Một độc giả đã viết thư ngỏ bình luận về bài viết của TS.Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đăng tải trên một số báo.
Ngày 01/6/2014, tôi có đọc bài viết với tiêu đề “Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân tích pháp lý vụ “bầu Kiên” trên báo điện tử Pháp luật Online, được một số trang mạng đăng lại.
Bài báo đã nêu TS. Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã nêu quan điểm cá nhân đối với việc đánh giá chứng cứ về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm do có hành vi chỉ đạo công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) chuyển nhượng số cổ phần đang thế chấp tại Ngân hàng ACB để nhận 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát.
Qua đó, ông cho rằng: “Khó có cơ sở để buộc hành vi của Nguyễn Đức Kiên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật hình sự” và “Các cơ quan tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá lại căn cứ buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên theo đúng nguyên tắc khách quan, toàn diện để tránh dẫn đến việc kết án sai, gây hậu quả khó có thể khắc phục được”.
TS. Từ Văn Nhũ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao |
Tôi hết sức ngạc nhiên về cách đặt vấn đề cũng như nhận xét trên của ông Từ Văn Nhũ, qua theo dõi phiên tòa những ngày vừa qua và những gì đã nêu trong cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao mà được các báo đã thông tin.
Ông có biết, ngày 11/5/2010, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22.497.000 cổ phần thuộc sở hữu của Công ty ACBI tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát thuộc tập đoàn Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để bảo đảm cho việc phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu của Công ty ACBI.
Thế nhưng, ngày 21/5/2012, cũng lại Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBI ký hợp đồng bán 20.000.000 cổ phần trong tổng số 22.497.000 cổ phần đang được thế chấp nêu trên cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng.
Tại hợp đồng mua bán, Công ty ACBI cam kết: “đảm bảo số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn và các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng, chuyển giao cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đầy đủ theo hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào”.
Bằng hợp đồng này, Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát đã ba lần vào các ngày 19/6, 26/6 và 27/6/2012, chuyển cho Công ty ACBI 264 tỷ đồng.
Ngay sau khi có được số tiền này, Nguyễn Đức Kiên đã sử dụng cá nhân 72,5 tỷ đồng, chuyển cho Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) 53,4 tỷ đồng để gửi tiết kiệm, chuyển 22,8 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu, số còn lại trả nợ cho Ngân hàng ACB.
Thưa ông Từ Văn Nhũ, hành vi bán số cổ phần đang được thế chấp tại ngân hàng và cam kết với bên mua “không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào” có phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Giả sử ông trả tiền mua một ngôi nhà, mà ngôi nhà đó người bán đã thế chấp ngân hàng nhưng lại cam kết với ông rằng ngôi nhà đó không có tranh chấp và không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm nào, ông có chấp nhận không và có coi đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Thưa TS. Từ Văn Nhũ, ông nên dành thời gian để suy ngẫm câu nói của cổ nhân “biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”! Tôi nghĩ đến đây, bạn đọc đã hiểu rõ bản chất lừa đảo, gian trá, xảo quyệt của Nguyễn Đức Kiên và những kẻ đồng lõa, dung túng cho tội phạm./.
Theo Phan Công Lý/baotinnhanh.vn
Bình luận