Ngày 6/12, tại hội thảo về mô hình tiết kiệm nhà ở của CHLB Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam, một trong những giải pháp được đưa ra để giúp người thu nhập thấp có nhà là thành Ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, hiện thu nhập bình quân đầu người ở nước ta là 2.000 USD/năm, trong thời gian tới con số này sẽ tiếp tục tăng lên do giai đoạn khủng hoảng nhất đã qua, Việt Nam đang dần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.Thu nhập 15 triệu đồng 5 năm vẫn không mua nổi nhà
Vì vậy, năm 2017 sẽ là thời điểm thích hợp để lập ra ngân hàng tiết kiệm nhà ở đầu tiên ở Việt Nam.
Theo luật Nhà ở sửa đổi, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở có hình thức là một công ty cổ phần, hoạt động theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng để huy động vốn và cho vay phát triển nhà ở.
Đối tượng cho vay là các hộ gia đình, cá nhân tham gia đóng góp tiết kiệm vay để mua nhà ở hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở hiện có.
Nguồn vốn ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ từ vốn tự có của các chủ sở hữu tham gia thành lập; vốn đóng góp tiết kiệm của các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay từ ngân hàng tiết kiệm nhà ở; vốn hỗ trợ từ nhà nước…
Năm 2012, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ phương án lập quỹ tiết kiệm nhà ở thí điểm ở Hà Nội và TP HCM. Cùng với quỹ này, ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ trở thành nguồn hỗ trợ tốt để người dân dễ mua được nhà hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam, mô hình này khó thực hiện được vì thu nhập của người dân chưa thể “với tới” được.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng Hội Xây dựng Việt Nam đặt ra vấn đề: Liệu mô hình tiết kiệm nhà ở có khả thi dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân?
“Với điều kiện khác biệt về địa lý, về mức sống, thu nhập và cả điều kiện về nhà ở khác nhau hiện nay, khó có thể nói rằng “bắt một người dân tận trên Sơn La đóng tiền vào ngân hàng tiết kiệm để cho một người ở Hà Nội mua nhà”?”, ông Liêm nói.
Chuyên gia này cũng nhận định, mô hình tiết kiệm nhà ở của các chuyên gia Đức đưa ra mới chỉ thích hợp cho tầng lớp có thu nhập cao, người thu nhập thấp chưa chạm vào được. Dẫn nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, Phó chủ tịch Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đóng vào quỹ tiết kiệm 50% giá trị căn hộ là quá cao so với con số 30% của thế giới.
Tiến sĩ Trần Kim Chung, Viện Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, một gia đình bình thu nhập bình thường hiện nay khoảng 15 triệu đồng/tháng, nếu để dành được 5 triêu đồng thì cũng phải mất 60 tháng mới có thể mua được căn hộ nhỏ 300 triệu đồng. Nhưng lo ngại là 5 năm sau họ có 300 triệu thì giá nhà đã lên 600 triệu đồng/căn rồi thì liệu mô hình tiết kiệm nhà ở có thực sự giải quyết được nhu cầu nhà ở.
Giải đáp những thắc mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, ô hình tiết kiệm nhà ở chỉ là một trong số các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhà ở cho người dân. Mô hình này sẽ giúp là người dân tránh tâm lý ỷ lại vào Nhà nước trong việc phát triển nhà ở.
Riêng lo ngại về sự trượt giá khi người gửi tiền vào ngân hàng những sau đó không mua nổi căn nhà, Thứ trưởng Nam khẳng định “dù sao có một khoản tiết kiệm vẫn còn hơn là không có khoản nào. Hơn nữa, với mô hình này, nếu một người dân gửi vào ngân hàng 300 triệu thì đương nhiên sẽ được vay thêm 300 triệu khác”.
Châu Anh
Bình luận