• Zalo

Thông qua Chương trình giám sát Quốc hội 2012

Thời sựThứ Sáu, 11/11/2011 05:26:00 +07:00Google News

Sáng 11/11, Quốc hội Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 và thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.

Sáng 11/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường về hai nội dung chính là Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 và thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Phan Văn Quý phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 
Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 nêu rõ: Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung tại kỳ họp thứ 3 như xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dungtại kỳ họp thứ 4 như xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.


Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật bảo hiểm tiền gửi.


Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi. Việc ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Thảo luận về đối tượng áp dụng, dự án Luật quy định: Luật này áp dụng đối với người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi ở tỉnh Thanh Hóa, đề nghị tổng kết để làm rõ thêm vì sao dự án luật chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức.


Đại biểu Nguyễn Văn Bình của tỉnh Hải Phòng, tán thành với quy định trong dự án Luật chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, vì cho rằng mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất-kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin, tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp, nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền.


Một số ý kiến khác đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và các khoản quỹ hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hộ gia đình. Về vấn đề này, Ban soạn thảo có quan điểm: đối với tổ chức, pháp nhân (nhất là đối với các doanh nghiệp), tiền gửi chủ yếu nhằm mục đích thanh toán; mặt khác, các tổ chức thường có thông tin, hiểu biết để lựa chọn các tổ chức nhận tiền gửi an toàn nên không thuộc đối tượng được bảo hiểm tiền gửi....


Về loại tiền gửi được bảo hiểm, Điều 18 của Dự án Luật quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác quy định tại Điều 19 của Dự án Luật. Đại biểu Phan Văn Quý của tỉnh Nghệ An, Nguyễn Anh Sơn ở tỉnh Nam Định và nhiều ý kiến khác đồng tình với dự án Luật vì cho rằng quy định như vậy phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam; đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.


Đại biểu dẫn chứng các nước như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan... cũng chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ. Tuy nhiên cũng còn có những ý kiến khác đề nghị nên nghiên cứu áp dụng bảo hiểm tiền gửi đối với loại tiền gửi bằng ngoại tệ, phù hợp với tình hình thực tế, vì cho đến nay tại hệ thống tổ chức tín dụng vẫn huy động một lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ nhưng không được bảo hiểm tiền gửi.


Về vấn đề này, Chính phủ nhấn mạnh chính sách quản lý ngoại hối của bất kỳ quốc gia nào cũng hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ quốc gia chỉ sử dụng đồng nội tệ của quốc gia đó. Chính sách ngoại hối của Việt Nam hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đô la hóa. Việc bảo vệ tiền gửi là ngoại tệ và bảo vệ việc gửi vàng của người dân với tư cách là một tài sản của người dân đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật về ngân hàng, tuy nhiên việc gửi ngoại tệ và vàng không thuộc chính sách bảo hiểm tiền gửi.


Thảo luận về phí bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Trần Du Lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và một số ý kiến khác đề xuất nên để Chính phủ quy định mức phí trên nguyên tắc mức phí khác nhau theo độ rủi ro khác nhau.


Tại phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi các đại biểu Quốc hội bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.


Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua 4 dự án Luật./.


Quỳnh Hoa / TTXVN/Vietnam+
Bình luận
vtcnews.vn