- Nhiều ý kiến cho rằng, đường đi của phòng chống tham nhũng như một biểu đồ hình sin, lúc thăng lúc trầm, nhưng thời gian gần đây đã trở thành một phong trào, một xu thế của cả xã hội như Tổng Bí thư nói, thưa ông?
Việc xử lý quyết liệt, đồng bộ như thời gian qua góp phần củng cố, xây dựng lòng tin trong dân dân đối với công cuộc phòng chống tham nhũng. Những kết quả cũng thể hiện rất rõ, khi nhiều đại án tham nhũng cũng đã được phanh phui, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm khắc.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn đó những bất cập, hạn chế, điển hình như với 12 đại án, dù đã có chỉ đạo từ lâu nhưng vẫn chưa thực sự được phanh phui, làm triệt để. Chúng ta mới chỉ xử lý một số vụ thôi, còn nhiều vụ đang ở trong bóng tối, chưa đưa ra được ánh sáng.
- Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài xử lý về mặt chức vụ, cần phải hết sức lưu tâm đến việc thu hồi tài sản bất minh do tham nhũng mà có?
Đúng vậy. Người tham nhũng bị xử lý đã đành, nhưng không phải chỉ đưa ra một số hình thức xử lý kỷ luật, mà quan trọng hơn là phải thu hồi lại được tài sản bất minh do tham nhũng mà có. Đơn cử chỉ riêng vụ Trịnh Xuân Thanh khi làm ở Tổng Công ty PVC đã làm thất thoát tài sản nhà nước hơn 3.200 tỷ đồng.
Chỉ với một doanh nghiệp thôi mà đã làm thất thoát số tài sản lớn như thế, rồi còn biết bao nhiêu tập đoàn khác nữa thì sao? Chúng ta chưa cắt được cái vòi bạch tuộc của những tập đoàn cứ thỏa sức vươn ra để chiếm đoạt tiền, tài sản của nhà nước và nhân dân. Ngoài xử lý về mặt chức vụ, cần đặc biệt lưu tâm, thu hồi triệt để số tài sản bất minh do tham nhũng mà có.
- Điều này ai cũng muốn nhưng thực hiện không phải dễ, vì tham nhũng thường rất tinh vi và luôn biết cách để biến hóa tài sản bất minh thành hợp pháp?
Điều này liên quan mật thiết đến việc kê khai tài sản. Có kê khai nhưng lại để trong ngăn kéo tủ mà không hề có sự liên thông. Kê khai tài sản nhưng phải làm sao để họ không chuyển dịch ra nước ngoài, không chuyển dịch tài sản do tham nhũng mà có cho con cháu, cho người thân trong gia đình.
Điều bất cập mà chúng ta đã thấy ở các địa phương trong thời gian qua là, con cái của các vị quan chức dù còn rất nhỏ nhưng đã đứng tên nhiều miếng đất, nhiều biệt thự. Khối tài sản kếch xù như vậy, đâu phải cái kim sợi chỉ, người dân đều biết, chúng ta đều biết và nếu làm quyết liệt sẽ đưa ra được ánh sáng. Muốn vậy, kê khai tài sản phải công khai minh bạch và phải có cơ chế phòng ngừa chuyển dịch tài sản.
Công tác quản lý cán bộ phải chặt chẽ hơn, nhất là những đối tượng đã có dấu hiệu tham nhũng, có quyết định hay chuẩn bị khởi tố. Vừa qua đã có tình trạng, khi vừa khởi tố hoặc chưa kịp khởi tố thì một số đối tượng liên quan đã trốn ra nước ngoài, như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, rồi cả Dương Chí Dũng trước đây. Điều đó cho thấy sự quản lý còn lỏng lẻo.
Khi lò đã rực lửa...
- Vừa qua, Tổng Bí thư đã đưa ra thông điệp: Lò nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy, cho thấy sự quyết liệt và phòng chống tham nhũng đã thực sự trở thành phong trào, thưa ông?
Thông điệp của Tổng Bí thư có thể hiểu đó là lò lửa phòng chống tham nhũng, nhưng cũng chính là lò lửa của pháp lý và đạo lý. Khi đã cháy rồi, trở thành trào lưu rồi thì hiệu quả phòng chống tham nhũng rất tốt. Còn củi khô là đã đủ điều kiện, sẽ phải cháy thành than.
Nhưng trào lưu đã lớn lên như thế thì củi vừa vừa là các đối tượng nhen nhóm, có vi phạm tham nhũng vẫn bị phát giác, vẫn bị đưa vào lò lửa phòng chống tham nhũng. Củi tươi cũng vậy, có thể chưa khô hẳn, cũng phải vào cuộc, xem có đúng tham nhũng không và nếu đúng thì cũng phải cháy.
Lò lửa này cần phải nóng rực lên, bởi nếu không, phòng chống tham nhũng sẽ dẫn đến tình trạng “Quốc nạn hạ đo ván quốc sách” mà tôi từng cảnh báo. Khi lò đã rực lửa lên rồi sẽ cuốn theo hết tất cả tham nhũng đã phát hiện và có thể chưa bị phát hiện, có dấu hiệu thôi cũng phải lôi ra ánh sáng. Tinh thần ở đây là nói lên sự quyết liệt vào cuộc của phòng chống tham nhũng và như thế thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.
Video: 'Mong Thủ tướng mới tuyên thệ quyết tâm chống tham nhũng'
- Mặc dù cơ sở pháp lý nhiều, nhưng những vụ nổi cộm vừa qua lại chủ yếu diễn ra từ rất lâu rồi mới bị phát hiện. Vậy làm sao để ngăn chặn ngay tức thì, làm sao để những người có chức quyền thấy đó mà sợ và không dám tham nhũng?
Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan tổ chức cấp trên. Thế nhưng người có quyền thường lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền. Đó là chưa kể một số cá nhân trong cơ quan bảo vệ pháp luật, có trọng trách, vai trò về phòng chống tham nhũng lại có dấu hiệu tiếp tay cho tham nhũng. Cũng giống như lãnh đạo một số địa phương lại “đi đêm” với các tập đoàn, doanh nghiệp để điều chỉnh vốn vay, đất đai, nắn lại quy hoạch...
Suy cho cùng, để ngăn chặn hệ quả xảy ra, trước khi bổ nhiệm cần phải xem xét kỹ tư cách và năng lực của họ. Trịnh Xuân Thanh đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, nhưng vì sao lại được thăng tiến, bổ nhiệm vào các chức vụ như vậy?
Rõ ràng người đề bạt, bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm. Phải xử lý nghiêm không chỉ với chính người gây ra những vụ việc đó mà còn phải xử nghiêm cả cấp trên của họ một cách nhanh chóng, kịp thời, không để dây dưa kéo dài.
- Cảm ơn ông!
Bình luận