Báo cáo tại phiên thảo luận ở Quốc hội chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nhiều nội dung quan trọng về thu ngân sách nhà nước.
Ông nhấn mạnh, tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa. Thu ngân sách nhà nước 4 năm qua đều vượt dự toán. Trong đó, 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương. Nhiều chỉ tiêu cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch thu 5 năm.
Theo Bộ trưởng, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát cả số chi tuyệt đối và tương đối. Năm 2020, bội chi ngân sách dự toán đạt 3,44% GDP, bình quân 2016-2020 đạt 3,6-3,7% GDP và vượt mục tiêu 3,9%.
Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ, tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng của GDP danh nghĩa. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ công là 18,1% trong khi tăng GDP danh nghĩa là 14%. Giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng nợ công là 8,2%, tốc độ tăng GDP danh nghĩa là 9,7%. Tỷ lệ nợ công đến 2020 ước tính đạt 54,3% GDP trong khi năm 2016 là 63,7%.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận công tác ngân sách Nhà nước có những tồn tại như tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần; năng lực sản xuất một số ngành đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao, thu nội địa của một số địa phương quan trọng tăng chậm.
Bàn về chất lượng công trình trọng điểm quốc gia, đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam) cho rằng chất lượng ở một số nơi còn có vấn đề, gây bức xúc trong dư luận xã hội, chậm khắc phục. Ông Cường nêu ví dụ trường hợp tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Ông Cường kiến nghị các ĐBQH trải nghiệm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Vân Đồn - Móng Cái. Đại biểu cũng nhấn mạnh sau những hạn chế sau khi xây dựng con đường cao tốc ở Quảng Nam, nhiều văn bản của đại biểu Quốc hội kiến nghị Bộ Giao thông và Vận tải nhưng vẫn im hơi lặng tiếng.
“Nếu Bộ Giao thông và Vận tải không có hướng giải quyết thì thông báo cho địa phương để có hướng khắc phục”, đại biểu tỉnh Quảng Nam thẳng thắn.
Bàn về kết cấu hạ tầng sân bay, theo ông Cường, hiện tại cả nước có 22 sân bay, với 21 sân bay do Tổng công ty Hàng không ACV quản lý, vận hành. Trong 21 sân bay thì 8 sân bay làm ăn có lãi, 13 sân bay làm ăn thua lỗ, hạ tầng ngày càng xuống cấp.
Đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông và Vận tải, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cho thí điểm phân cấp về địa phương để huy động nguồn vốn từ các tập đoàn kinh tế tư nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay, vận hành khai thác mô hình như sân bay Vân Đồn đã làm.
Bình luận