(VTC News) - Năm nay trời rét đậm kéo dài, bà con ở nhiều nơi đồng bằng Bắc Bộ xuống đồng cấy lúa muộn vì sợ giá rét làm chết mạ non. Ra Giêng, khi nắng ấm vừa hửng, cũng là lúc nơi nơi nô nức cắm mạ xuống bùn nâu. Ấy vậy mà, mạ chưa kịp bén rễ, rét bất thường lại ùa về, còn rét hơn cả khi tháng Chạp.
1. Mẹ hôm nay ra đồng, nhìn những cây lúa non vàng úa vì chết rét cứ than hoài: “Sao trời mỗi ngày một quái ác?”
Hôm trước, Google Earth đưa ra những hình ảnh so sánh về duyên hải Đông Bắc Nhật Bản trước và sau thảm họa động đất, sóng thần. Thật kinh hãi, một màu xanh với những ô thửa của cỏ cây hoa lá bỗng chốc chỉ vài giờ đồng hồ thành màu nâu của bùn đất, của khói lửa đen ngòm trút lên trời từng cột.
Cận cảnh phía tây Yuriage trước và sau động đất. (Ảnh: Google Earth)
Trong màu xanh ô thửa ấy, có màu xanh của cây lúa xứ Phù Tang cũng đang mùa bén rễ như cây lúa của mẹ ở Việt Nam. Những cây lúa Phù Tang đã bị sóng và nước mặn vùi lấp, không thể nào sống dậy được nữa. Và lúa chỉ là một trong trăm ngàn nỗi đau người Nhật đang gồng gánh trên vai. Lúa mất, mùa cũng tan.
Nhưng giữa hoang tàn đổ nát, giữa vùi dập thân lá mỏng manh, triết lý cây lúa của người Nhật càng trở nên vững vàng hơn bao giờ hết. Người Nhật dạy những đứa trẻ từ thủa ấu thơ, làm gì, nơi đâu, cũng phải sống như cây lúa, lúc hạt lép phải ngóc đầu lên, khi hạt mẩy phải trĩu đầu xuống. Có như thế, khi thất bát, đói nghèo mới càng biết vươn lên, khi no đủ giàu có, mới biết khiêm nhường cúi xuống để không thành kiêu ngạo, tự cao.
2. Nước Nhật giờ có lẽ cũng chẳng khác nào là cây lúa lép. Nhưng nước Nhật lại đang chứng minh chân thực triết lý cây lúa của mình với một tinh thần kiên cường vượt qua thời khắc khó khăn, khiến cả thế giới phải nhìn vào mà khâm phục. Những người Nhật không hề hoảng loạn, không hề tranh giành cướp bóc. Họ bình tĩnh, họ đùm bọc sẻ chia lẫn nhau.
Trong cơn hoạn nạn, người Nhật càng đùm bọc, yêu thương, sẻ chia cho nhau
Này là anh Hideshi ở thành phố Miyako thuộc tỉnh Iwate, phát mì cho những người không còn nhà cửa chống lại cái đói, cái lạnh trong lúc chờ hàng cứu trợ của chính phủ. Này là hai đầu bếp của khách sạn Monterey ở thành phố Sendai cuồng chân, cuồng tay phân phát món súp nóng cho những người cả ngày không có gì vào bụng. Những người nhận súp trật tự xếp hàng, không một ai quay lại nhận lần thứ hai dù bụng còn thấy cồn cào. Họ ý thức được rằng, sự quay lại là điều không công bằng.
Những con phố ngổn ngang, những đoàn xe kẹt đứng trước những bảng hiệu đèn đường đã không còn nhấp nháy và cảnh sát giao thông đã bỏ chỗ đi làm cứu hộ. Không một tiếng còi vang lên thúc giục dù 10 phút chưa lăn nổi nửa vòng bánh xe. Nhật Bản trong cơn “nước sôi lửa bỏng”, mọi thứ phải gấp gáp hơn cả chuyện sợ muộn giờ vào lớp của con, chuyện đến cơ quan trễ bị phạt, hay cuộc hẹn ăn trưa không thể tới muộn... mà vẫn bình tĩnh, chỉ cất còi cảm ơn khi ai đó nhường đường.
3. Người Nhật “khắc kỷ” là một từ phổ biến, tràn ngập mặt blog tiếng Anh trên khắp thế giới những ngày qua. “Quyền lực mềm của Nhật Bản đang tăng lên” – Giáo sư Joseph Nye của Đại học Havard nhận xét khi ông cho rằng Nhật Bản đã đạt được mục tiêu của mình bằng cách khiến các nước khác phải ngưỡng mộ.
Nhìn con người Nhật Bản, ngẫm triết lý cây lúa mà tự hỏi với nhau rằng: Mức độ trầm trọng của thảm họa sẽ như thế nào, nếu những gì vừa xảy ra ở Nhật đổ lên đầu một đất nước khác? Câu trả lời là không thể lường hết, nhưng chắc chắn một điều rằng nó sẽ tồi tệ hơn gấp nhiều lần so với Nhật.
Trận động đất ngày 12/1/2010 tại Haiti có cường độ 7,1 độ richter. Cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa thể có các số liệu chính xác về số người thiệt mạng, song theo tính toán sơ bộ, con số này đã lên tới 200.000 người, vẫn còn rất nhiều người đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Chính quyền Haiti cũng đã cho mai táng gần 7.000 nạn nhân sau động đất.
Nhật Bản giàu có, Nhật Bản với những tòa nhà chọc trời và Nhật Bản vừa đi qua một trận động đất mạnh 9 độ richter. Thế nhưng số người chết lại tỉ lệ nghịch hoàn toàn với số người chết ở Haiti năm 2010, Tứ Xuyên năm 2008, hay Pakistan năm 2005 – nơi những cơn địa chấn có độ richter thấp hơn và cũng có những tòa nhà cao tầng thấp hơn.
4. Hôm 11/3 khi động đất, sóng thần san phẳng cả một vùng Đông Bắc Nhật Bản, tôi nhấc máy gọi một đứa bạn đang du học bên đó. Một chút lo sợ khi đầu dây bên kia bạn tôi chậm nhấc máy. “Trời ơi! Nghe thấy giọng mày rồi” – tôi thốt lên. Bạn tôi cười và đùa lại: “Sao giọng mày còn sợ hãi hơn cả tao bên này thế?"
Một tuần sau, ngồi online, nói với bạn giá vé về nước giảm một nửa rồi đấy, mau về nhà, sau đó pha trò: "Về thì đừng mang theo phóng xạ nhẹ!" Bạn tôi trả lời bằng một biểu tượng cười rồi lặng im.
Chờ một hồi không động tĩnh, tôi Buzz bạn và nhận được những câu trả lời không còn đùa giỡn nữa: “Tao sẽ về những không phải lúc này. Lúa quê mình bén rễ chưa mày? 5 năm rồi tao ăn lúa gạo xứ Phù Tang, tao biết giá vé về nhà giảm một nửa, nhưng tao còn ở lại. Ở lại học triết lý cây lúa xứ Phù Tang".
Hà Thành
Bình luận