"Hầu hết các đối tượng đều là những kẻ có học thức, thuộc các tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Chúng độc lập về tài chính và gia đình cũng có nguồn tài chính khá ổn định", Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene tiết lộ trong cuộc họp báo sáng 24/4.
Theo ông Wijewardene, giới chức Sri Lanka tin rằng một trong những nghi phạm đã theo học tại Anh, sau đó tốt nghiệp một trưởng ở Australia trước khi trở về định cư ở Sri Lanka.
Thông tin này được công bố sau khi cảnh sát Sri Lanka xác nhận số người thiệt mạng sau chuỗi các vụ đánh bom hôm 21/4 đã tăng lên 359 người.
Giới chức nước này đêm 23/4 đã bắt giữ thêm 18 nghi phạm, nâng tổng số người bị bắt giữ lên con số 58. Hầu hết các nghi can bị bắt đều là người Sri Lanka, nhưng cảnh sát đang điều tra liệu có người nước ngoài nào tham gia các vụ tấn công ở thủ đô Colombo và các thị trấn lân cận hay không.
Cho đến nay, Sri Lanka mới chỉ công bố tên 2 nghi phạm là Ilham Ibrahim và Inshaf, con trai một nhà điều hành doanh nghiệp xuất khẩu gia vị ở Colombo. Hai tên này đều dưới 30 tuổi, đã lập gia đình và cùng tham gia vào công việc kinh doanh của bố.
Inshaf được cho là đã tấn công khách sạn Cinnamon Grand trong khi anh trai, Ilham nhận trách nhiệm cho nổ tung khách sạn Shangri-La.
Ilham và Inshaf là thành viên của National Thowheeth Jama'ath (NTJ), nhóm Hồi giáo cực đoan ít tên tuổi ở đảo quốc Nam Á, được biết đến với các hoạt động phá hoại tượng Phật trong nước vào năm 2018. Giới chức Sri Lanka hôm 22/4 khẳng định NTJ là thủ phạm đứng sau các vụ đánh bom liên hoàn hôm 21/4 với sự hỗ trợ của một mạng lưới khủng bố quốc tế.
Video: Xe bom khủng bố nổ tan tành khi cảnh sát nỗ lực phá bom
Tuy nhiên, Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ngày 23/4 bất ngờ lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liên hoàn, đồng thời đưa ra danh sách 7 cái tên mà mà chúng khẳng định là những kẻ đã thực hiện loạt vụ đánh bom ở Sri Lanka.
Cảnh sát ban đầu cho biết có 8 kẻ tham gia vào các vụ tấn công hôm 21/4, tuy nhiên, theo ông Wijewardene, con số hiện nay đã nâng lên thành 9 người, trong đó có 1 phụ nữ. Một trong số chúng từng bị cảnh sát bắt giữ. Không rõ các đối tượng này có liên hệ với nhau hay không.
Ông Wijewardene cũng cho biết thêm rằng những kẻ đánh bom có thể đang muốn trả thù cho vụ xả súng đẫm máu tại nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand hồi tháng 3.
"Vẫn còn các mối nguy hiểm tiềm tàng và có thể vẫn còn một số kẻ đang ẩn nấp ngoài đó", ông Wijewardene cảnh báo.
359 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương sau các vụ đánh bom hôm 21/4 nhằm vào khách sạn Shangri-La, Cinnamon Grand và Kingsbury, Đền St Anthony Lần ở thủ đô Colombo, nhà thờ St Sebastian ở thị trấn ven biển Negombo và Nhà thờ Zion ở Batticaloa.
Hai quả bom phát nổ nhiều giờ sau đó, một ở ngoại ô thủ đô Colombo và một tại ngôi nhà cách đó không xa, làm 3 sỹ quan thiệt mạng.
Sri Lanka tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ nửa đêm 22/4, trao quyền cho cảnh sát và quân đội bắt giữ các nghi phạm. Ông Wijewardene cho biết cảnh sát sẽ bắt giữ thêm các đối tượng tình nghi trong vài tới sau khi IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom.
Bình luận