(VTC News) - Những ngày này, khi cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt, thì có lẽ xót lòng nhất là những người con xa không thể cùng về sẻ chia mất mát với quê hương. Cùng trong nỗi niềm đau đáu ấy, Phan Quang Anh, một độc giả thân thiết hiện đang là lưu học sinh tại Nhật, đã gửi đến BBT những dòng tâm sự đầy xót xa day dứt, với mong ước chia sẻ chút gì với gia đình các nạn nhân trong nỗi đau mất mát.
Quê hương tôi – cái vùng đất miền Trung đầy nắng và gió, vùng đất luôn phải đối mặt với những gì là khắc nghiệt nhất của thiên nhiên. Là những cơn gió phơn với cái nắng cháy da cháy thịt, là những dòng nước lũ vô tình với một sức mạnh đáng sợ, sẵn sàng cuốn đi mọi thứ, là những cơn bão với sức gió đến kinh người đi kèm với những trận mưa xối xả. Ở cái vùng đất này, trẻ con lúc biết đi, biết nói đã phải biết thế nào là mưa, là gió, là lũ lụt, là bão bùng; ngoài cái chữ, chúng còn phải học cái cách tự mình chống lại những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Sinh ra ở cái vùng đất kham khổ này, may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác khi được sống ở cái thành phồ vào loại hiện đại nhất miền Trung, nhưng cũng không ngoại lệ, tôi cũng sớm làm quen với những điều đó. Đó là những lần cùng gia đình về thăm quê nội, được cảm nhận thế nào là những cơn “gió Lào” với cái nắng nóng khô hanh đến mức cây cỏ cũng không thể vươn lên. Là lần cùng gia đình chạy lụt năm 1999 hay chống chọi với cơn bão Xangsane điên cuồng (2006) cũng như hàng chục cơn bão lớn nhỏ khác nhau trong suốt 2 thập kỉ qua. Hằng năm, cứ mỗi lần đến mùa bão lũ này, cảnh tượng màn trời chiếu đất, những câu chuyện tang thương, đau buồn, tất cả dường như đã thành một điều gì đó gắn liền với cái vùng đất “khúc ruột” của đất nước này.
Năm nay, tôi không còn được cùng cha mẹ chống chọi lại những cơn bão, không còn được trực tiếp cảm nhận cái khắt nghiệt của vùng đất quê hương. Chỉ còn qua những bài viết, những phóng sự trên internet, nhưng dường như trong tôi cái cảm nhận về sự khắc nghiệt của thiên nhiên còn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Mùa thiên tai chỉ mới bắt đầu, nhưng những thông tin từ báo chí đã khiến tôi không thể không bùi ngùi, xúc động. Cảnh tượng lũ lụt kinh hoàng hay những thông tin về những cơn bão đang đi vào hướng miền Trung khiến tôi không thể bỏ qua. Nhìn những ngôi nhà ngập chìm trong lũ, những đứa trẻ bơ vơ mất cha mất mẹ, hay đỉnh điểm là cảnh tượng chiếc xe khách bị dòng nước lũ cuốn đi, trong tôi bỗng trào dâng những cảm xúc khó tả.
Đọc những dòng tâm sự của một người mẹ đã không còn bao giờ được gặp lại đứa con trai vừa tròn 20 của mình mà dường như không thể kìm được nước mắt. May mắn thoát khỏi cái chết nhưng cuộc sống của chị có còn những niềm vui, những tiếng cười hay chỉ là những cơn ác mộng, những nỗi buồn khôn xiết? Có người mẹ nào muốn mất đi đứa con mà mình mang nặng đẻ đau, khó nhọc nuôi dưỡng 20 năm trời? Đứa con là kết tinh của những yêu thương, những gì quý giá nhất của người mẹ, mất con rồi cuộc sống của mẹ có còn ý nghĩa gì nữa hay không?
Nhìn cảnh tượng người thân, gia đình đang từng giờ từng phút ngóng trông tin tức của những người con, người cháu, những đứa trẻ ngóng chờ cha, những người chồng mong tin vợ, những người chị chờ tin em, tất cả như xát muối vào lòng những người đang chứng kiến. Dòng sông Lam hiền hòa thơ mộng mà ngày nào tôi đã từng ngắm nhìn, lúc này sao dữ dằn và đáng sợ đến thế…
Từng giờ từng phút, tôi chỉ mong sao có những điều kì diệu xuất hiện, để những người vợ không phải mất chồng, những đứa trẻ còn được nghe những lời chỉ bảo của người cha, những gia đình còn vang lên tiếng nói cười thơ trẻ, nhưng thời gian cũng đang muốn lấy nốt những kì vọng đó. Chỉ biết thầm trách ông trời – đã quá khắc nghiệt với những người dân miền Trung chúng tôi như vậy. Cơn lũ này đi, cơn bão khác lại tới, năm này qua, năm khác đến, cảnh tượng tan thương này có khi nào mất đi, nỗi buồn này có khi nào tan biến?
Hỡi thiên nhiên – xin đừng quá tàn nhẫn như thế!
Bình luận