Thời gian gần đây, một số kênh truyền thông đưa tin Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA, lần đầu tiên cập nhật thứ tự các cung hoàng đạo sau 3.000 năm. Cụ thể, cung hoàng đạo Xà Phu sẽ được bổ sung, dẫn tới sự thay đổi trong cách tính thời gian 12 cung còn lại. Do đó, 86% nhân loại sẽ phải thay đổi sang cung hoàng đạo khác.
Thực tế, thông tin này đã xuất hiện vào khoảng năm 2011. Sau đó, một lần nữa được khơi dậy bởi trang web giáo dục dành cho trẻ em nổi tiếng của NASA là Space Place vào năm 2016.
Lúc đó, trả lời Gizmodo, người phát ngôn của NASA Dwayne Brown tuyên bố: "Tại NASA, chúng tôi nghiên cứu thiên văn học, không phải chiêm tinh học. Chúng tôi không thay đổi cung hoàng đạo, mà chỉ làm các phép tính toán. Chiêm tinh học không phải thiên văn học. Nó là phần sót lại của lịch sử cổ đại và khoa học, toán học không xuất phát từ việc chúng ta quan sát bầu trời”.
Khoa học khác với chiêm tinh học
Từ 3.000 năm trước, người Babylon cổ đại đã biết cách quan sát bầu trời. Họ cho rằng sự thay đổi vị trí của các chòm sao trong chu kỳ một năm có sự tương quan với một số tính cách con người, hoặc sự kiện xảy ra trên Trái Đất. Họ tạo ra cung hoàng đạo, là vòng tròn gồm 12 chòm sao dựa trên đường đi của Mặt Trời qua từng chòm sao trong một năm.
Cũng như Trái Đất xoay quanh Mặt Trời, Mặt Trời cũng đi qua lần lượt 12 cung hoàng đạo. Do người Babylon cũng sử dụng loại lịch 12 tháng một năm dựa trên các kỳ trăng, mỗi tháng chiếm một phần của cung hoàng đạo.
Tuy nhiên, người Babylon cổ đã không tính chòm sao Ophiuchus vào cung hoàng đạo. Những chòm sao còn lại được chọn cũng không khớp mà phải lấn sang phần kế tiếp.
Do sự lắc lư rất nhỏ của trục Trái Đất, các chòm sao hiện nay không còn nằm ở vị trí cũ như 3.000 năm trước. Sự thay đổi này cực kỳ nhỏ, phải mất 26.000 năm mới hoàn thành một chu kỳ thay đổi trục Trái Đất, nhưng hiệu quả tích tụ theo thời gian cũng rất lớn.
"Vào điểm chí tháng 6 của 2.000 năm trước, Mặt Trời gần như nằm giữa hai chòm sao Song Tử và Cự Giải. Vào điểm chí tháng 6/2016, Mặt Trời nằm giữa Song Tử và Kim Ngưu. Đến năm 4609, điểm chí tháng 6 sẽ vượt chòm Kim Ngưu để tiến vào Bạch Dương", Tiến sĩ thiên văn học Christopher Crockett cho biết.
"Do hiện tượng tuế sai (hiện tượng trong đó trục của vật thể quay "lắc lư" khi mô-men lực tác động lên nó), cùng với trục Trái Đất thay đổi, điểm Xuân phân (điểm trùng với cung Bạch Dương bắt đầu cho 12 cung hoàng đạo) cũng bị lệch đi.
Vị trí 12 chòm sao ứng với 12 cung hoàng đạo không còn giống như 3.000 năm trước - thời điểm người Babylon cổ sáng chế ra khái niệm 12 cung hoàng đạo. Điểm Xuân phân nay chuyển từ Bạch Dương sang Song Ngư. Các cung hoàng đạo khác vì thế cũng bị lệch đi 35 ngày, tức hơn 1 cung", NASA cho hay.
Nhầm lẫn giữa cung hoàng đạo và chòm sao hoàng đạo
Từ đó, NASA bổ sung thêm Ophiuchus, hay còn gọi là chòm sao Xà Phu (30/11-17/12). Tuy nhiên, các chòm sao hoàng đạo theo cách phân chia của NASA có kích thước lẫn hình dạng khác nhau, trong khi đó cung hoàng đạo là cách chia đường hoàng đạo (đường đi biểu kiến của Mặt Trời trong một năm) thành 12 phần bằng nhau của chiêm tinh học.
Thực tế, chòm sao Xà Phu đã được phát hiện từ rất lâu, nhưng không được người Babylon cổ đại tính vào do nhiều khả năng. Một là để phù hợp với bộ lịch một năm có 12 tháng, hoặc do ranh giới thiên văn giữa Xà Phu và các chòm sao khác không quá rạch ròi nên "Người giữ rắn" đã không được tính vào.
Chòm sao Ophiuchus - Xà Phu có hình tượng người đàn ông đang nắm giữ một con rắn Anaconda khổng lồ hướng bầu trời, hình ảnh phác họa đã có từ xa xưa.
Theo thần thoại Hy Lạp cổ, Ophiuchus là thần y khoa Asclepius có khả năng hồi sinh người chết, con trai của thần Apollo. Tuy nhiên, ông bị thần cai quản địa ngục Hades nhờ Zeus ám hại.
Bình luận