Ngày 21/9/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
>> Xem chi tiết
Ngoài ra, để triển khai ngay Quyết định 3610a/QĐ-BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3696/QĐ-BCT ngày 26/9/2017 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Tại Quyết định này, Ban soạn thảo, Tổ biên tập có trách nhiệm rà soát nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh đã được đề xuất bãi bỏ tại Quyết định 3610a/QĐ-BCT liên quan đến quy định của các Luật, Nghị định của Chính phủ nhằm mục tiêu đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
>> Xem chi tiết
Qua phản ánh của một số cơ quan báo chí về một số lỗi trùng lặp trong các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất cắt giảm theo Phụ lục Quyết định 3610a/QĐ-BCT (liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm), Bộ Công Thương khẳng định vẫn quyết tâm cắt giảm các điều kiện này theo các nguyên tắc đã được nêu rất rõ ràng tại điều 2 của Quyết định 3610a.
Điều 2. Nguyên tắc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh
1. Chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.
2. Việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014.
4. Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.
5. Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.
Đối với lĩnh vực kinh doanh khí, Bộ Công Thương đã soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét. Quá trình xây dựng Nghị định được tiến hành như sau:
- Ngày 6/2/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 337/QĐ-BCT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.
- Ngày 1/3/2017, Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập là đại diện các Bộ/ngành và các đơn vị có liên quan để hoàn chỉnh Dự thảo 1 Nghị định. Sau khi tiếp nhận các góp ý của các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập, Bộ Công Thương đã tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo 2 Nghị định kinh doanh khí.
- Ngày 7/3/2017, Dự thảo 2 đã được đăng trên website của Chính phủ và website của Bộ Công Thương để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Ngày 22, 24/3/2017, Bộ Công Thương phối hợp với VCCI tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Ngày 12/4/2017, Dự thảo Nghị định đã được gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ/ngành có liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí.
- Ngày 4/8/2017, Bộ Công Thương có công văn số 7028/BCT-PC gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.
- Ngày 24/8/2017, Bộ Tư pháp có công văn số 233/BC-BTP gửi Bộ Công Thương Báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí.
Trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thông qua nhiều hình thức như hội thảo, gửi trực tiếp dự thảo, đưa dự thảo lên website của Bộ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Như vậy, tính đến thời điểm này, dự thảo Nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19 đã qua hết các bước thẩm định và sẽ được trình lên Chính phủ trong một vài ngày tới.
Quan điểm của Bộ Công Thương:
Các hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân như bồn chứa khí, chai LPG, đường ống, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG, chai LPG mini tiềm ẩn, chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường cần được kiểm soát. Hiện nay, theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP chỉ trú trọng đến quản lý, quy định các điều kiện kinh doanh chưa tập trung quy định các điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí. Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí sẽ theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này và mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương với 60 Điều được bố cục như sau:
1. Chương I: “Những quy định chung” quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan; quy định về quản lý đo lường và chất lượng khí.
2. Chương II: “Kinh doanh khí” gồm 02 mục: mục 1 quy định về điều kiện khí, mục 2 quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân. Cụ thể:
- Điều kiện kinh doanh: quy định điều kiện đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân kinh doanh mua bán khí; cửa hàng bán lẻ LPG chai; điều kiện đối với trạm nạp, trạm cấp khí; điều kiện đối với chai LPG lưu thông trên thị trường; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG; điều kiện đối với sản xuất chai LPG mini; điều kiện đối với kinh doanh dịch vụ cho thuê bồn chứa khí, kho chứa LPG chai, kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí.
Dự thảo Nghị định đã đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất, quy định bắt buộc phải thiết lập hệ thống phân phối; các thủ tục hành chính còn nhiều và rườm rà. Đặc biệt, các quy định của Nghị định này về điều kiện kinh doanh khí (điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG, điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối...) đang là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp, không còn phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Dự thảo nghị định quy định các điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, cụ thể:
Thương nhân xuất, nhập khẩu khí chỉ cần có cầu cảng hoặc thuê cầu cảng, có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai đảm bảo các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
Thương nhân sản xuất chế biến có cơ sở sản xuất được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng, có phòng thử nghiệm hoặc thuê phòng thử nghiệm, có dây chuyền, máy thiết bị được kiểm định; thương nhân kinh doanh mua bán khí chỉ cần có bồn chứa khí hoặc chai chứa LPG chai đảm bảo các quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định;
Cửa hàng bán lẻ LPG chai chỉ cần có hợp đồng bán chai LPG với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điểu kiện còn hiệu lực;
Các cơ sở vật chất của thương nhân như trạm nạp, trạm cấp, trạm nén khí chỉ cần đáp ứng điều kiện được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng.
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với:Thương nhân xuất, nhập khẩu khí; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân có trạm nạp khí (nạp vào xe bồn, chai LPG, phương tiện vận tải); cửa hàng bán lẻ LPG chai; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG; thương nhân sản xuất chai LPG mini. Chỉ quy định điều kiện và không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với: thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân có trạm cấp khí, trạm nén CNG; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê cầu cảng, bồn chứa khí, kinh doanh dịch vụ vận chuyển khí.
- Quyền và nghĩa vụ:Quyền và nghĩa vụ của thương nhân; quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai, trạm nạp, trạm cấp; quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG; quyền và nghĩa vụ của cơ sở kiểm định chai LPG.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân mở rộng hơn các quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh khí, thương nhân tự lựa chọn quy mô doanh nghiệp, năng lực cũng như tự do thiết lập hệ thống phân phối của mình trên cơ sở điều tiết của thị trường. Đồng thời ngoài các quyền được mở rộng, trách nhiệm của các thương nhân cũng được quy định cụ thể và rõ ràng hơn như thương nhân được tổ chức mua, bán LPG/LNG/CNG theo hợp đồng với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực và khách hàng công nghiệp; được ủy quyền bằng văn bản cho chi nhánh hoặc công ty con của thương nhân bán LPG/LNG/CNG hoặc hệ thống phân phối kinh doanh khí của thương nhân bao gồm tổng đại lý, đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ LPG chai vào khu phi thuế quan, khu công nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối do thương nhân quản lý tuân thủ các quy định của Nghị định này; Liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm của hệ thống phân phối do thương nhân quản lý trong hoạt động kinh doanh khí theo quy định của pháp luật; Quản lý số lượng chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân; Phải xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo an toàn cho con người, cơ sở vật chất của thương nhân cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
3. Chương III: quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí, cụ thể:
- Quy định hồ sơ cấp mới, cấp lại, cấp điều chỉnh các loại Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
- Quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện.
- Phân cấp Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén; Phân cấp Ủy ban nhân dân Quận/huyện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai.
Với việc đơn giản và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đối với thương nhân và cơ sở vật chất của thương nhân như trên thì Dự thảo Nghị định tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh khí, đồng thời điều chỉnh thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 5 năm lên 10 năm và giảm thời hạn cấp các Giấy chứng nhận đủ điều kiện từ 30 ngày làm việc xuống còn 15 ngày trên tinh thần phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ năm 2017 đã được phê duyệt.
Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp các loại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Đồng thời thực hiện phân cấp cho địa phương trong việc cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện, theo đó phân cấp Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán khí; phân cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG chai.
4. Chương IV quy định về Quản lý an toàn trong hoạt động kinh doanh khí, cụ thể:
Tại Chương này Dự thảo Nghị định bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí. Trong đó quy định cụ thể từng công đoạn, từng khâu và từng hoạt động cụ thể của các cơ sở vật chất gắn liền với hoạt động kinh doanh khí của thương nhân. Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định liên quan đến an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí (Bồn chứa khí; kho chứa khí; đường ống vận chuyển khí); an toàn đối với trạm nạp, trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai; an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG. Các cơ sở vật chất này của thương nhân kinh doanh khí sẽ được quản lý theo quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bộ Công Thương nhận thấy, các hoạt động kinh doanh khí gắn liền với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân như bồn chứa khí, chai LPG, đường ống, trạm nạp, trạm cấp, trạm nén, các cơ sở sản xuất, sửa chữa chai chứa LPG, chai LPG mini tiềm ẩn, chứa đựng nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng, tác động đến môi trường cần được kiểm soát. Hiện nay, theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP chỉ trú trọng đến quản lý, quy định các điều kiện kinh doanh chưa tập trung quy định các điều kiện liên quan đến an toàn trong hoạt động kinh doanh khí. Do vậy, việc quản lý hoạt động kinh doanh khí theo hướng tập trung vào các yêu cầu liên quan đến an toàn đối với các khâu, cơ sở vật chất của thương nhân nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời là cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác hậu kiểm trong lĩnh vực này.
5. Chương V: quy định về quản lý nhà nước về kinh doanh khí, trong đó quy định phân công trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh khí (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương).
6. Chương VI: quy định về Điều khoản thi hành, trong đó quy định điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.
Bình luận