Ai từng ở nước Nga (và cả ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ) hẳn không thể quên những ngày nửa cuối tháng Chín, đầu tháng Mười. Đã chớm vào thu. Bên ngoài cửa sổ là mờ mịt khí ẩm, là sương mù, là gió và mưa… Những chiếc lá trên cây lác đác màu đỏ, màu vàng chen lẫn với màu xanh run rẩy trong những cơn mưa lạnh buốt. Lòng người chợt chùng xuống và một nỗi buồn không tên lan toả, xâm chiếm tâm hồn: Đã hết những ngày rực rỡ, tràn đầy nắng đẹp và đã sắp đến mùa đông, mùa cuối cùng của năm, đầy buốt giá…
Thế nhưng, trong khung cảnh não nề vô vọng đó chợt bừng lên một khoảng thời gian ngập tràn ánh nắng, tuôn chảy bao la tự trên trời cao rơi xuống. Nắng không ngùn ngụt, rừng rực, chói chang và mãnh liệt như nắng mùa hè. Nó đủ ấm, đầy hương vị, lung linh, đầy gợi cảm khiến con người tiếc nhớ mùa hè đã qua; cảm nhận sự mong manh của cái đẹp ngất ngây ngắn ngủi mà trời đất ban tặng, để tan vào mênh mông của sự huyền diệu và đầy trắc ẩn của đời người.
Những ngày ngắn ngủi đó, người Nga gọi là Бабье Лето.
Một nhà thơ nhạy cảm và đầy ám ảnh như Olga Berggoltz không thể bỏ qua quãng thời gian tuyệt vời đó trong thơ mình. Bà viết bài thơ này lúc tròn 50 tuổi, đã trải qua bao cay đắng, trầm luân của cuộc đời. Tuy nhiên, khác với các nhà thơ khác, nữ thi sĩ không chỉ vẽ lại sắc màu, mùi vị và hồn thái của Бабье Лето mà qua đó, bà thể hiện cả quãng đời đặc biệt của người đàn bà với cụm từ chỉ nghe thôi đã thấy rạo rực: Tuổi hồi xuân.
Đó là lúc tưởng như người phụ nữ đã giã từ môi hồng, mắt biếc long lanh để se lòng với vết chân chim trên khoé mắt và ánh tóc ngả màu trên thái dương. Đó là lúc tưởng như người đàn bà đã không dám chân trần ra phố hãnh diện như vừa mới đây. Đó là lúc tưởng như chị đã âm thầm chuẩn bị hành trang ẩn náu cho mình trong ngày sắp tới. Nhưng đột nhiên Бабье Лето xuất hiện. Chị hồi xuân. Mắt chị lại long lanh, má chị lại bừng đỏ… Ngọn lửa tưởng chừng đã lắt lẻo hiu hắt trong chị lại ấm áp an toả.
Người đàn bà như “Бабье Лето”. Chị đã đi qua mọi miền khao khát và mãnh liệt của tuổi trẻ - mùa hè, nếm trải hạnh phúc, đắng cay, yêu thương, hờn giận… Như thiên nhiên đã tụ lại trong đất trời trong cây trái sau mùa hè, ở chị có quả chín đượm vị ngon thơm, cánh hoa rực màu và đậm mùi hương. Ở chị có cái độ lắng của chiều sâu thăm thẳm khiến cánh đàn ông ngợp chiìm trong đó, nhưng không hốt hoảng mà trái lại chỉ muốn khám phá đến tận cùng.
Và trong sâu thẳm trải nghiệm cuộc đời, người đàn bà cũng biết cái hữu hạn của Бабье Лето - tuổi hồi xuân. Chị hiểu mình như ngọn lửa sẽ không còn cháy lâu được nữa, như bông hoa cuối mùa “sặc sỡ đến lo âu”. Cái bâng khuâng pha chút luyến tiếc, lo âu là có thật, đến mức có khi người đàn bà hoảng hốt kêu lên với đất trời về những gì đã mất và những gì sẽ mất. Nhưng rồi, như một người thấm hiểu, sau giây phút “bùng lên đầy thảng thốt” đó, chị bình thản chấp nhận “quy luật muôn đời”.
Chắc chắn nhà thơ Bằng Việt đã được tắm mình trong Бабье Лето và đặc biệt đã hoá thân vào “người đàn bà hồi xuân” trong bài thơ của Olga Berggoltz thì mới có thể chuyển dịch bài thơ tuyệt vời như thế. Từ tên gọi đầy xuất thần của bài thơ "Mùa hè rớt" đến giọng điệu tự sự, nhẹ nhàng mà sâu lắng, pha chút ngậm ngùi luyến tiếc, bản dịch của ông vượt quá sức mong đợi và có thể nói là đầy sáng tạo. Olga Berggoltz có thể nói là đã “hồi xuân” trong bản dịch của ông. Chẳng thế mà bao nhiêu thế hệ đã chép tay bản dịch bài thơ, đến mức khó có thể biết đâu là bản dịch gốc.
Có ai đó từng nói không cần thơ, thơ là nhảm nhí. Không. Có tâm hồn là có thơ. Vấn đề là phải thơ thật sự. Бабье Лето của Olga Berggoltz và bản dịch Mùa hè rớt của dịch giả Bằng Việt là loại thơ như thế.
Mùa hè rớt
(Thơ Olga Berggoltz, Bằng Việt dịch)
Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ
Sắc nắng êm ru, màu trời không chói
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân.
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất...
Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu.
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả thấm trên cánh đồng lặng sẫm
Hạnh phúc ít hơn mắt nhìn say đắm
Ghen tuông dù chua chát... cũng thưa hơn.
Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương
Ta tiếp nhận vì người sâu sắc quá
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ
Tình yêu đâu? Rừng lặng... bóng sao im
Sao ơi sao, sao sắp rụng vào đêm
Ta biết lắm thời gian đang tiễn biệt
Nhưng mãi đến bây giờ ta mới biết
Yêu thương, giận hờn, tha thứ, chia ly...
Nguyên bản tiếng Nga:
Бабье лето
Есть время природы особого света
Hеяркого солнца, нежнейшего зноя.
Оно называется
бабье лето
и в прелести спорит с самою весною.
Уже на лицо осторожно садитсялетучая
легкая паутина...
Как звонко поют запоздалые птицы!
Как пышно и грозно пылают куртины!
Давно отгремели могучие ливни
Bсе отдано тихой и темною нивой...
Все чаще от взгляда бываю счастливой
Bсе реже и горше бываю ревнивой.
О мудрость щедрейшего бабьего лета
C отрадой тебя принимаю... И все же
любовь моя, где ты, аукнемся, где ты?
А рощи безмолвны, а звезды все строже...
Вот видишь—проходит пора звездопада
и, кажется, время навек разлучаться......
А я лишь теперь понимаю, как надо
любить, и жалеть, и прощать, и прощаться.
Dịch nghĩa:
Mùa thu rớt
Có quãng thời gian thiên nhiên ánh sáng đặc biệt
Mặt trời không chói sáng, hơi nóng nhẹ nhàng
Quãng thời gian đó gọi là thời gian hè sau vào thu
Và thật tuyệt vời so với chính mùa xuân.
Đã có lúc khẽ khàng vương lên khuôn mặt
Màng nhện mỏng manh giăng bay phơ phất...
Đàn chim di trú muộn hót vang thế!
Những luống hoa nở tung và đáng sợ!
Những trận mưa rào đã ngừng từ lâu
Cánh đồng màu tối và thầm lặng đã cho đi tất cả...
Ta hạnh phúc nhiều hơn bởi cái nhìn
Và hờn ghen ít hơn và đắng cay hơn.
Ôi, sự sáng láng của thời gian hè sau vào thu hào phóng nhất
Ta hân hoan tiếp nhận ngươi...
Nhưng dù sao, tình yêu của ta ơi, đâu rồi, chúng ta sẽ cùng gọi, mi ở đâu?
Mà những cánh rừng lặng thinh, còn những vì sao nghiêm nghị hơn...
Ngươi thấy đấy - đã đến lúc mưa sao qua đi
Và, dường như thời gian vĩnh viễn chia cắt...
Còn chỉ giờ đây ta mới hiểu, cần làm thế nào
Để yêu thương, và xót đau, và tha thứ, và vĩnh biệt.
Bình luận