Từ ‘xé rào’ dẫn đến ‘rào’ lối xuống biển
Dọc tuyến ven biển đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa (Đà Nẵng) có 37 dự án được giao đất và thuê đất để thực hiện các dự án khách sạn resort cao cấp.
Hầu hết các dự án đều được triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng từ năm 2002 đến trước năm 2015. Việc kêu gọi đầu tư các dự án này nằm trong chiến lược phát triển tổng thể của TP Đà Nẵng.
Thực tế, 19/37 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế - xã hội, thu hút lượng lao động đáng kể, tạo "cú hích" quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế thành phố nói chung, lĩnh vực dịch vụ du lịch nói riêng.
Tuy nhiên, nhiều dự án chậm triển khai kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của thành phố.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án ven biển mặc dù được cấp đất từ lâu nhưng chậm triển khai, gây bức xúc dư luận bắt nguồn từ việc áp dụng chủ trương "vận dụng" linh hoạt quy định pháp luật nhằm thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng chưa hợp lý.
Báo cáo của Đoàn giám sát "Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai các dự án ven biển trên địa bàn TP Đà Nẵng" chỉ ra, một số điểm vận dụng chính sách pháp luật của Đà Nẵng giai đoạn này là giao đất không thông qua hình thức đấu giá mà giao trực tiếp cho các tổ chức kinh tế; xác định thời hạn thuê đất vượt ngoài khung quy định của luật đất đai.
Bên cạnh đó, một số dự án được thành phố giao đất quản lý, cho thuê, giao đất sử dụng lâu dài theo kiểu đan xen nhau, khiến cho công tác quản lý và khai thác đất đai về lâu dài gặp nhiều khó khăn.
Từ chính sách thu hút đầu tư này dẫn đến hệ quả là đến nay nhiều trường hợp vẫn chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư nhưng vẫn tiến hành giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Vội vàng thu hút đầu tư, chưa sàng lọc kỹ năng lực nhà đầu tư và trong nhiều trường hợp "rút gọn" về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không tuân thủ quy hoạch. Nhiều dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ so với dự án đầu tư đã được xét duyệt.
Tình trạng một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu, nhưng vẫn được giao đất thực hiện dự án có quy mô lớn nên dẫn đến tình trạng đầu cơ "chiếm chỗ" rồi chuyển nhượng lại dự án để hưởng lợi chênh lệch.
Ngoài ra, trong việc thu hút đầu tư, tính dự báo và định hướng trong quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển không gian tại khu vực ven biển chưa theo kịp với thực tiễn dẫn đến nhiều hệ lụy.
Nỗ lực sửa sai
Điều thấy rõ nhất là nhiều dự án đã bịt hết lối xuống biển của dân, gây ô nhiễm môi trường... khiến chính quyền thành phố đang phải khẩn trương tìm nhiều giải pháp để giải quyết.
Trao đổi với PV VTC News chiều 10/10, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng (viết tắt BQL) cho biết: “Việc xây dựng công trình lối xuống biển là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, triển khai “yêu cầu cấp thiết” đó, Đà Nẵng đã quyết định thu hồi hàng nghìn m2 đất của các dự án để mở 5 lối xuống biển cho người dân và du khách. Hiện BQL đang khẩn trương triển khai để hoàn thành các lối xuống biển theo chỉ đạo của thành phố là trước 30/12.
“Quan điểm của thành phố là phải hoàn trước 30/12, tuy nhiên chúng tôi quyết tâm thực hiện hoàn thành càng sớm càng tốt. Việc mở lối xuống biển không chỉ để người dân, du khách được thụ hưởng những gì vốn dĩ phải được hưởng mà còn cho thấy chính quyết rất quyết tâm trong việc khắc phục những sai sót thời gian qua”, đại diện BQL nói.
Kinh phí thực hiện các dự án mở lối xuống biển này, theo lãnh đạo BQL, sẽ được chi từ ngân sách thành phố, ước tính khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. Việc thu hồi đất các dự án này, chính quyền thành phố làm đúng quy định pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và thành phố.
Cùng với việc mở lối xuống biển, chính quyền Đà Nẵng cũng đang nỗ lực giải bài toàn về môi trường biển, nhất là tuyến dọc đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, có đến 10 lần nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối chảy từ hệ thống cửa xả ra biển khiến dư luận Đà Nẵng bất bình.
Trước tình hình đó, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên-Môi trường, Công ty thoát nước và xử lý nước thải cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý, có giải pháp khắc phục ô nhiễm các cửa xả thải.
Trong đó lưu ý rà soát, bổ sung hệ thống lược rác tự động, van lật tại một số cửa xả (Furama, Mỹ An, Mỹ Khê, An Đồn...). Có biện pháp khắc phục tình trạng quá tải các trạm bơm nước thải, cần thiết thì bổ sung, thay thế các máy bơm không hiệu quả.
Đồng thời, khắc phục tình trạng xuống cấp tuyến ống GID HDPE D200 chạy dưới vỉa hè phía đông đường Hoàng Sa và tăng cường công tác vệ sinh, nạo vét các cấu trúc tách dòng và các tuyến cống ven biển phía đông.
Có lối xuống biển và biển sạch là nguyện vọng chính đáng của người dân Đà Nẵng.
Bình luận