(VTC News) – TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần lựa chọn cẩn trọng hơn đối với các dự án đầu tư nước ngoài.
“Bây giờ chúng ta chỉ nên tiếp nhận các dự án FDI khi chúng ta có đủ nguồn lực lao động. Nếu muốn có dự án quy mô lớn ở địa phương nào đó, nhà nước phải tính đến việc huy động đủ nguồn lực lao động trong cả nước đến”, TS. Phan Hữu Thắng nêu quan điểm.
Nhận định về xu thế thu hút FDI trong năm 2015, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng các dự án lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam có thể sẽ ít hơn vì các nhà đầu tư lớn đã vào rồi.
Theo ông Thắng, nhiều khả năng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào. Trong giai đoạn này buộc phải thế vì doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được CNHT.
TS. Phan Hữu Thắng: "Đã đến lúc chúng ta chỉ nên tiếp nhận các dự án FDI khi chúng ta có đủ nguồn lực lao động" |
- Sự yếu kém của ngành CNHT Việt Nam đã được bộc lộ rõ nhất sau sự kiện Samsung đưa danh mục đầu tư nhưng không một doanh nghiệp nào của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu. Theo ông, đâu là lối thoát cho ngành CNHT của Việt Nam hiện nay?
Theo tôi, bây giờ nhà nước phải đầu tư vào công nghệ nguồn. Mỗi sản phẩm có lõi của nó, phải tạo ra cái đó thì ngành công nghiệp mới là của mình. Chứ như bây giờ điện thoại sam sung vẫn là của Hàn Quốc chứ có phải của Việt Nam đâu. Mà ngay bây giờ doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể tham gia sản xuất các linh kiện phụ tùng vì thiếu vốn, nhân lực. Cơ bản nhất là thiếu vốn.
Sản xuất linh phụ kiện rất cần thiết bị công nghệ đạt đến mức nào đó, nó cần quy mô, chẳng hạn 100 triệu thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10 triệu. Bởi vậy, rất cần liên kết các doanh nghiệp nhỏ lại để có quy mô đủ lớn, cùng làm và cùng chia sẻ.
Còn các cái lõi của nó, trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Hàn Quốc phải ‘ăn’ cái ngon nhất, lời nhất. Cho nên nếu nhà nước muốn phát triển CNHT thực sự là của mình thì phải tìm ra sản phẩm lõi.
- Cụ thể, theo ông Việt Nam nên đầu tư vào "sản phẩm lõi" như thế nào?
|
Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt với nhau, một nhóm doanh nghiệp liên kết để đủ lực cả vốn và con người thì mới kéo dần ngành CNHT lên.
Có thể, một số sản phẩm bước đầu mình chấp nhận thuê doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhưng sau đó các doanh nghiệp trong nước phải liên kết để làm ra được cái sản phẩm lõi của mình, phải có ngành CNHT của mình.
Hoặc cái này, để làm nhanh thì cần một nhân tố mới, con người mới, có thể cùng ngồi lại để xem có thương hiệu nào sẵn có tiềm năng và có thể phát triển được thì tập trung đầu tư.
Chẳng hạn trong nông nghiệp có cà phê, phải tìm hiểu xem tại sao doanh nghiệp nước ngoài đều đầu tư vào khâu chế biến hết, và họ xuất khẩu lớn hơn doanh nghiệp Việt Nam, trong khi chúng ta là người trồng được.
Vậy phải tập trung vào một thương hiệu, ví dụ như Trung Nguyên đã sẵn có thương hiệu như vậy rồi thì nhà nước hỗ trợ đi, tập trung cả trí tuệ, tiền bạc vào để xây dựng thương hiệu lên. Châu Âu thích uống khẩu vị như thế nào, phải tìm hiểu, đầu tư cho hợp lý… Thời gian đầu có thể chịu lỗ, nhưng sau đó sẽ khác.
Hoặc như cá tra chẳng hạn. Chúng ta nói nhiều hơn là làm thực tế. Chính sách không đi được vào cuộc sống, vì vậy bà con nông dân vẫn cứ loay hoay, nói là chính.
Ngay như ngành công nghiệp ô tô cũng không đầu tư đến nơi đến chốn, chính sách nhà nước không hỗ trợ cho họ. Anh coi xe tải hay xe khách đó là của Việt Nam thì hỗ trợ tối đa đi, cử người xuống giúp họ hẳn hoi, ăn lương nhà nước nhưng xuống giúp người ta. Sau đó, không cho nhập khẩu xe khách ngoại, không cho nhập khẩu xe đã qua sử dụng nữa…
Phải có chính sách hỗ trợ thiết thực. Đây là sự nghiệp công nghiệp của Việt Nam, cần phải có đầu tư chứ. Thời gian đầu có thể chất lượng còn chệch choạc nhưng sau đó sẽ tốt lên.
Chính sách phải như thế, hết sức rõ ràng. Còn nếu chúng ta cứ làm kiểu này thì cứ mãi thế thôi. Thực tế, có chuyện khi nhà nước cần mua xe chẳng hạn thì mấy ông Trung Quốc nhảy vào bán giá rẻ, mấy ông giám đốc ngồi có 1-2 năm phải mua vì lợi ích thôi.
TS. Phan Hữu Thắng: 'Đừng hy vọng các DN như Samsung cho mình vào chuỗi để làm những sản phẩm lõi' |
- Chính sách thu hút FDI cho thấy nhà nước đang ưu ái cho doanh nghiệp ngoại nhiều hơn. Liệu có phải do vậy mà doanh nghiệp trong nước khó phát triển?
Nếu nói về mặt chính sách ưu đãi FDI thì trước 2005 mới có. Nhưng từ khi hợp nhất thành Luật Đầu tư chung thì chính sách thực sự giống nhau hết.
Nhưng tại sao FDI vẫn cứ phát triển? Là bởi đa số các doanh nghiệp FDI đó đã có cái gốc, qua nhiều năm nó có tiềm lực tài chính, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý rất lâu đời rồi, nên họ biết phải đầu tư vào lĩnh vực gì có lợi. Ví dụ cà phê, họ biết ngay rằng kệ chúng ta trồng, họ đầu tư vào chế biến. Họ có kinh nghiệm thị trường và biết phải chế biến ra sản phẩm gì thu được lợi lớn nhất.
Quay lại CNHT của mình cũng thế, mình biết là như thế nhưng có làm đâu. Samsung đưa ra danh mục mời ông làm đây nhưng không làm được thì lợi thế lại quay về họ. Cho nên không phải do chính sách ưu đãi FDI mà do doanh nghiệp nội chưa đủ lực, chưa biết liên kết với nhau.
- Theo ông, việc tiếp nhận các dự án FDI theo kiểu ‘càng đông càng vui’, càng nhiều càng tốt như thời gian qua có phải là biện pháp tối ưu đối đối với Việt Nam trong giai đoạn tới?
|
Ngày xưa mình rất chặt chẽ với việc người lao động nước ngoài vào, tỷ lệ chỉ 1-2% trong số cán bộ quản lý thôi. Bây giờ cho một loạt. Cho nên nếu không bảo đảm được lao động thì không nên tiếp nhận. Hoặc phải chia từng giai đoạn ra.
Về ngành nghề lĩnh vực thu hút thì cơ bản vẫn phải theo tiến trình CNH. Để đạt được là nước CNH trước hết phải xác định với nhau, trong bao nhiêu sản phẩm đời sống hàng ngày của con người, từ xe ô tô, xe đạp, giày dép… thì bao nhiêu % trong số sản phẩm này là Việt Nam sản xuất, và nếu sản xuất được thì anh phải chiếm tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu % trong các sản phẩm đó.
Có nhiều phương án để công nhận được là nước công nghiệp. Như ô tô chỉ cần 30% đầu tư vào, hoặc may mặc thì phải 70-80%, anh phải đi ra ít nhất từ cái cúc, cuộn chỉ phải làm được, may phải làm được. Không phải tất cả loại vải làm được, nhưng cũng phải khoảng 60%, ví dụ như thế.
- Vấn đề con ốc vít, đầu tiên chúng ta nhảy dựng lên vì đến con ốc vít cũng không sản xuất được, nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng không cần phải đầu tư vào con ốc vít, mà phải chọn sản phẩm có lợi thế so sánh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Cái này phải quay lại đầu tư vào sản phẩm lõi. Đừng hy vọng các doanh nghiệp như Samsung cho mình vào chuỗi để làm những sản phẩm lõi.
Bài học về phát triển CNHT cho thấy, trước đây, khi Honda vào Việt Nam, cũng có mời các doanh nghiệp cơ khí đến, cũng giống y như Sam sung bây giờ mời các doanh nghiệp cơ khí đến để xem có thể làm được gì. Nhưng chẳng ai làm được gì. Ngay từ năm 2000-2001 đã là như thế rồi.
Rồi sau đó mình ép Honda là sau 5 năm phải nội địa hóa bao nhiêu % đó, để ép họ giúp doanh nghiệp mình đầu tư, thì họ cũng giúp được một số việc nho nhỏ thôi, cũng tăng được tỷ lệ nội địa hóa lên.
Nhưng như vậy thực ra là các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam lên chứ có phải doanh nghiệp Việt Nam làm đâu. Cái đó là từ lâu đã có rồi.
- Như vậy rõ ràng về thuế mình cũng không thu được, công nghệ cũng không được chuyển giao…, tại sao chúng ta vẫn rất hào hứng với FDI?
Đó là ta đang nói tới mặt trái, còn trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút FDI là tất yếu.
Thực tế, sau khi hệ thống các nước XHCN gặp khó khăn, Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế đất nước ta không có gì thì đến nay, nhờ FDI chúng ta đã thay đổi rất nhiều, cả về bộ mặt, đô thị… đều có những thay đổi lớn.
So với nhiều nước thì Việt Nam cũng tiến nhanh, ¼ thế kỉ trước, sang Thái Lan, Philippin, Inđônêxia thì ai cũng "mắt tròn mắt dẹt". Nhưng giờ cũng thấy mình không thua kém gì họ.
Chuyện mất mát là đương nhiên do trình độ, điều kiện, tầm nhìn, bản lĩnh lãnh đạo … Nếu chúng ta quản lý tốt hơn, chính sách tốt hơn thì đã hạn chế được tình trạng này.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lan (thực hiện)
Bình luận