Hai tuần sau khi được vinh danh là thủ khoa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2022, Việt Dũng vẫn nhận được nhiều lời khen, chúc mừng từ bạn bè, thầy cô và gia đình.
"Khoảnh khắc đứng trên bục phát biểu với vai trò thủ khoa và nhận bằng tốt nghiệp là thời khắc đẹp nhất đời sinh viên, cũng là quả ngọt cho 4 năm cố gắng không ngừng của em", tân thủ khoa nói.
Năm 2018, cậu học trò Nguyễn Việt Dũng, lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) xuất sắc giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Toán - năm thứ 2 liên tiếp cậu đạt được kết quả này.
Với thành tích trên, cậu có cơ hội tuyển thẳng vào nhiều trường đại học khối Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, cậu học sinh ấy bất ngờ rẽ hướng lựa chọn xét tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Toán, khoa Toán Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dù bất ngờ nhưng quyết định này được gia đình và bạn bè Dũng ủng hộ.
Từng là học sinh giỏi Toán quốc gia, Dũng tự tin có thể chinh phục tốt các môn học ở bậc đại học. Thế nhưng, tiết học đầu tiên - môn Đại số tuyến tính - Dũng “sốc” với tốc độ giảng bài của thầy cô nhanh, khối lượng kiến thức trong một tiết học quá lớn.
Mỗi buổi học diễn ra liên tục trong vòng 4 - 5 tiếng. "Sau tuần học đầu tiên em thấy đuối sức và có phần sợ học - đây là lần đầy tiên sau 12 năm học phổ thông em có cảm giác như vậy", Dũng kể.
Không cho phép bản thân khuất phục, nam sinh xây dựng lại kế hoạch học tập, khác hoàn toàn với cách học ở bậc phổ thông. "Khi lên giảng đường em cố gắng lắng nghe thầy cô giảng bài và ghi chép đầy đủ kiến thức. Tối về, em hệ thống lại kiến thức, làm hết các bài tập để ghi nhớ nội dung bài tốt hơn", nam sinh chia sẻ.
Phần nào không hiểu, Dũng thảo luận cùng bạn bè hoặc hỏi thầy cô. Mặt khác, với kiến thức tiếng Anh khá tốt, cậu dễ dàng tìm kiếm tài liệu của nước ngoài nhằm nghiên cứu, bổ trợ cho quá trình học.
Cậu sinh viên gốc Quảng Ninh đặc biệt đề cao việc tự học. Cậu tự nhận bản có phương pháp khác biệt với các bạn sinh viên cùng lớp.
"Em tự đặt ra phương châm "3 luôn" - luôn đặt ra câu hỏi, luôn học hỏi, luôn tự học. Ví dụ, khi học một định lý, em thường hay suy nghĩ về chiều đảo của định lý và liên hệ với kiến thức ở trường THPT để giải quyết những bài tập khó. Nhờ vậy, việc hiểu và ghi nhớ sẽ nhanh hơn, tốt hơn và dễ dàng hiểu được bản chất vấn đề, không bị nhàm chán, mệt mỏi", Dũng chia sẻ.
Phương pháp học độc đáo giúp cậu đạt hầu hết điểm A+ ở tất các môn trong 4 năm đại học, đặc biệt năm 2019 giành giải nhất Olympic toàn quốc về Giải tích - cuộc thi dành cho sinh viên trường đại học.
Tân thủ khoa cho biết, khi có thời gian rảnh, cậu hay đi dạy gia sư, luyện thi vào cấp 3 cho một số bạn học sinh. "Em từng dạy kèm cho một bạn đỗ vào lớp 10, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Công việc này cho em thêm nhiều niềm vui khi thường xuyên tiếp cận, trò chuyện với các em học sinh. Từ đó, em cũng cải thiện được kỹ năng sư phạm của mình", Dũng nói.
Nhìn lại quãng thời gian sinh viên, điều Việt Dũng tiếc nuối nhất là chưa tham gia được nhiều hoạt động ngoại khóa cũng như chưa đủ dũng khí tỏ tình với người mình thích.
Sau tốt nghiệp, Dũng dự định sẽ vừa học thạc sĩ, vừa trở về trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) để dạy học môn Toán. Nói về nghề giáo, Việt Dũng tâm đắc với câu nói nổi tiếng của William Arthur Ward: "Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi chỉ biết giải thích, người thầy xuất chúng chỉ biết minh họa, người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng".
Dũng cũng hay đặt ra câu hỏi "Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Toán?", "Làm thế nào để học sinh tìm thấy niềm vui và vẻ đẹp của môn học mình đang dạy?". Với tân thủ khoa, tìm được đáp án cho những câu hỏi này còn vĩ đại hơn bất cứ công trình nghiên cứu nào.
"Em nghĩ dạy Toán không chỉ đơn thuần là truyền đạt lại những kiến thức của toán học mà thông qua toán học, người thầy phải dạy được cho học sinh của mình cách tư duy, giải quyết vấn đề, làm việc trung thực và trách nhiệm", chàng cử nhân sinh năm 2000 nói.
Bình luận