• Zalo

Thông tin đặc biệt về dự án cải tiến radar P-18 của Việt Nam

Thời sựThứ Năm, 10/04/2014 04:25:00 +07:00Google News

Nhà máy Z119 đang thực hiện dự án cải tiến các đài radar cảnh giới P-18 theo gói nâng cấp P-18M của công ty RETIA, Cộng hòa Czech.

Nhà máy Z119 đang thực hiện dự án cải tiến các đài radar cảnh giới P-18 theo gói nâng cấp P-18M của công ty RETIA, Cộng hòa Czech.

Vào đầu tháng 3, báo Quân đội Nhân dân tiết lộ thông tin quan trọng liên quan tới chương trình nâng cấp radar của Việt Nam.

“…những năm gần đây, cùng với Nhà máy Z119 và các cơ quan liên quan, ngành radar đang chủ trì Dự án “Đầu tư cải tiến đài radar P-18” với mức chuyển giao 100% công nghệ thiết kế và chế tạo”, tờ Quân đội Nhân dân cho biết.
Hệ thống radar cảnh giới P-18 của Việt Nam canh trời quần đảo Trường Sa.
Hệ thống radar cảnh giới P-18 của Việt Nam canh trời quần đảo Trường Sa. 
Câu hỏi đặt ra khi đó là Việt Nam đang nâng cấp đài radar P-18 lên chuẩn nào? Gần đây thì theo tin từ trang mạng đơn vị nước ngoài thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đã cho biết thông tin chi tiết hơn.

Theo trang tin của công ty quốc phòng RETIA (Cộng hòa Czech), tháng 10/2012, tại Khách sạn Melia của Hà Nội, ông Petr Novák - Giám đốc điều hành công ty RETIA cùng đại diện phía Việt Nam đã ký giấy phép cho phép hiện đại hóa và sản xuất radar P-18M tại Việt Nam.

Tham dự lễ ký kết cũng có sự tham dự của ông Martin Klepetko Đại sứ Cộng hòa Czech tại Việt Nam, và Chủ tịch Hội đồng doanh nhân, ông Milan Vagner.
Lễ ký chuyển giao công nghệ nâng cấp, chế tạo P-18M cho Việt Nam. Nguồn: RETIA.
Lễ ký chuyển giao công nghệ nâng cấp, chế tạo P-18M cho Việt Nam. Nguồn: RETIA.
RETIA một trong những công ty hàng đầu của Cộng hòa Czech trong lĩnh vực phát triển và sản xuất các tranh thiết bị điện tử trong lĩnh vực quân sự và an ninh.

Radar P-18 Terek (Tổng cục Pháo binh – Tên lửa BQP Nga (GRAU) định danh là 1RL131, còn NATO gọi là Spoon Rest D) là một loại radar bắt mục tiêu và cảnh báo sớm VHF 2D, được sản xuất và phát triển bởi Liên Xô và trang bị cho Việt Nam từ những năm 1970.

Đây là loại radar làm việc trên dải sóng mét, có tầm hoạt động tối đa 170km, có thể theo dõi cùng lúc 120 mục tiêu. Trong kháng chiến chống Mỹ và suốt những năm sau chiến tranh, P-18 đã góp nhiều công sức trong bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Tuy nhiên, do được sản xuất theo công nghệ cũ, loại radar này không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, như theo dõi và phát hiện mục tiêu trong môi trường nhiễu mạnh, hệ thống phân tích xử lý truyền tải thông tin và công suất hoạt động không đáp ứng được yêu cầu.
Anten đài radar cảnh giới P-18.
Anten đài radar cảnh giới P-18. 
Nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng (các nước sở hữu P-18), một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) như Nga, Ukraine đã đưa ra một số gói nâng cấp kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao khả năng của P-18 để phục vụ trong điều kiện mới. Với Cộng hòa Czech (quốc gia sở hữu nền khoa học quân sự tiên tiến thừa hưởng từ Liên bang Nam Tư), đã đưa ra gói nâng cấp P-18M do công ty RETIA thực hiện.

Đài radar cảnh giới P-18M được công ty RETIA phát triển trên cơ sở đài radar P-18 của Liên Xô. P-18M được sử dụng để phát hiện, tìm kiếm mục tiêu và xác định cự ly phương vị mục tiêu. Ngoài ra, đài còn có khả năng xác định chủ quyền quốc gia của mục tiêu thông qua máy hỏi và xác định độ cao của mục tiêu bằng máy đo độ cao như PRV-16.

Hệ thống đài radar P-18M được bố trí trên 4 xe gồm: 2 xe ô tô và 2 xe moóc, trong đó có xe chở anten và xe thiết bị. Đài radar P-18M được cấu thành từ rất nhiều hệ thống phối hợp làm việc chặt chẽ với nhau bao gồm: hệ thống anten, hệ thống điều khiển, hệ thống thu, hệ thống phát, hệ thống xử lý, hệ thống hiển thị, hệ thống nguồn, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống làm mát, hệ thống máy hỏi, hệ thống mô phỏng dành cho huấn luyện và các thiết bị đo lường kiểm tra.
Bên trong radar sau khi nâng cấp.
Bên trong radar sau khi nâng cấp. 
Các cải tiến của đài radar P-18M so với P-18 cũ gồm: Hệ thống thu-phát của đài radar P-18M đều được số hóa; P-18M có thể hoạt động ở nhiều tấn số khác nhau với thời gian chuyển tần số nhanh và rất linh hoạt; hệ thống hiển thị tinh thể lỏng LCD; đài P-18M còn được trang bị thêm 4 anten chế áp nhiễu ECCM; các thiết bị đo, quét được tích hợp bên trong đài P-18M có thể hoạt động ở cả hai chế độ chủ động và thụ động; cải thiện hiệu suất hoạt động của hệ thống; loại bỏ các trang bị quá lỗi thời; tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF); tăng cường độ tin cậy và tuổi thọ cũng như các phụ tùng thay thế, giảm chi phí vận hành.

Theo RETIA, đài radar P-18M có khả năng phát hiện và theo dõi ở các dải tần lên tới 200 mục tiêu/giây và trên 1.000 mục tiêu/vòng quay anten. Công suất đầu ra của máy phát đài radar là 8kW với xung phát có độ rộng 220 µs (mi-cờ-rô giây).

P-18M có khả năng hoạt động liên tục ở nhiệt độ môi trường từ −20°C đến +50°C. Thời gian triển khai hệ thống từ trạng thái hành quân sang trạng thái chiến đấu cũng như thu hồi đài radar từ trạng thái tác chiến về trạng thái hành quân với kíp trắc thủ gồm 5 người chỉ trong 1 giờ.
Hệ thống hiển thị sau nâng cấp.
Hệ thống hiển thị sau nâng cấp. 
Theo Philippines Defence, đến năm 2011, Quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị các hệ thống radar cảnh giới gồm: 2 đài radar P-14 (nâng cấp); 24 đài radar P-18M (nâng cấp); hơn một đài P-19M (nâng cấp); 12 đài P-35M (nâng cấp); 12 đài P-37M (nâng cấp); 2 đài NEBO-UE; 2 đài 1L13-3 NEBO-SV; 12 đài PRV 11/13; 8 đài 36D6; 4 đài RV-01/Vostock-E; 7 đài Kolchuga-M12; 3 đài 39N6E KASTA-2E2; 2 đài 29N6 Delta; 2 đài AVTOBAZA; 3 đài Coast Watcher 100.

Như vậy, với các hệ thống radar hiện có cùng hệ thống P-18 cũ được nâng cấp lên P-18M với những tính năng vượt trội, Quân đội Việt Nam sẽ tăng cường đáng kể khả năng giám sát vùng trời, đảm bảo phát hiện kịp thời các mục tiêu và cung cấp chuẩn xác nhất các dữ liệu để luôn luôn đảm bảo rằng “không để tổ quốc bị bất ngờ.”

Bên cạnh đó, việc làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất P-18M giúp Việt Nam đảm bảo tốt quá trình hoạt động cho các đài radar trong thời gian dài hơn nữa với khả năng trong tự chủ sản xuất linh kiện thay thế. Không những vậy, kinh nghiệm rút ra từ việc nâng cấp, sản xuất P-18M giúp Việt Nam tương lai sẽ có thể sản xuất được các loại radar nội địa.

» Khám phá nội thất tàu ngầm Trường Sa
» Thử nghiệm tàu ngầm Trường Sa: Kết quả 'hoàn hảo'

Theo Kiến thức
Bình luận
vtcnews.vn