Bác sĩ Jham Frank Lugo làm việc tại Trung tâm sinh sản Cenfer ở Venezuela thường xuyên đăng tải những đoạn clip ghi lại những ca sinh mổ của các sản phụ lên trang cá nhân của mình. Những đoạn clip này đều rất thu hút người xem bởi nó ghi lại một cách chân thực và sống động khoảnh khắc các em bé chào đời bằng phương pháp sinh mổ.
Hình ảnh chân em bé vừa thò ra ngoài bụng mẹ đã đạp liên hồi khiến người xem thích thú
Mới đây vị bác sĩ này đã đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh ca sinh mổ ngôi ngược do mình thực hiện. Những hình ảnh trong clip khiến người xem phải thót tim với hình ảnh những em bé được lấy ra ngoài từ bụng mẹ.
Đoạn clip thứ nhất, em bé chui phần chân ra trước. Điều thú vị là vừa cho được phần chân ra khỏi bụng mẹ em bé đã đạp liên hồi, có thể thấy em bé này chắc chắn là rất hiếu động. Trong đoạn clip thứ hai thì em bé này lại có phần mông ra ngoài trước thay vì đầu như những bé ngôi thuận.
Video ca sinh mổ ngôi thai ngược với phần chân ra trước
Điểm chung trong cả hai ca sinh mổ này là các bác sĩ đều khá vất vả mới lấy được em bé ra ngoài. Đầu tiên, bác sĩ phải cố gắng đưa phần chân của bé ra, rồi xoay người bé sao cho hai tay của bé cũng được đưa ra ngoài. Khó khăn nhất là việc đưa nốt phần đầu đang mắc kẹt của bé ra. Thông thường với những bé ngôi thai thuận thì phần đầu sẽ được ra ngoài đầu tiên. Khi đầu bé đã chui ra khỏi bụng mẹ thì việc đưa nốt người bé ra ngoài khá dễ dàng. Còn trong hai trường hợp ngôi ngược như thế này, đầu bé bị mắc ở bên trong và phải rất khéo léo để đưa nốt phần đầu ra ngoài. Các thao tác cần chuẩn xác và nhanh chóng để em bé không bị sặc nước ối.
Video ca sinh mổ với phần mông ra trước
Trong thai kỳ, khi thai nhi còn nhỏ thì túi nước ối là không gian rộng rãi để các bé đủ sức chơi đùa, nhào lộn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, càng về cuối thai kỳ không gian này càng trở nên chật hẹp hơn. Đến khoảng 2 tuần cuối thai kỳ, các bé sẽ chọn một vị trí cố định và giữ nguyên vị trí đó cho đến khi ra đời. Các khảo sát cho thấy có khoảng 95% các trường hợp thai nhi nằm quay đầu xuống dưới, vị trí này gọi là “ngôi thai thuận”, còn lại gọi là ngôi thai ngược.
Những ca sinh nở ngôi ngược không hề dễ dàng
Trường hợp ngôi thuận ca sinh nở thường diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn. Vì đầu bé đã ở bên dưới nên sẽ được đưa ra trước. Sau đó mới đến vai và phần chân. Với trường hợp ngôi ngược, việc sinh nở khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là nếu mẹ sinh thường. Nguyên nhân là vì phần chân được đưa ra trước, sau đó đến vai, rồi phần cổ hẹp. Theo bản năng dạ con sẽ giãn ra hết mức có thể ở phần vai của bé, sau đó đến phần cổ hẹp dạ con sẽ co lại vì nghĩ rằng “nhiệm vụ” đã xong dẫn tới đầu bé thường bị kẹt lại. Do đó hầu hết các trường hợp ngôi thai ngược các bác sĩ đều khuyên mẹ nên xem xét chọn lựa hình thức sinh mổ để đảm bảo an toàn hơn cho mẹ và bé.
Những nguyên nhân dẫn tới ngôi thai ngược
Suốt giai đoạn mang thai, phần lớn thời gian bé sẽ hướng mông mình về phía tử cung của mẹ. Tới tuần thai 28, chỉ có 15% thai nhi vẫn ở ngôi ngược. Trong những tuần thai tiếp theo, hầu hết thai nhi sẽ quay đầu để quá trình sinh của mẹ diễn ra được dễ dàng hơn. Tới tuần thứ 36, chỉ có 6% ngôi thai ngược và đến tuần 40, con số này chỉ còn khoảng 3%.
Các chuyên gia vẫn chưa tìm được một nguyên nhân đặc biệt dẫn đến hiện tượng thai ngược. Thông thường, nó là sự kết hợp của một vài lý do ảnh hưởng đến sự chuyển động của bé trong tử cung như:
- Nước ối quá nhiều khiến thai nhi vẫn có thể di chuyển thoải mái tới vị trí bất kỳ trong tuần thai cuối.
- Nước ối quá ít khiến thai nhi bị mắc kẹt khi chưa kịp quay đầu.
- Trường hợp sinh đôi hoặc sinh đa thai.
- Tử cung có hình dạng bất thường.
- Sản phụ lớn tuổi.
- Thai nhi sinh non nên chưa kịp quay đầu.
- Dị tật thai nhi.
- Dây rốn ngắn.
TH
Bình luận