• Zalo

Thu hay không thu 6.100 tỷ đồng từ TPBank, Sacombank, BIDV?

Kinh tếThứ Sáu, 26/01/2018 14:12:00 +07:00Google News

Ngân hàng Xây Dựng đã yêu cầu thu hồi hơn 6.100 tỷ đồng từ TPBank, Sacombank, BIDV.

Video: Phạm Công Danh bị đề nghị 20 năm tù

Yêu cầu này do 3 ngân hàng trên cho các công ty của Phạm Công Danh vay và thu nợ gốc, lãi từ hơn 6.100 tỷ đồng tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng tại 3 ngân hàng. Đây là vấn đề tranh luận căng thẳng nhất tại phiên tòa.

Giao dịch hợp pháp hay không hợp pháp?

Cả 3 ngân hàng và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mới đây đều cho rằng việc 3 ngân hàng thu nợ là ngay tình, hợp pháp vì Ngân hàng Xây Dựng đã ký hợp đồng cầm cố tiền gửi để bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh. Do đó, không có căn cứ để thu hồi số tiền này.

Viện Kiểm sát thì cho rằng việc thu nợ xuất phát từ những giao dịch vi phạm pháp luật nên cần thu hồi số tiền này. Vậy việc cầm cố tiền gửi và thu nợ giữa các bên có hợp pháp không?

pham cong danh

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh 

Để tránh các gian lận trong nghiệp vụ bảo lãnh, pháp luật về bảo lãnh ngân hàng tại thời điểm xảy ra vụ án quy định hợp đồng bảo lãnh phải có chữ ký của đại diện ngân hàng, người quản lý rủi ro, người thẩm định khoản bảo lãnh.

Hợp đồng cầm cố tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn không có chữ ký của người quản lý rủi ro, người thẩm định khoản bảo lãnh của Ngân hàng Xây Dựng. Theo kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước các hợp đồng này không phù hợp quy định của pháp luật.

Cả 3 ngân hàng đều cho các công ty của Phạm Công Danh vay với thời hạn 6 đến 12 tháng, cầm cố bằng tiền gửi. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng gửi tiền, nhận tiền gửi của nhau với thời hạn trên 3 tháng. Cả 3 ngân hàng và Ngân hàng Xây Dựng đều ký các hợp đồng gửi tiền từ 3 tháng trở xuống, nhưng thực tế lại thỏa thuận duy trì với thời hạn trên 3 tháng. Phạm Công Danh, Phan Thành Mai xin ý kiến Tổ giám sát gửi tiền sang 3 ngân hàng nhằm đảm bảo thanh khoản, nhưng thực tế dùng để bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh.

Trong kết luận giám định, Ngân hàng Nhà nước cho rằng Ngân hàng Xây Dựng được phép gửi tiền, 3 ngân hàng được phép nhận tiền nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa xem xét dấu hiệu vi phạm khi các ngân hàng này đã duy trì hợp đồng tiền gửi trên 3 tháng để bảo đảm cho các khoản vay.

Để đánh giá việc thu nợ của 3 ngân hàng có ngay tình, hợp pháp không, thì phải đánh giá các hợp đồng cầm cố tiền gửi, các giao dịch gửi tiền giữa các ngân hàng có hợp pháp không, có vô hiệu không. Nếu 3 ngân hàng thực hiện đúng quy định về ký kết hợp đồng bảo lãnh, thì Phạm Công Danh không thể phạm tội.

Vi phạm trong thẩm định hồ sơ vay

Ngân hàng Nhà nước kết luận cả 3 ngân hàng đều không tuân thủ quy định pháp luật khi cho vay với các công ty của Phạm Công Danh. Các khoản vay đều không có phương án vay vốn, nguồn trả nợ khả thi, hầu hết các công ty vay là công ty “ma”, có những công ty là do Phạm Công Danh mượn pháp nhân. Cả 3 ngân hàng đều không xác minh lý do Ngân hàng Xây Dựng bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh vay tiền. Nhiều cá nhân bị truy tố ở 3 ngân hàng cho rằng họ không có nghĩa vụ phải biết về lý do này, thấy khoản vay có tài sản đảm bảo tốt là cho vay.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, khi thẩm định các khoản vay, đặc biệt là các khoản vay hàng trăm tỷ, gấp nhiều lần vốn của doanh nghiệp, thì ngân hàng phải thẩm định kỹ tình hình tài chính, các quan hệ tín dụng, các nghĩa vụ tiềm ẩn của khách hàng. Ngân hàng Xây Dựng bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh thì đây chính là quan hệ tín dụng cấp bảo lãnh.

Theo quy định pháp luật, để được bảo lãnh, các công ty của Phạm Công danh cũng phải có phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo… gửi cho Ngân hàng Xây Dựng để xem xét. Với mỗi khoản bảo lãnh hàng trăm tỷ đồng thì các ngân hàng cho vay không thể không đánh giá, tìm hiểu lý do, xác minh về việc bảo lãnh này khi cho vay. Thực tế không có hồ sơ bảo lãnh cho các công ty này tại Ngân hàng Xây Dựng. Phạm Công Danh, Phan Thành Mai đã tạo dựng ra các biên bản họp Hội đồng quản trị và tự ý ký các hợp đồng bảo lãnh.

Toàn bộ tiền rút từ 3 ngân hàng đều do Phạm Công Danh chi dùng. Theo nhiều luật sư, hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại 3 ngân hàng. Việc sử dụng trái phép tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng để cầm cố là một trong những thủ đoạn gian dối của Phạm Công Danh. Khi Hợp đồng cầm cố tiền gửi để bảo lãnh không phù hợp pháp luật thì không thể có hiệu lực và không thể phát sinh quyền thu nợ hợp pháp của 3 ngân hàng.

(Nguồn: Báo Đất Việt)
Bình luận
vtcnews.vn