• Zalo

Thông tin tiết lộ bí mật gia đình sẽ bị cấm trên báo chí

Thời sựThứ Năm, 18/02/2016 10:38:00 +07:00Google News

Một số nội dung như xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật gia đình sẽ bị cấm trong hoạt động báo chí.

(VTC News) – Một số nội dung như xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật gia đình sẽ bị cấm trong hoạt động báo chí.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (18/2), Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật báo chí (sửa đổi).

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng hiện nay vẫn còn một số ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo luật này.
Luật báo chí
Không được tiết lộ bí mật gia đình trên  báo chí
Một số ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí.

Đây là những sản phẩm thông tin do cơ quan, tổ chức xuất bản, có đội ngũ biên tập, có người chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và phải được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin cấp giấy phép hoạt động.


Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật; còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.

Đề cập đến những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, nhiều ý kiến đề nghị lược bỏ những nội dung đã quy định trong Bộ luật Dân sự để tránh trùng lặp và bỏ một số từ ngữ gây ấn tượng nặng nề.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung cấm như: xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật gia đình. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã bổ sung những nội dung trên dự thảo luật mới.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung cấm như: lạm dụng báo chí gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân; hành vi trục lợi trong hoạt động báo chí; khai thác các nội dung về tệ nạn xã hội, đời tư quá mức để đưa tin giật gân, câu khách; lợi dụng danh nghĩa nhà báo để phục vụ lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội.

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy quy định về nghĩa vụ của nhà báo đã bao hàm đầy đủ các nội dung đại biểu đề cập, do đó không cần bổ sung tại điều này.

GS Nguyễn Lân Dũng: Chặt 6.700 cây xanh phải xin ý kiến Quốc hội


Về việc bảo vệ người cung cấp thông tin cho báo chí, UBTVQH cho biết, một số ý kiến đề nghị không nên yêu cầu tiết lộ người cung cấp thông tin cho việc điều tra xét xử tội phạm nghiêm trọng vì loại tội phạm này rất phổ biến quy định như dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc bảo vệ người cung cấp thông tin mà báo chí, nhà báo đã cung cấp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương bảo vệ người cung cấp thông tin” tại khoản 4 Điều 37 (dự thảo mới).

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn