• Zalo

'Thú nhận' của một tài xế taxi Uber

Kinh tếThứ Năm, 04/12/2014 07:32:00 +07:00Google News

TP.HCM bắt đầu xử phạt xe hoạt động “taxi Uber”, còn khách hàng sử dụng đánh giá, đây là loại hình vận tải hành khách nhiều tiện lợi.

TP.HCM bắt đầu xử phạt xe hoạt động “taxi Uber”, còn khách hàng sử dụng đánh giá, đây là loại hình vận tải hành khách nhiều tiện lợi nhưng cần phải kiểm soát sao cho đúng luật…

Vì sao “taxi Uber” nhanh chóng…chiếm lĩnh thị trường?

Theo tìm hiểu “taxi Uber”, hoạt động chuyên chở hành khách như loại hình taxi thông thường, thông qua ứng dụng có tên Uber trên ĐTDĐ xuất hiện tại TP.HCM vào tháng 6/2014; đến nay, sau 1 thời gian ngắn xuất hiện “taxi Uber” đã gây ầm ĩ, làm cho các hãng taxi theo loại hình truyền thống quan ngại đến “chiếc bánh” thị phần.

taxi Uber, tài xế, cước vận tải, taxi
 
P.V VietNamNet đã thử di chuyển để “mục sở thị” loại hình “taxi Uber”. Thông qua trải nghiệm cũng như ý kiến của nhiều người đã từng sử dụng dịch vụ này, rõ ràng có thể thấy đối với khách hàng sử dụng, “taxi Uber” có nhiều tiện lợi.


Bằng thao tác tải ứng dụng chưa đầy 1 phút và chụp ảnh thông tin thẻ Visa, P.V VietNamet đã đăng ký ngay tài khoản cá nhân trên ứng dụng Uber. Ngay khi vừa đăng ký hành trình, chưa đầy 30 giây sau trên màn hình điện thoại đã có ngay 1 xe ô tô với thông tin đầy đủ về loại xe và tài xế đậu sẵn lề đường để đón khách.

Trong hành trình chuyên chở, tài xế H cho biết, mình là tài xế của 1 công ty A. Theo tài xế này thì phía công ty “hợp đồng” với Uber như thế nào anh không biết, chỉ biết là mỗi chuyến xe anh nhận được 18% số tiền cước phí của khách hàng. Cũng theo anh này, nếu là tài xế tự do, tức tự có xe, tự hành nghề “taxi Uber” không thông qua quản lý của công ty thì hưởng 80% cước phí, còn 20% còn lại là của Uber.

Trung bình mỗi ngày H nhận trên dưới 10 cuốc xe, thu nhập hàng tháng khoảng 7 – 8 triệu đồng. Nếu là tài xế “taxi Uber” tự do thì kiếm 15 – 20 triệu đồng/tháng cũng là chuyện thường.

H còn khoe, xe anh đang lái có giá khoảng 1,4 tỷ đồng, công ty còn có xe 4 – 5 tỷ cũng hoạt động “taxi Uber”.

“Taxi Uber” không có hộp đèn, biển hiệu như taxi thông thường. Đối với khách hàng khi kết thúc hành trình đi “taxi Uber” cũng không cần chuyển thẻ Visa cho tài xế mà Uber tự động khấu trừ tiền cước phí của khách hàng 1 cách tự động.

Doanh nhân H.Đ.N thường sử dụng “taxi Uber” cho biết, “công ty có 1 xe nhưng người này, người kia hay di chuyển. Tôi đi taxi Uber cũng tiện. Bước xuống những xe sang như thế này thì ai biết mình đi taxi, và khách hàng nhìn vào mình cũng bằng con mắt khác…”.

Tài xế N như nói trên, nhiều doanh nhân hay người mẫu, ca sĩ nổi tiếng…cũng thường sử dụng “taxi Uber”. Anh N cũng khoe “có cô người mẫu nọ, chụp ảnh đứng bên hông xe của anh hay dùng để chuyên chở khách. Thế là ít ngày sau, anh thấy báo chí đăng tải ảnh nhan nhản “quảng bá” người mẫu đó vừa tậu xe bạc tỷ. Có ai biết là, cô người mẫu là khách hàng thân thiết của anh.

Doanh nhân H.Đ.N cho biết thêm “rõ ràng đi “taxi Uber” tiện lợi, đi xe sang trọng như đi xe nhà, mà chẳng ai biết đi taxi. Vì thế không mấy khó hiểu khi mà có mặt ở TP.HCM chưa bao lâu “taxi Uber” đã gây làn sóng phản đối từ các hãng taxi truyền thống, do lo ngại ảnh hưởng đến…“nồi cơm”.

Nghi vấn trốn thuế và bất cập về pháp lý


Theo tìm hiểu của P.V VietNamNet, hiện tại Uber đang có kế hoạch tuyển dụng nhân sự quản lý cho hoạt động dịch vụ vận tải dạng này tại Việt Nam. Thị trường mà Uber đang mưu tính là 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Thế nhưng với cách thức hoạt động hiện tại “taxi Uber” rõ ràng đã lộ ra nhiều bất cập về tính pháp lý tại thị trường Việt Nam.

Đầu tiên là “taxi Uber” hoàn toàn không có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, xe hoạt động chuyên chở hành khách không có bảng hiệu, logo, đồng hồ tính cước, không trụ sở, không có tổng đài…như taxi truyền thống.

Đặt trường hợp, khách hàng có sự cố khi sử dụng dịch vụ như: Uber trừ tiền trong thẻ Visa của hành khách bất hợp lý, hành khách bị mất đồ đạc tài sản, bị tài xế lừa đảo…liệu người tiêu dùng biết khiếu nại nơi đâu?

Tiếp theo, phải nói đến là khoản 20% Uber đang hưởng lợi, đơn giản chỉ tốn công sức trong việc phát triển phần mềm Uber đang có trên ĐTĐD, không có sự kiểm soát của cơ quan thuế ?. Số tiền này khả năng là được chuyển ra nước ngoài. Còn lại 80% tiền tài xế hoạt động “taxi Uber” nhận từ hành khách cũng không phải đóng bất cứ một khoản thuế nào.

Được biết mới đây Thanh tra sở GTVT TP.HCM đã phối hợp cùng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) công an TP.HCM đã bắt đầu xử phạt taxi Uber tại TP.HCM. Chỉ mới ngày đầu ra quân, nhưng cơ quan chức năng đã xử lý 5 trường hợp xe chuyên chở hành khách dạng “taxi Uber” và kế hoạch sắp tới là sẽ xử mạnh những trường hợp xe kinh doanh “taxi Uber”.

Liên quan đến loại hình mới mẻ, “taxi Uber”, luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM) phân tích, điều 67 Luật giao thông đường bộ quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là loại hình kinh doanh có điều kiện.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình muốn kinh doanh phải đăng ký kinh doanh ngành “Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành” tại Sở Kế hoạch & Đầu tư và sau đó được Giấy phép kinh doanh vận tải tại Sở Giao thông Vận tải.

Như vậy, nếu “taxi Uber” kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký kinh doanh và không có giấy phép kinh doanh vận tải là trái pháp luật. Hành vi này là kinh doanh trái phép. Chính hành vi kinh doanh trái phép này có thể dẫn tới hành vi trốn thuế với khoản tiền mà “taxi Uber” thu của khách hàng 20% hoa hồng. Mặt khác, người chủ xe thu được 80% lợi nhuận được hưởng mà không khai báo thuế thu nhập cá nhân là vi phạm pháp luật về thuế.

Cũng theo ý kiến của ông Chánh, “taxi Uber” hoàn toàn không đáp ứng bất kỳ quy định nào về kinh doanh taxi theo quy định. Nếu trong quá trình vận chuyển xảy ra tranh chấp với khách hàng về tiền cước, mất mát tư trang, hành lý… thì khách hàng sẽ khó bảo vệ quyền lợi cho mình và cũng khó cho cơ quan chức năng giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho hành khách.

“Xét trên góc độ pháp lý thì “taxi Uber” chưa tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải taxi, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng chấn chỉnh, xử lý trường hợp này để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh vận tải, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hành khách” - luật sư Chánh nói rõ.

Tuy nhiên luật sư nói trên cũng ý kiến, “về góc độ kinh doanh thì rõ ràng việc ứng dụng phần mềm Uber trên smartphone cộng với việc sử dụng “xe sang” để vận tải là ý tưởng kinh doanh tốt, nó đang đáp ứng nhu cầu “sang trọng” của một lượng khách hàng khi sử dụng Taxi. Vì vậy, nếu được thì các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, yêu cầu “Uber” cũng như các chủ xe kết nối với “Uber” phải đăng ký kinh doanh, tuân thủ đúng quy định pháp luật”.

Theo vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn