• Zalo

Thống đốc trả lời chi tiết về thâu tóm Sacombank

Kinh tếThứ Ba, 21/08/2012 05:36:00 +07:00Google News

(VTC News) - Trong phiên chất vấn diễn ra vào chiều 21/8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hết tháng 8 có kết quả thanh tra vụ thâu tóm Sacombank.

(VTC News) - Trong phiên chất vấn diễn ra vào chiều 21/8, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết hết tháng 8 có kết quả thanh tra vụ thâu tóm Sacombank. Nội dung cơ bản sẽ được đăng công khai.

Trong phiên chất vấn diễn ra vào chiều 21/8, bên cạnh nợ xấu, lãi suất, vấn đề thâu tóm, sáp nhập ngân hàng cũng được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Bùi Thị An chất vấn Thống đốc về vụ thâu tóm Sacombank gây xôn xao dư luận gần đây và đặt câu hỏi lấy đâu ra tiền để thâu tóm Sacombank? Ai thâu tóm?

Thống đốc cho biết tiền đâu ra để thâu tóm Sacombank, ai thâu tóm Sacombank đều không thông báo với Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc này diễn ra trên thị trường chứng khoán, nó thay đổi theo từng thời điểm. Sáng người ta mua vào nhưng chiều có thể bán ra. Chỉ đến đại hội cổ đông hoặc thời điểm báo cáo, NHNN mới biết được các cổ đông nắm giữ bao nhiêu, tỷ lệ có hợp lý không.

Thống đốc cũng nêu rõ, thâu tóm các ngân hàng cần làm rõ nội hàm. Thâu tóm nếu diễn ra trên thị trường chứng khoán là hoàn toàn đúng theo pháp luật. Ví dụ trên thị trường chứng khoán, các tổ chức tín dụng tự do mua bán, không cần hỏi ý kiến NHNN.

Trong quá trình hoạt động, họ mua để giữ tỷ lệ chi phối. Chỉ khi nào NHNN phát hiện các cá nhân giữ tỷ lệ vượt quy định, UBCK yêu cầu lập lại đúng quy định. Việc này không qua hệ thống ngân hàng mà qua thị trường chứng khoán.

Theo Thống đốc, vụ việc Sacombank được NHNN thanh tra từ tháng 7. Theo dự kiến, kết quả sẽ có vào cuối tháng 8. Nội dung cơ bản sẽ được đăng công khai.


 
Có thâu tóm?

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hỏi: “Dư luận cho rằng việc sáp nhập ngân hàng yếu với nhau khó trở thành ngân hàng mạnh. Có hiện tượng thâu tóm các ngân hàng. Thực chất là như thế nào?”.

Thống đốc thừa nhận rằng trong thời gian dài các chế tài của NHNN chưa phát huy hiệu quả nhưng qua giám sát 9 tổ chức tín dụng, buộc các cổ đông đưa vốn vào hoặc nằm trong diện giám sát của NHNN.

Thủ trướng Chính Phủ ban hành Đề án 254 hợp nhất các ngân hàng, chúng ta đã triển khai và có đầy đủ cơ sở để khẳng định tái cấu trúc ngân hàng trong năm 2012 hoàn thành đầy đủ. Nội dung công việc đã triển khai, nhiều công việc được hoàn thành, nhiều công việc trong tiến trình hoàn thành.

Vừa qua, NHNN đã đưa vào tái cấu trúc 9 ngân hàng.

Trong các đề án tái cấu trúc, Thống đốc khẳng định trừ việc sáp nhập 3 ngân hàng đầu tiên (ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn, Tín Nghĩa), các đề án xử lý, sáp nhập tự cho khôi phục để đảm bảo thanh khoản, tránh đổ vỡ.

Việc hợp nhất 3 ngân hàng phía Nam là Đệ nhất, Sài gòn, Tín nghĩa, do trong quá trình thanh tra, NHNN phát hiện ra rằng 3 ngân hàng có sở hữu chéo, vay mượn chéo rất phức tạp. Để một ngân hàng đứng ra xử lý riêng sẽ chồng chéo lên nhau nên NHNN đã gộp 3 ngân hàng lại, trên cơ sở đó mới xử lý các bước tiếp theo, đây chỉ là bước đi đầu tiên trong việc tái cơ cấu 3 ngân hàng này.

Đến nay tình hình của Ngân Sài Gòn (ngân hàng hợp nhất của 3 ngân hàng kể trên) đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay họ đã kiểm soát được thanh khoản trả được mọt phần tiền cho vay tái cấp vốn của NHNN, đến giờ phút này NHNN hoàn thành khâu thẩm định, ngay sắp tới đây sẽ trình Chính phủ về các vấn đề đó.

>> Xem toàn cảnh bắt giam bầu Kiên

Trong qua trình xử lý 9 ngân hàng vừa qua, Thống đốc cho biết có những hiện tượng có thể nói là có màu sắc gì đó của thâu tóm. Trong đề án 254, bước đầu tiên là cho phép ngân hàng tự xây dựng phương án khắc phục. Khi ngân hàng không tự lo được, NHNN mới can thiệp.

Khi một tổ chức tín dụng gặp khó, họ tự tìm tổ chức khác để đàm phán. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, người mua muốn mua rẻ, người bán muốn bán đắt. Giữa họ có mâu thuẫn. Ban đầu có nhưng sau họ thỏa thuận được. Người nước ngoài không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nào.

Nguy cơ đổ vỡ nếu không được hỗ trợ thanh khoản

Đề cập đến khó khăn của ngân hàng, Thống đốc cho biết trong Quý 4/2011, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vô cùng căng thẳng, nguy cơ đổ vỡ hiện hữu. 12 tổ chức tín dụng có khả năng mất khả năng thanh khoản hoặc phá sản. Các tổ chức lớn cũng bấp bênh.

Trong bối cảnh đó, 6 tổ chức tín dụng mất khả năng thanh khoản. Theo đúng quy định, NHNN hỗ trợ thanh khoản 6 tổ chức này, 3 tổ chức sau đó đã hợp nhất thành Ngân hàng Sài Gòn. 3 tổ chức còn lại chỉ 2 tháng sau đã có thể trả tiền tái cấp vốn của NHNN.

Việc tái cấp vốn kịp thời giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo được thanh khoản, không bị đổ vỡ. Tiền đó được sử dụng có hiệu quả không? Thống đốc khẳng định là có.

Trên thực tế, NHNN cho vay tiền để hỗ trợ, NHNN thành lập tổ giám sát. Số tiền này được sử dụng trả tiền gửi của dân cư. Tiền gửi của doanh nghiệp không được trả. Nếu tổ chức tín dụng không sử dụng hết phải trả NHNN. Các tổ chức tín dụng không được sử dụng vào bất cứ mục đích nào khác.

Khánh Hạ

Bình luận
vtcnews.vn