• Zalo

Thông minh trẻ mới nói nhiều?

Tổng hợpThứ Hai, 05/12/2011 04:08:00 +07:00Google News

Có lúc nào bạn 'nhức tai, buốt óc' vì 'ông tướng nhỏ' bi bô cả ngày không ngớt? Liệu có phải trẻ nói nhiều thường thông minh?

Có lúc nào bạn 'nhức tai, buốt óc' vì 'ông tướng nhỏ' bi bô cả ngày không ngớt? Liệu có phải trẻ nói nhiều thường thông minh?

Việc trẻ nói nhiều, bi bô cả ngày không biết mệt, đôi khi khiến cha mẹ hết sức đau đầu.. Dường như bé không thể im lặng quá 5 phút, trừ khi ngủ. Cái miệng nhỏ xíu của bé không để bố mẹ yên ổn làm việc, và nhiều phụ huynh chọn giải pháp quát nạt, thậm chí đánh đòn buộc bé ra chỗ khác.
Tuy nhiên, một số bà mẹ lại vui mừng vì cho rằng con nói nhiều là biểu hiện sự thông minh của bé.
Ở độ tuổi trên 2 các bé không ngừng tò mò tìm hiểu về những điều mới mẻ, và vì thế những
câu hỏi "tại sao", "như thế nào"... luôn thường trực. (Ảnh minh họa).
 

Ở độ tuổi trên 2, các bé bắt đầu khám phá được rất nhiều điều trong cuộc sống. Các bé không ngừng tò mò tìm hiểu về những điều mới mẻ, và vì thế những câu hỏi "tại sao", "như thế nào"... luôn thường trực. Bé có thể thường xuyên hỏi "Mẹ ơi, tại sao kiến lại đi thành hàng dài như vậy?" hay "Sao cây này có lá vàng và lá xanh?"... Những câu hỏi của bé đôi khi vô cùng bất ngờ, khiến bạn rởi vào thế bí.
Đây là điều hết sức bình thường. Với trường hợp trẻ hay nói, hay thắc mắc về thế giới xung quanh, bạn không cần phải lo lắng hay quát mắng bé. Nếu có thời gian, bạn hãy giải thích cho bé thật rõ ràng, dễ hiểu về hiện tượng bé hỏi. Nếu không có thời gian, hãy hẹn bé một lúc khác hoặc bảo bé hỏi bố, hỏi ông bà. Trong trường hợp bạn không rõ câu trả lời thì hãy thành thật: "Câu hỏi này khó quá. Để mẹ tìm hiểu rồi sẽ trả lời con sau nhé".
Nếu bé liên tiếp lặp lại một câu nào đó trong khoảng thời gian ngắn, có thể là vì bé chưa thực sự hiểu những gì bạn trả lời và cần xác minh. Trong trường hợp đó, bạn cũng nên nhẹ nhàng hỏi lý do bé  thắc mắc nhiều lần với một câu hỏi như vậy, sau đó tìm cách tháo gỡ.
Với trẻ ưa khám phá thế giới và biểu hiện qua ngôn ngữ nói, cha mẹ cần dành
thời gian trò chuyện với con. (Ảnh minh họa).
 

Với các bé ưa khám phá thế giới và biểu hiện qua ngôn ngữ nói, bạn hãy khuyến khích bé và dành thời gian trò chuyện cùng con mỗi ngày. Bé sẽ có rất nhiều bất ngờ để bạn có thể phát hiện.
Tuy nhiên, những trường hợp bé nói rất nhiều, nhưng lan man và học theo lời nói của người khác như "vẹt" khá phổ biến.
Trường hợp này, rất có khả năng bé bị rối loạn ngôn ngữ. Hãy làm một phép thử đơn giản để tìm hiểu thực chất tình trạng của bé: hỏi bé về những thứ xung quanh để xem bé có nhận biết được không hoặc yêu cầu bé làm một số việc... Nếu bé không hoàn thành được các yêu cầu, khả năng rất cao là bé có vấn đề về phát triển ngôn ngữ.
Với những bé dưới 5 tuổi, có thể khả năng ngôn ngữ chưa thật tốt, nhưng ở độ tuổi lớn hơn mà con vẫn khó tiếp thu và diễn tả bằng lời nói thì bạn cần đưa con đi khám.
Khi bé nói nhiều và khiến bạn mệt mỏi, cũng đừng vội quát mắng trẻ. Con bạn sẽ dần mất đi hào hứng khám phá xung quanh và thấy rằng những thắc mắc của mình không được lý giải. Tự bé sẽ mặc định mình "không được phép hỏi" vì sợ bị mắng. Dần dần, bé sẽ cố chui mình vào một "ốc đảo" riêng.
Vì thế, lời khuyên tốt nhất dành cho bố mẹ là hãy kiên nhẫn, dành thời gian bên con, khuyến khích con hỏi han và tìm hiểu thế giới xung quanh, tránh tình trạng con nói như vẹt mà đầu óc trống rỗng.
Theo Đẹp
Bình luận
vtcnews.vn