Sau gần 5 năm thi công, cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng đã được thông xe vào sáng nay (27/5).
Công trình xây dựng cầu Cao Lãnh dài 2,01km và xây dựng cụm tuyến đường nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống dài 21,45km đi qua huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỉ đồng.
Cầu Cao Lãnh được khởi công từ tháng 10/2013, đến tháng 9/2017 công trình được hợp long.
Đây là cây cầu dây văng nối liền hai bờ sông Tiền thuộc địa phận TP.Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay ODA của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Công trình cầu Cao Lãnh có ý nghĩa đặc biệt cho Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và các tỉnh ĐBSCL; nối liền 2 bờ sông Tiền, ước mơ của người dân ĐBSCL, cả nước đã thành hiện thực, không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn góp phần phát triển chính trị - xã hội, giao lưu văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường giao thương giữa ĐBSCL với TP.HCM, Đông Nam bộ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực Trung tâm đồng bằng Mêkông.
Cầu Cao Lãnh cách bến phà Cao Lãnh khoảng 0,8 km về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35 km về phía thượng lưu. Cầu có chiều dài 2,01km nối thông Quốc lộ 30 với Quốc lộ 54 tỉnh Đồng Tháp, chiều dài nhịp chính 350 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, thuận lợi cho tàu, thuyền có tải trọng 20.000 tấn lưu thông. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m cho 4 làn ôtô và 2 làn xe thô sơ.
Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80km/h.
Tổng kinh phí xây dựng 7.500 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia 160 triệu USD, còn lại là vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống chính thức thông xe đã kết nối khu vực Kết nối khu vực Trung tâm đồng bằng Mêkông góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án kết nối với tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tuyến N2 hiện hữu, hình thành nên trục giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ, từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực ĐBSCL
Đồng thời, công trình cầu Cao Lãnh sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa Chính phủ và nhân dân hai nước nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bình luận