốt, năng suất đạt cao, diện tích trồng có xu hướng tăng lên. Lá dong được xem là “linh hồn” của làng Tràng Cát. Người dân nơi đây luôn hy vọng, màu xanh của lá dong sẽ trường tồn với thời gian, gắn với hình ảnh Tết cổ truyền của dân tộc.
Bình luận