Vi khuẩn lao trú ngụ ở các hang, hốc trong cơ thể. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai mang vi khuẩn lao cũng mắc bệnh lao. Điều này có nghĩa những người khỏe mạnh vẫn đang có vi khuẩn lao trong người.
Bệnh lao: Kẻ giết người thầm lặng
Theo PGS Nhung, hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5-6%, số tử vong vì bệnh giảm nhanh hơn. Trong hai năm 2015-2016, cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao. Nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm, chủ động và nhiều hơn.
Đặc biệt số bệnh nhân không được phát hiện, được gọi là tảng băng chìm cũng có xu hướng giảm. Mỗi năm, cả nước có khoảng 126.000 người mắc lao, trong đó chỉ 105.000-106.000 người được phát hiện bệnh, còn lại khoảng 20.000 người chưa được phát hiện.
“Bệnh lao không gây tử vong rầm rộ như tai nạn giao thông hay tai biến sản khoa mà chúng được báo trước, diễn biến một cách âm thầm nên được gọi là kẻ giết người thầm lặng”, PGS Nhung nói.
Những bệnh nhân lao chưa phát hiện bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, trong thời gian mắc bệnh và tử vong, họ đã làm lây lan bệnh trên cộng đồng.
“Mắc lao không có tội nhưng giấu bệnh không những có tội với bản thân mình mà còn có lỗi với những người xung quanh và cộng đồng. 40% người không phát hiện bệnh để được chữa trị sẽ tử vong”, PGS Nhung khuyến cáo.
Theo Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, những nguy cơ khiến chúng ta mắc lao bao gồm việc tiếp xúc với người bị lao thường xuyên, nguy cơ này cao hơn 2,5 lần so với người bình thường. Bệnh cũng dễ mắc khi cơ thể suy giảm hệ miễn dịch hoặc sống trong các khu chật hẹp như trại giam, phòng trọ. Dinh dưỡng kém, sức đề kháng suy giảm, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, đái tháo đường, sống chung HIV/AIDS cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao.
Cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
Mới đây, đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam do GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về Phòng chống Lao, tại Moscow, Liên Bang Nga từ 16-17/11.
Tại hội nghị, Việt Nam đã cùng thông qua Tuyên bố chung Moscow về chấm dứt bệnh lao thể hiện cam kết mạnh mẽ của toàn cầu về việc chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Phòng chống Lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo nền tảng để thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao vào 2030 của WHO.
Để làm được điều này, Việt Nam đã đặt chỉ tiêu giảm 30% tỷ lệ hiện mắc và giảm 40% tỷ lệ tử vong do bệnh lao trong vòng 5 năm từ 2015-2020.
Theo PGS Nhung, hiện công tác chống lao của Việt Nam đang nằm ở top trên, nhưng chưa đủ bền vững. Những cam kết trong Tuyên bố chung Moscow về chấm dứt bệnh lao sẽ đảm bảo việc chống lao vừa mạnh và vừa bền vững.
Về việc phát hiện sớm bệnh lao, chuyên gia khuyến nghị người dân nên lưu ý khi có các triệu chứng hô hấp như ho hoặc sốt. Để phát hiện, bác sĩ sẽ chụp phim (có tính sàng lọc rất cao), sau đó xét nghiệm đờm để khẳng định bệnh.
Bình luận