• Zalo

Thủ đoạn hợp thức hóa tiền 'bẩn' của Phan Sào Nam, Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương

Pháp luậtThứ Bảy, 17/03/2018 16:30:00 +07:00Google News

Trong khi Phan Sào Nam giấu nhiều tỷ đồng tiền mặt trong thùng gỗ ở gara ô tô thì ông Nguyễn Thanh Hóa sở hữu những căn biệt thự có giá trị.

Video: Phải điều 4 ô tô mới chở hết số tiền, vàng, USD tang vật của vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng

Liên quan đến đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa - Nguyên Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an). 

Cùng với cựu Cục trưởng C50, hai đối tượng Phan Sào Nam (sinh năm 1979, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc VTC online), Nguyễn Văn Dương (sinh 1975, Chủ tịch HĐTV CNC) bị cơ quan điều tra xác minh với vài trò chủ mưu của vụ án.

Kết quả điều tra cũng xác định số tiền đánh bạc trá hình dưới dạng trò chơi Rikvip được lưu thông qua 2 đường chính là hệ thống đại lý và cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp). Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng).

Cơ quan công an ước tính doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông), doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng hơn 250 tỷ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỷ đồng).

Nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỷ đồng, nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng. 2.645 tỷ đồng được dùng để trả thưởng cho con bạc.

Sau khi chiếm hưởng, những thành phần tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài.

duong-day-danh-bac 3

 Ba đối tượng có vai trò quan trọng trong đường dây đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng.  

Phan Sào Nam giấu nhiều tỷ đồng trong hai thùng gỗ lớn

Phan Sào Nam, người đóng vai trò chủ mưu trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ có những tình tiết nói lên số lượng tiền “khủng” thu được khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Trong một lần khám xét ở một địa chỉ tại Quảng Ninh, nghi phạm Phan Sào Nam để nhiều tỷ đồng trong hai thùng gỗ lớn trong ga ra ôtô. Hai thùng gỗ chứa tiền bọc trong băng dính đen chỉ được che đậy sơ sài, chèn vài thanh sắt và lốp xe hỏng lên trên.

Khi khám xét bắt giữ, chiếc ôtô 7 chỗ của cơ quan tố tụng đã không thể chở hết mà phải thuê xe tải để di chuyển tang vật.

Số tiền này được Phan Sào Nam khai là có được từ cờ bạc game online mà có, “để tạm” ở đó và sẽ dùng vào đầu tư một công trình xây dựng tại Quảng Ninh.

Một lần khác tại TP.HCM, Cơ quan điều tra cũng đã phải mất nhiều công sức trong đêm để vận chuyển số vàng và đô-la (còn nguyên seri) thu lời bất chính từ cờ bạc trị giá lên hàng trăm tỷ đồng mà Phan Sào Nam có ý định chuyển hóa vào bất động sản.

Nhân lực CQĐT đã phải đếm số vàng và đô la này từ 10h đêm đến 4h30 sáng mới hết. Và khi CQĐT đưa “hàng” lên máy bay vận chuyển ra Hà Nội, đã phải có sự can thiệp của PA92 Công an TP.HCM để giảm bỏ thủ tục đưa hàng đặc biệt qua đường hàng không.

Ra đến Nội Bài, lực lượng điều tra đã phải dùng đến 4 ôtô chuyển hàng đến nơi quản lý tang vật.

Sau khi chiếm hưởng, những thành phần tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore)…

Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi theo quy định của pháp luật.

Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá hơn 1.200 tỷ đồng (gồm hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỷ đồng) và 12 xe ô tô (chưa định giá).

Nguyễn Thanh Hóa sở hữu nhiều biệt thự giá trị

Nguồn tin của PV cho biết, bằng các hình thức, trong đó có việc chuyển khoản “lòng vòng” dưới dạng hợp đồng kinh tế và cuối cùng được rút ra bằng tiền mặt, đối tượng Nguyễn Văn Dương đã chuyển đến ông Hóa hơn 17 tỷ đồng.

Trong số này, có 12 tỷ đồng thể hiện là tiền ông Nguyễn Thanh Hóa “vay” Dương trong khoảng thời gian năm 2016-2017, và chưa thấy có chứng cứ ông Hóa trả lại.

Khoản vay này phù hợp với lời khai của Nguyễn Văn Dương trong quá trình điều tra. Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Hóa còn bị nghi vấn nhận 700 triệu đồng của một số người dưới dạng quà biếu, cảm ơn, lễ tết, đi nghỉ mát…

DIỄN BIẾN VỤ VIỆC

Ngoài tiền, ông Nguyễn Thanh Hóa còn sở nhiều nhiều bất động sản. Hầu hết những ngôi nhà, biệt thự của ông Nguyễn Thanh Hóa đều nằm ở vị trí đẹp và có giá trị.

Theo tìm hiểu của PV, chung Cư HH2 Bắc Hà là tòa nhà hỗn hợp nằm tại ô đất có ký hiệu HH2, thuộc khu đô thị Phùng Khoang, phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đằng sau khu nhà cao tầng là khu biệt thự liền kề C37. Căn biệt thự của gia đình ông Nguyễn Thanh Hóa nằm trong khu này. Theo quan sát, căn biệt thự nhà ông Hóa đang trong quá trình hoàn thiện, đã được trát tường và lắp các cửa sổ.

Điều đáng nói, căn biệt thự BT1 khu dự án C37 của gia đình ông Hóa có chiều cao nổi bật hơn so với các căn biệt thự khác.

Cũng liên quan đến ngôi nhà này, vào cuối năm 2017, UBND phường Trung Văn đã lập đoàn công tác kiểm tra hiện trạng công trình và kết luận công trình này đã mắc nhiều vi phạm về trật tự xây dựng.

Ngoài ra, căn nhà 4 tầng giáp hai mặt đường thuộc khu tập thể Quận ủy Đống Đa nằm trong ngõ 84 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) của ông Hóa cũng khá khang trang.

Theo giới nhà đất, thời điểm hiện nay, giá nhà đất khu vực này có giá từ 300 đến 350 triệu đồng/m2.

Nguyễn Văn Dương ẩn mình dưới vỏ bọc doanh nhân trẻ

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định nhóm Nguyễn Văn Dương được hưởng 1.600 tỷ đồng từ đường dây tổ chức đánh bạc.

Ngay khi bị bắt, Dương khai nhận đã chia khoảng 20% lợi nhuận từ số tiền được hưởng cho ông Nguyễn Thanh Hóa.

Những thông tin PV có được về trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương khá ít ỏi vì đối tượng này trước khi bị bắt có đời tư khá kín tiếng.

Tính đến thời điểm này, nhiều người chỉ biết Nguyễn Văn Dương là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) được thành lập vào tháng 9/2011 với số vốn ban đầu là 20 tỷ đồng.

Tháng 4/2017, công ty này được trao giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với 3 nhóm dịch vụ gồm: dịch vụ cổng thanh toán điện tử; dịch vụ ví điện tử; dịch vụ thu hộ, chi hộ trong thời hạn 10 năm.

Trước đó, ông Dương từng làm chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC, công ty này từng là một thành viên trong liên danh nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn. Thời điểm thực hiện dự án, UDIC là doanh nghiệp bỏ vốn chủ sở hữu nhiều nhất với tỉ lệ 38% (491 tỷ đồng).

Tuy nhiên do không đủ năng lực tài chính nên tháng 3/2017, Bộ GTVT đã ra văn bản thông báo về việc chấm dứt hợp đồng dự án của liên danh này.

Sau đó, Bộ GTVT chấp thuận phương án tái cơ cấu của Công ty cổ phần đầu tư UDIC với sự tham gia của nhóm nhà đầu tư khác.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn