Ngày 15/9, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM tổ chức lễ thông xe cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ).
Cầu Vàm Sát 2 có tổng chiều dài 1.080 m, trong đó, phần cầu 434 m, phần đường dẫn 646 m, mặt cắt ngang 10 m, vỉa hè 1 m mỗi bên, tải trọng thiết kế theo quy định, cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, tổ chức giao thông.
Cầu Vàm Sát 2 hoàn thành đảm bảo yêu cầu giao thông, nối kết xã Lý Nhơn với các địa phương còn lại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế xã hội, du lịch và kết nối giao thông cho xã Lý Nhơn nói riêng và góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cho huyện Cần Giờ nói chung.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt đầu tư tại quyết định số 5737/QĐ-SGTVT ngày 28/10/2016 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 263/QĐ-SGTVT ngày 14/3/2022.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, cầu Vàm Sát 2 là cây cầu, dự án đầu tiên mang diện mạo mới cho huyện Cần Giờ.
Vị trí cầu Vàm Sát 2 nằm song song với cầu Vàm Sát cũ có tải trọng thấp, xuống cấp, còn cầu Vàm Sát 2 thì không hạn chế tải trọng. Do đó, khi cầu được hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy việc đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội huyện Cần Giờ.
"Chúng tôi mong những niềm vui và niềm tin từ việc thông xe cầu Vàm Sát 2 cũng như khánh thành cầu Long Kiểng ở Nhà Bè ngày 8/9 vừa qua sẽ được nhân rộng, lan tỏa đến tất cả các địa phương, các công trình giao thông đang chờ đợi mặt bằng như cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long ở Thủ Đức, cầu Bà Hom ở Bình Tân và các tuyến đường như Tân Kỳ Tân Quý, Lương Định Của, Dương Quảng Hàm. Để chúng ta sẽ tiếp tục có những công trình hoàn thành vượt tiến độ trong thời gian tới", ông Phúc nói.
Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển, có tổng diện tích hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn, sông rạch.
Nơi đây có nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - tín ngưỡng.
Dù có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển nhưng hệ thống giao thông hạ tầng của địa phương còn hạn chế.
Theo Sở GTVT TP.HCM thì việc ra vào khu trung tâm của huyện Cần Giờ gặp không ít khó khăn vì tuyến chính là phà Bình Khánh thường xuyên quá tải.
Để phát triển huyện Cần Giờ, tạo sự kết nối với vùng trung tâm TP.HCM và tỉnh Long An, dự kiến tháng 4/2025, TP.HCM sẽ khởi công cầu Cần Giờ nối qua Nhà Bè, tổng vốn hơn 10.000 tỷ phá thế độc đạo ở bến phà hiện hữu, tăng kết nối giao thông vào khu trung tâm thành phố.
Bình luận