(VTC News) – Nỗi đau mất mát vừa qua còn nhức nhối khắp dải đất miền Trung, thì cơn lũ tiếp theo lại tràn về. Với những người con xa, mỗi tin lũ là mỗi lần nỗi thương nhớ quê nhà quặn thắt trong lòng. Lá thư của một người con miền Trung gửi về BBT VTC News trong một đêm trắng hướng về khúc ruột sắp chìm trong biển nước.
Xa nhà, 2 chữ quê hương luôn tha thiết trong tim mỗi người con dân Việt. Với tôi, lúc này đây lòng đang hướng về nhà dõi theo con nước lũ.
Cơn lũ lại đến khi cơn lũ cũ vừa mới dứt mấy ngày thôi. Chiều nay, điện thoại cho anh bạn mới biết tin, liền điện thoại về cho bà nội, được biết nước mới xăm xắp bàn chân. 2 em đứa ở Hà Nội, đứa nào cũng nhắn tin bảo anh liên lạc về nhà, tưởng bộ như anh chưa biết.
Hơn 10 giờ đêm gọi lại, đứa em 10 tuổi, con chú, ở cùng bà nghe máy thông tin cho anh. Lũ đã vào nhà đến đầu gối. Hai bà cháu đã chuẩn bị sẵn bàn cạnh giường để phòng. Tự dưng mình thấy ái ngại, trời đang mưa to, đêm còn dài, nước dâng nhanh, nếu mất điện, mất liên lạc thì hai bà cháu biết xoay xở ra sao. Được biết nhà chú, mự và em đã trèo lên nóc nhà tránh lũ, phòng con nước dâng đêm. Cám cảnh và nguy hiểm thay!
Mấy năm nay người dân quê tôi không chứng kiến bão lũ, năm này lũ lại dâng to. Do ảnh hưởng bão, ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới thời gian gần đây, hồ thuỷ lợi Kẻ Gỗ lại xả lũ các đập chứa nước. Hồ, đập ở Hương Khê, Hương Sơn nguy cơ rạn. Đập khe Mơ vừa vỡ, nước càng dâng nhanh, đe doạ cuộc sống mấy huyện thành phố xung quanh. Với lũ thì sự biến bất thường, nhiều khi, buổi tối đi ngủ sáng ra đã mênh mông nước. Giờ đây, tỉnh làm con đường tránh quốc lộ như một con đê chắn nước lại thoát lâu, địa hình làng tôi đã trũng lại úng đọng thêm. Cái hay và cái dở, thế đấy. Ai tính được hết?
Đêm nay làng tôi chắc thấp thỏm mất ngủ, trông diễn biến con nước. Đúng là câu ca dao cũ đúng muôn đời với nông dân: “Trông trời, trông đất, trông mây - Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm...”
Cuộc sống này không biết đến bao giờ. Có lẽ không ai thay đổi được điều đó, trừ phi trốn chạy xa nó. Nhưng những người nông dân trốn chạy đi đâu? Lên rừng tránh lũ, hết lũ nước rút lại trở về. Trong mưa bão càng thấy cái khổ ải của xứ mình, mới thấy sự kiên cường dĩ dạn, trong tình huống nào cũng bám đất bám làng, mới thấy tình yêu với quê hương sâu đậm nhường nào. Trong gian khổ mới thấy ngời sáng tình người. Ôi, cảm động với miền Trung, lại cảm động về những tấm tình của bà con muôn nơi oằn lòng với miền Trung, thật đáng ghi nhận tôn vinh!
Nếu kêu trời, trời thấu, thiên - nhân cảm ứng thật, thì giờ này, tôi chỉ xin Ông thương lấy dân nghèo. Phù hộ cho dân làng, bà cháu bình yên!
Tôi đi xa nhà không thể trở về ngay trong vài giờ. Nơi xa, dõi theo tinh con nước, lòng thấp thỏm không yên…
Hà Nội, 0h 17.10.2010
Phạm Thạch Hoàng
(bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Bạn cũng đang sống trong những phút lo lắng cho miền Trung? Bạn biết những câu chuyện thương tâm, những số phận cần được sẻ chia, nâng đỡ, những tấm gương hi sinh dũng cảm, hay những kỉ niệm không thể nào quên về tình người trong cơn bão vừa qua và những mùa lũ trước? Xin đừng ngần ngại dành một phút chia sẻ qua [email protected] hoặc qua ô thảo luận cuối bài, bạn sẽ mang lại niềm tin và ánh sáng cho rất, rất nhiều người đang trong cơn khốn khó, cũng như thức tỉnh những xúc cảm nhân văn cao đẹp trong những người sống quanh ta!
Bình luận