Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health cho biết 51% số người chết vì ô nhiễm không khí dưới 70 tuổi.
Trong tổng số 1,24 triệu người, 670.000 người chết vì ô nhiễm không khí ở không gian rộng, 480.000 chết do ô nhiễm tại các hộ gia đình liên quan tới việc sử dụng nhiện liệu rắn để nấu ăn.
Người dân ở thủ đô New Delhi là nơi tiếp xúc nhiều nhất với các hạt vật chất nhỏ, được gọi là PM2,5 có thể đi sâu vào phổi và gây ra các vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe. Chất lượng không khí ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới này đã dao động giữa các mức "nghiêm trọng" và "nguy hiểm" nhiều lần trong 2 tháng qua.
Cũng theo nghiên cứu công bố hôm 6/12, tuổi thọ trung bình của người Ấn Độ trong năm 2017 có thể sẽ cao hơn 1,7 tuổi nếu chất lượng không khí của họ được cải thiện.
Một báo cáo gần đây của Đại học Chicago chỉ ra rằng việc tiếp xúc không khí ô nhiễm trong một khoảng thời gian dài làm giảm 4 năm tuổi thọ của một người Ấn Độ.
Hồi đầu năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 14 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới đều nằm trong lãnh thổ Ấn Độ.
Bình luận