Dự kiến chi tới 42 tỷ đồng cho hội đồng quản trị và ban kiểm soát nhưng Eximbank sẽ thực chi chỉ hơn 20 tỷ đồng vì lợi nhuận năm 2012 giảm rất mạnh so với kế hoạch.
Ngay từ đầu năm, trong đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng đã xác định 2012 là một năm khó khăn, đầy áp lực nên đã nâng tỷ lệ chi trả thù lao cho thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) cũng như Ban kiểm soát. Mức nâng phổ biến gấp 1,5-2 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, sau 2/3 chặng đường của năm 2012, số thù lao được nhận của các ông chủ ngân hàng, nếu so với năm 2011, đều giảm mạnh.
Theo kế hoạch, Eximbank dự kiến chi trả thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát tương đương 1,5% lợi nhuận sau thuế - tăng 0,5% so với năm 2011. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của nhà băng này năm 2012 khoảng 3.400 tỷ đồng, như vậy, số thù lao sẽ chi trả tương đương với 42 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ đồng/người).
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh hết quý III của ngân hàng này cho thấy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.825 tỷ đồng. Do đó, tại thời điểm này, mức thù lao dành cho HĐQT và Ban kiểm sát chỉ ở mức trên 27 tỷ đồng - khá “khiêm tốn” so với mục tiêu đề ra. Chia đều cho 12 thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, mỗi người nhận tương đương trên 2 tỷ đồng.
Trong kế hoạch năm 2012, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng là một trong những đơn vị “chịu chơi” trong chi trả thù lao cho các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát khi đặt ra con số 45 tỷ đồng, tương đương hơn 4 tỷ đồng/người.
Đến nay, sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý III, khoản lợi nhuận sau thuế từ đầu năm của nhà băng này đạt khoảng 468 tỷ đồng. Với số lợi nhuận này, từ nay đến cuối năm, nếu như giữ nguyên tỷ lệ thù lao chi trả, nhà băng này có thể phải dùng tới xấp xỉ 10% số lợi nhuận sau thuế.
Năm nay, không chỉ lương thưởng nhân viên, thù lao của các ông chủ ngân hàng cũng có nguy cơ giảm
Tại các ngân hàng thương mại nhà nước, mức thù lao vẫn thấp hơn so với ngân hàng cổ phần. Điển hình, tại Vietinbank, với khoản lãi sau thuế hết quý III là 2.414 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả thù lao cho 14 thành viên HĐQT và Ban kiểm soát là 0,53%, tính đến hết 30/9, một người đã nhận về hơn 900 triệu đồng, bằng một nửa so với con số 1,8 tỷ đồng cho cả năm 2012 đề ra từ đại hội cổ đông.
Năm 2011, tổng quỹ lương của HĐQT và Ban kiểm soát của Vietcombank, theo nghị quyết đại hội cổ đông là hơn 11,8 tỷ đồng, song thực tế, số dùng để chi trả là hơn 8,3 tỷ đồng.
Năm 2012, dự kiến tăng thêm 3 người trong HĐQT, Ban kiểm soát, nhà băng này đề xuất phê duyệt thù lao bằng với 2011, chiếm 0,28% lợi nhuận sau thuế, tương đương 16 tỷ đồng (khoảng hơn 1 tỷ đồng/người nếu sử dụng hết). Tính đến hết 30/9, số liệu lợi nhuận sau thuế là hơn 3.500 tỷ đồng, số thù lao chi trả tương đương 9,8 tỷ đồng (chưa đến 1 tỷ đồng/người).
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu, ông Nguyễn Thanh Toại không quá ngạc nhiên với ý kiến cho rằng năm nay, mức thù lao dành cho các ông chủ ngân hàng sẽ giảm mạnh. Ông nói, một phần do việc làm ăn của ngân hàng khó khăn, doanh thu, lợi nhuận đều không khả quan so với 2011.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang lao đao, phá sản…, lợi nhuận ngành ngân hàng cao đã gây ra những phản ứng từ dư luận. Nếu việc chi trả cổ tức cho cổ đông hay thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát cũng cao sẽ khiến cho cả xã hội bất bình.
Tại ACB, ông Toại cho hay, mức chi trả thù lao cho thành viên HĐQT cũng như Ban kiểm soát sẽ chỉ mang tính chất tượng trưng. Trước đây, nhà băng này không có khoản chi cho việc này, nhưng về sau, vì luật hóa nên mỗi năm cũng trích ra một khoản, song thường không đến hàng tỷ đồng/người như các đơn vị khác.
“Tôi biết một số nơi chi trả thù lao cao còn khiến cho cổ đông ‘lục đục’ và phản ứng, cự cãi… Nói chung khi kinh doanh khó khăn thì làm gì cũng cần nghĩ tới đạo lý”, lãnh đạo này nhấn mạnh.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm cũng có cùng ý kiến. Ông cho rằng, năm nay, sẽ có ngân hàng không đạt lợi nhuận dự kiến vì thế chuyện cắt giảm chi phí hoạt động là điều tất yếu.
“Nhanh nhất vẫn là cắt giảm chi phí nhân sự, sau đó là các chi phí hoạt động khác cho dịch vụ. Nhưng dịch vụ vẫn cần phát triển để đảm bảo tăng lợi nhuận khi cho vay ra khó khăn, nên tối ưu vẫn là giảm lương, thưởng”, ông Kiêm bình luận.
Trước đó, trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ bắt các ngân hàng phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Thậm chí, những trường hợp trích lập thiếu còn phải mang cả lợi nhuận ra, cắt luôn tiền thưởng Tết, thù lao cho lãnh đạo…
Theo Infonet
Bình luận