• Zalo

Thống đốc tiết lộ thiệt hại sau sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng

Kinh tếThứ Hai, 29/09/2014 03:41:00 +07:00Google News

(VTC News) – Thiệt hại của những sai phạm tại ngân hàng Xây dựng đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(VTC News) – Thiệt hại của những sai phạm tại ngân hàng Xây dựng đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9.

Trong phiên chất vấn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời về các vấn đề liên quan đến đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và sai phạm trong ngành ngân hàng.

Hạn chế tổn thất tại Ngân hàng Xây dựng

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý chất vấn Thống đốc về những sai phạm của hệ thống ngân hàng và trách nhiệm của Thống đốc với những sai phạm đó. Trong đó, đại biểu Thúy nhấn mạnh sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng.

Thống đốc khẳng định: “Dù tất cả các sai phạm đó xảy ra ở đâu, xảy ra khi nào, dù thời đó tôi có là Thống đốc hay không thì bây giờ tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Thống đốc cho biết thêm thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt các biện pháp giám sát ngân hàng và hợp tác chặt chẽ với công an.
thống đốc
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn 

Tuy nhiên, với phương châm của Ngân hàng Nhà nước không hình sự hóa các quan hệ dân sự, Ngân hàng Nhà nước muốn phát hiện sai phạm, tạo điều kiện những bên mắc sai phạm tìm cách khắc phục. Đến khi không khắc phục được, gây thất thoát tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân, mới xử lý hình sự.

Trong quá trình giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện ra nhiều sai phạm. Trong đó có các vụ lớn như Huyền Như, bầu Kiên, một số vụ của công ty tài chính 2 của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Theo Thống đốc, phần lớn tất cả các vụ việc đều xảy ra trước năm 2010. Thống đốc đã kiểm điểm hết sức sâu sắc trong báo cáo tự phê bình và phê bình. Trong bản kiểm điểm này, Thống đốc khẳng định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan.

Về những vấn đề liên quan đến sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng, Thống đốc Bình cho hay: Thứ nhất, trong trong giai đoạn đầu của tái cơ cấu, có nhiều vấn đề nan giải. Việc xử lý ngân hàng yếu kém, trong đó có Đại Tín, tiền thân của ngân hàng Xây dựng, dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Do vậy, cần phải tìm đối tác đầu tư, có năng lực tài sản, tham gia tự nguyện tái cơ cấu.

Tất cả các ngân hàng yếu kém khác đều dựa trên nguyên tắc này. Như vậy mới giữ được ổn định ngân hàng, tiết kiệm được nguồn lực Nhà nước.

Thống đốc Bình cũng khẳng định, nhờ hoạt động thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện và giảm thiểu tổn thất. Số vốn doanh nghiệp về xây dựng này đưa vào tăng vốn điều lệ chưa được sử dụng vì vậy số vốn này không bị thất thoát.

"Vì Ngân hàng Nhà nước chủ động nên sai phạm ở Ngân hàng Xây dựng thực tiễn không gây xáo trộn gì trong hệ thống ngân hàng", Thống đốc Bình cho hay.

Agribank “thay máu”

Liên quan đến sai phạm trong hệ thống ngân hàng, không chỉ ngân hàng Xây dựng bị điểm danh, Agribank (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam) cũng được nhắc tới.

Thống đốc thừa nhận Agribank là ngân hàng có rất nhiều sai phạm với hậu quả nặng nề. Vì vậy, trong thời gian qua, riêng Agribank đã có riêng bản đề án tái cấu trúc. Đề án lớn có 8 đề án nhỏ, tạo ra sự công khai minh bạch rõ ràng. Đến nay, đề án lớn và 8 đề án nhỏ đã được Chính phủ phê duyệt và đang trong quá trình triển khai.

Thời gian qua, tại Agribank, toàn bộ hội đồng thành viên được thay đổi. Ngân hàng cũng thay đổi cơ bản ban điều hành, ban kiểm soát. Theo Thống đốc, điều hành tại ngân hàng này đã được “thay máu”. Dù đó là biện pháp mạnh, cán bộ có phần “xao xuyến” nhưng vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chung cả ngành ngân hàng nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Ngân hàng Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, làm cầu nối giữa Agribank với ban cán sự Đảng của Ngân hàng Nhà nước để tái cơ cấu Agribank. Thống đốc đánh giá, hiện đã có tiến bộ rõ rệt trong hoạt động của ngân hàng này.

Thống đốc Bình cũng tiết lộ năm nay, tăng trưởng tín dụng của Agirbank đạt 7-8%, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trước đây, Agribank đầu tư vào nhiều ngành nghề dẫn đến nợ xấu lớn. Hiện nay, tỷ trọng trong nông nghiệp chiếm 75%. Dự kiến trong 1,2 năm tới, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt từ 80% trở lên.

Theo thống đốc, khảo sát trong cả nước, Agribank bộc lộ nhiều yếu kém nhưng tất cả các chi nhánh đều là chỗ dựa của bà con nông dân, thậm chí là chỗ dựa cho phát triển kinh tế tỉnh. Do vậy, tái cơ cấu Agribank là mục tiêu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bảo Linh

 

Bình luận
vtcnews.vn