Được biết, đây kết quả của đề tài nghiên cứu ứng dụng phương pháp khí hóa lõi ngô theo nguyên lý liên tục ở quy mô công nghiệp của Viện nghiên cứu này, được thực hiện thành công dựa trên nguồn kinh phí của Đề án "Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025".
PGS -TS. Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm hệ thống lò khí hóa lõi ngô – cho biết, từ đề tài nghiên cứu, nhóm tác giả đã chế tạo thành công một hệ thống lò khí hóa lõi ngô quy mô công nghiệp. Lò khí hóa này có thể chuyển hóa nhiên liệu ở dạng rắn sang dạng khí tổng hợp, có nhiệt trị cao, dễ sử dụng.
Qua thời gian khảo nghiệm thực tiễn sản xuất tại Sơn La, lò khí hóa mới đã thay thế được một số loại lò đốt trực tiếp dùng nguyên liệu than đá hoặc đốt lõi. Khí tổng hợp lấy từ chiếc lò mới có thể sử dụng đốt lấy nhiệt cung cấp cho các cơ sở sấy ngô hoặc các thiết bị khác có sử dụng năng lượng nhiệt. Từ đây có thể tận dụng lượng lõi ngô dư thừa tại cơ sở sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu sử dụng cho các nhà máy chế biến nông sản.
Kết quả sau khi khảo nghiệm trong thực tiễn sản xuất cho thấy, hệ thống đáp ứng được hoàn toàn các yêu cầu chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật. Chi phí cho nhiên liệu đốt chỉ bằng khoảng 1/3 so với lò đốt trực tiếp sử dụng than đá. Hơn nữa, giá thành thiết bị chỉ bằng khoảng 40 - 45% so với nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…
Sau thành công của việc chuyển đổi lõi ngô sang dạng khí tổng hợp syngas sạch, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp mong muốn được tiếp tục nghiên cứu mẫu lò đối với nhiều loại phụ phế phẩm nông nghiệp khác; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về thiết bị lọc khí hướng tới tạo ra nguồn năng lượng sạch hơn, đủ tiêu chuẩn sử dụng trong các hệ thống máy phát điện, động cơ nổ hoặc cho hệ thống chế biến sản phẩm chất lượng cao, quy mô lớn hơn.
Việc tạo ra hệ thống lò khí hóa lõi ngô sẽ mở ra hướng đi mới trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp đang có nhiều tại Việt Nam.
Bình luận