Thu hồi đất không đạt kết quả do giá đất chưa hợp lý

Thời sựThứ Hai, 17/09/2012 03:40:00 +07:00

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội đề nghị định giá đất “cần quan tâm đến chữ thị trường, nếu không thì sẽ…tù mù”.

(VTC News) – Sáng ngày 17/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Quy định về giá đất chiếm phần lớn thời gian thảo luận tại UBTVQH.

Giá đất thế nào là hợp lý?

Theo đó, dự luật quy định: “Giá đất do Nhà nước quy định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: DC) 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nhiều ý kiến trong Thường trực Uỷ ban đề nghị quy định: “Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” vì việc xác định giá đất “sát với giá thị trường” như hiện nay là rất khó do thị trường luôn biến động, mặt khác ở nước ta còn có những vùng, những loại đất chưa có thị trường.

Nêu băn khoăn với quy định trong dự luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, hiện các cuộc thu hồi đất không đạt kết quả mong muốn, "điểm nút chính là giá đất thế nào cho hợp lý?".

Theo ông Hiển, Luật lần này đưa ra nguyên tắc phù hợp nhưng không biết thế nào là phù hợp – chúng ta đưa ra thế này không những không giải quyết được vấn đề hiện nay mà còn tranh cãi nhiều hơn, vì sẽ có người cho rằng “anh đưa ra giá không phù hợp, không hợp lý!"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phân tích những bất hợp lý trong quy định về giá đất tại dự luật: “Quy định giá đất theo giá thị trường, vậy định giá theo thị trường nào? Thị trường lúc định giá hay thị trường lúc thu hồi?

Thị trường tính trên quy hoạch sử dụng đất hay thị trường quy hoạch xây dựng dự án hay thị trường lúc đấu giá? Đã có thị trường đâu mà mình tính, nói thế mới là đại thể thôi, bởi chỉ quy hoạch sử dụng đất thì làm gì đã có giá thị trường!”

"Ví dụ khi quy hoạch sử dụng đất thì định giá 1tr/m2, nhưng khi có quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị thì thị trường mới hình thành, lúc đó giá định trên giấy nhà nước quy định với giá sau khi có quy hoạch đã khác nhau rồi.

 

Khi quy hoạch sử dụng đất thì định giá 1tr/m2, nhưng khi có quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị thì thị trường mới hình thành, lúc đó giá định trên giấy nhà nước quy định với giá sau khi có quy hoạch đã khác nhau rồi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 
Khi đền bù giải tỏa thì có giá thị trường mới rồi, vậy anh đền bù cho dân theo giá mới hay giá trên sổ, đây mới là vấn đề nảy sinh mâu thuẫn”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị định giá đất “cần quan tâm đến chữ thị trường, nếu không thì sẽ…tù mù”.

Về quy định thu hồi đất, Chủ tịch Quốc hội cũng không đồng tình, theo đó, quy hoạch sử dụng đất là căn cứ để thu hồi, nhưng “thu ngay mà đường chưa tính, chưa tính dự án làm đô thị, chưa giải quyết việc làm, chưa giải quyết chỗ ở…

Anh thu sớm quá thì anh có quỹ đất nhiều nhưng chỉ dùng được 30-40% trong khi dân không có đất mà sống, không có việc, nhà tái định cư không có để ở…"

“Vậy anh thu hồi theo quy hoạch nào? Nói thế là nói lơ mơ lắm, sau này sẽ tổ chức thực hiện như thế nào về Luật này. Luật giao 'ông tỉnh, ông huyện' đi thu hồi – quy định thế này có giải quyết được cuộc sống cho dân không, có giải quyết được khiếu kiện không?” Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Có nên bỏ quy hoạch đất cấp xã?

Một trong những nội dung của dự thảo Luật được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận xoay quanh quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện.

Qua thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, ý kiến chung của thường trực Uỷ ban Kinh tế tán thành với quy định trên và cho rằng sẽ khắc phục được tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ  trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng; góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 4 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện và xã), trong đó, quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch thiết kế chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý đất đai.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, tại sao chỉ có 3 cấp quy hoạch mà không có quy hoạch cấp xã, trong khi quy hoạch cấp xã, phường chính là cấp cơ sở để hoạch định chi tiết, “bỏ quy hoạch cấp xã thì có ảnh hưởng gì đến quy hoạch chung không?”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển làm rõ, không phải bỏ quy hoạch cấp xã mà là lồng ghép quy hoạch cấp xã vào quy hoạch cấp huyện, cấp phường ghép vào cấp quận.

“Thực tế 10 năm qua có những xã miền núi vùng sâu, xa quy hoạch không có vấn đề gì lớn, nên để quy hoạch cấp xã gây tốn kém” – Thứ trưởng Hiển lý giải thêm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển vẫn bày tỏ ủng hộ ý kiến của thiểu số và đề nghị ban soạn thảo nên có 4 cấp quy hoạch, trong đó có cấp xã.

“Ta có nên nhất nhất chỉ quy hoạch cấp huyện mà không có cấp xã? Nếu chỉ có quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện thì có thể xảy ra nhiều quy hoạch treo, vì tầm tỉnh và huyện là rộng. Mà quy hoạch treo là nguyên nhân cản trở sự phát triển và gây ra việc sử dụng đất không hợp lý, không hiệu quả thời gian qua” – ông Hiển cảnh báo.

Một nội dung khác trong dự luật cũng được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm, dự luật quy định cho phép tổ chức sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Việc thế chấp phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cụ thể.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các ngân hàng nước ngoài cần tính toán đến hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức vay không trả được nợ thì ngân hàng nước ngoài xử lý tài sản thế chấp như thế nào.

Ông Giàu nhấn mạnh: “Đề nghị chưa nên quy định vấn đề này trong dự án Luật đất đai (sửa đổi) mà giao cho Chính phủ quy định rõ tiêu chí và xác định cụ thể các trường hợp được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để báo cáo UBTVQH quyết định”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu thực tế nhiều nước cho phép thế chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai, nhưng nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, cùng với đó cũng là thể hiện chủ quyền quốc gia nên quyền thế chấp xần xem xét cho phép đến mức độ nào.

Dự án Luật đất đai sửa đổi sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh thêm và trình kỳ họp thứ 4 sắp tới để xin ý kiến Quốc hội lần đầu.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn