Vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp cho các tân cử nhân, kỹ sư. 13 thủ khoa và 35 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc được khen thưởng. Trong số đó, Trần Hữu Trí, thủ khoa Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, là một trong những gương mặt nổi bật được vinh danh.
Tốt nghiệp sớm, chưa từng học lại
Trần Hữu Trí sinh năm 1998, sinh viên lớp CNTT2.01-K61, chuyên ngành Hệ thống Thông tin. Với điểm CPA 3.83, nam sinh được công nhận là thủ khoa đầu ra của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, đồng thời là sinh viên có điểm CPA cao nhất trong số hơn 3.200 sinh viên tốt nghiệp năm 2021. Nam sinh này tốt nghiệp sớm một học kỳ.
Hữu Trí cảm thấy vui và hãnh diện khi trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Bách khoa Hà Nội. Chàng trai chưa từng nghĩ bản thân sẽ đạt được thành tích này.
Ban đầu, khi mới vào trường, Hữu Trí chỉ đặt mục tiêu có tấm bằng giỏi. Sau học kỳ đầu tiên, nam sinh nhận thấy bản thân có thể làm tốt hơn nên hướng tới việc đạt điểm tuyệt đối trong từng học kỳ để giành học bổng và có được tấm bằng loại xuất sắc.
Trong 9 học kỳ, Trần Hữu Trí 3 lần giành được học bổng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Dù đăng ký học vượt để tốt nghiệp sớm, nam sinh vẫn đạt kết quả tốt ở tất cả môn và chưa từng phải học lại.
Chương trình đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội khá khó và nặng, đòi hỏi sinh viên phải chăm chỉ và sắp xếp thời gian học tập khoa học. Nhưng đối với Hữu Trí, việc học không quá áp lực vì nam sinh đã xác định mục tiêu ngay từ đầu. Nhà trường cũng đã thiết kế chương trình học phù hợp để giảm bớt áp lực cho sinh viên.
"Học Bách khoa có cái khó, nhưng mình tin rằng nếu các sinh viên nghiêm túc với việc học, nhất định sẽ vượt qua được. Sinh viên không nên thấy khó rồi chấp nhận bị điểm kém hoặc để trượt môn", tân thủ khoa cia sẻ.
Không học "xuyên đêm"
Từng là học sinh chuyên Toán, Trần Hữu Trí không quá khó khăn khi học các môn Toán cao cấp hoặc Vật lý đại cương. Điểm yếu của nam sinh nằm ở các môn lý luận, yêu cầu học thuộc nhiều kiến thức dài và phức tạp.
Với những môn học đại cương ở học kỳ I, Hữu Trí tập trung nghe giảng và ghi bài ngay tại lớp. Khi về nhà, nam sinh làm thêm bài tập để nhớ lại và hiểu kỹ hơn về những kiến thức được học.
Nam sinh khẳng định phương pháp học này khá hiệu quả đối với sinh viên, lúc ôn thi sẽ không mất quá nhiều thời gian để hệ thống lại kiến thức. Thậm chí, nam sinh từng chỉ mất một ngày để ôn tập nhưng vẫn đạt kết quả tốt.
Về phương pháp ôn thi, tân thủ khoa khuyên các sinh viên nên đọc lại toàn bộ kiến thức để xác định những phần bị hổng hoặc chưa hiểu hết. Sau giai đoạn này, sinh viên tập trung luyện đề.
Thông thường, bài thi kéo dài 60 phút, Hữu Trí sẽ cố làm trong 45 phút như một cách để rèn tốc độ làm bài.
Ở những học kỳ tiếp theo, Trần Hữu Trí dần tiếp cận với các môn chuyên ngành, đúng với đam mê và thế mạnh của bản thân. Đối với nam sinh, các môn cơ sở ngành ở đầu năm thứ ba tạo nhiều ấn tượng vì những môn này giúp cậu mở rộng tầm nhìn về ngành Công nghệ Thông tin.
Khi học chuyên ngành, sinh viên chủ động học thêm và tham khảo các tài liệu ngoài. Tương tự các môn học của kỳ trước, Hữu Trí tập trung nghe giảng trên lớp và duy trì nhịp độ học và ôn bài đều đặn. Do đó, nam sinh không mất quá nhiều thời gian để ôn thi, đồng thời không phải học "xuyên đêm" như nhiều sinh viên khác.
Đối với Trí, việc nghỉ ngơi cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Thay vì học đêm, nam sinh thường nghỉ sớm. Khi rảnh rỗi, nam sinh dành thời gian chơi game, xem phim hoặc đi chơi với bạn bè như một cách để giải tỏa căng thẳng khi học tập.
Thực tập sớm để trau dồi kỹ năng
Điểm đặc biệt của tân thủ khoa đầu ra Bách khoa là đi thực tập sớm. Từ cuối năm 2, Trần Hữu Trí đã trở thành thực tập sinh của một doanh nghiệp. Chính điều này giúp nam sinh có thêm nhiều kỹ năng và kiến thức mới mẻ. Qua đó, việc tiếp cận môn học và nắm bắt kiến thức trên lớp cũng trở nên thuận lợi hơn.
Chia sẻ về lý do đi thực tập sớm, Hữu Trí cho biết cậu cảm thấy sốt ruột vì hơn một năm ở trường đại học chỉ được dạy môn đại cương, chưa được tiếp cận môn chuyên ngành. Điều này khiến nam sinh nôn nóng, mong được hiểu thêm công nghệ thông tin, nên đã thực tập tại một doanh nghiệp để học hỏi.
Dù vừa học vừa thực tập, Trí vẫn biết cách cân bằng và không để ảnh hưởng đến kết quả học tập. Phía công ty cũng tạo điều kiện để nam sinh hoàn thành việc học đầy đủ.
Tuy nhiên, việc thực tập khiến Trí không còn nhiều thời gian rảnh như trước, hiệu quả ôn bài cũ cũng giảm đi. Do đó, nam sinh tập trung hơn khi học trên lớp và ghi chép đầy đủ để hạn chế những kiến thức bị hổng.
Nhờ thực tập sớm, Trần Hữu Trí có thêm kiến thức để tiếp cận các môn chuyên ngành và nhiều kỹ năng mới để làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, khi giao lưu, làm việc với các kỹ sư có kinh nghiệm, nam sinh cũng có thêm lời khuyên để định hướng cho tương lai.
"Sáu tuần đầu thực tập không lương, nhưng những điều mình nhận lại là sự giúp đỡ, chỉ dạy tận tình của các tiền bối trong công ty và các lãnh đạo cấp cao", nam sinh nói.
Sau khi tốt nghiệp, tân thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục chuẩn bị để học lên thạc sĩ, chuyên ngành Khoa học máy tính. Nam sinh dự định sẽ bắt đầu học vào năm 2022.
Với tân sinh viên vừa vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Hữu Trí khuyên các bạn cần chủ động trong việc học, không nên lơ là, bỏ lỡ thời gian học tập.
Điều quan trọng ở môi trường đại học là tinh thần tự học và chăm chỉ, các bạn tân sinh viên nên tự đốc thúc bản thân, học ngay trên lớp để tránh phải học ngày cày đêm, gây ảnh hưởng sức khỏe và hiệu quả tiếp thu kiến thức.
"Đại học không phải nơi để xả hơi. Chỉ cần cố gắng từng ngày, các bạn sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra", Hữu Trí nhấn mạnh.
Năm 2021, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp cho 3.288 tân cử nhân, tân kỹ sư. Trong đó, 81 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 593 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, 2.145 sinh viên tốt nghiệp loại khá và 10 sinh viên quốc tế. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ tốt nghiệp được tổ chức trực tuyến và livestream trên fanpage của trường.
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện, nhà trường sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp trực tiếp để các sinh viên được dự lễ tốt nghiệp trọn vẹn.
Bình luận