Sáng nay (25/11) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phần trả lời chất vấn liên quan đến các vấn đề như: Mục tiêu, giải pháp và hiệu quả của tái cơ cấu ngân hàng, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, quản lý hoạt động kinh doanh vàng,…
Trước phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Thống đốc nên trả lời các câu hỏi có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề”.
Chiều qua, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có 20 đại biểu với 36 câu hỏi và 9 nhóm vấn đề được đặt ra. Thống đốc cũng khẳng định, sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của các đại biểu, có thể ngay tại hội trường hoặc sẽ trả lời sau bằng văn bản.
NHNN xin nhận trách nhiệm
Một trong những nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề lãi suất.
Ông Bình khẳng định, pháp luật Việt Nam cho phép NHNN được phép quy định trần lãi suất. Mức trần lãi suất huy động mà NHNN đưa ra 14% là hợp lý. Việc những NH lớn có uy tín và niềm tin với khách hàng thì đương nhiên sẽ có lợi thế với mức lãi suất này. Còn những NH có tài chính yếu kém thì sẽ gặp khó khăn vì người gửi tiền không có niềm tin, nên đã rút tiền nhưng số lượng này cũng chỉ là quy mô nhỏ.
Về việc các ngân hàng vượt trần lãi suất 14% suốt 8 tháng đầu năm 2011, ông Bình thừa nhận khuyết điểm vì những chế tài hành chính chưa được nghiêm, thanh tra nhiều, có tới hàng nghìn cuộc trong vòng 6 tháng nhưng không phát hiện được trường hợp nào vi phạm.
“Đây là cái yếu kém và trì trệ, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo NHNN”, ông Bình nhận lỗi.
Vẫn liên quan đến trần lãi suất, có ý kiến của đại biểu cho rằng “có cần quy định trần lãi suất hay không”, ông Bình cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn thì buộc phải áp dụng trần lãi suất huy động. Trong bối cảnh hiện nay áp dụng trần huy động là hợp lý vì phù hợp với khả năng điều hành của NHNN. Nếu là trần lãi suất cho vay thì khó khăn còn nhiều hơn so với trần lãi suất huy động, các doanh nghiệp sẽ cào bằng như nhau, không biết đối tượng nào cần khuyến khích cho vay. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
Trả lời câu hỏi của đại biểu “Làm thế nào để vừa kiềm chế lạm phát, vừa tăng trưởng kinh tế”, ông Bình thành thật “Đây là một hỏi đơn giản nhưng là câu trả lời khó. Để cân bằng được vấn đề này, Thủ tướng đã từng nhắc nhở là luôn luôn phải cân bằng như người đi trên dây”.
Thời gian vừa qua, để giải quyết được vấn đề này, NHNN đã phân tích để có cách làm tốt nhất. “Chúng tôi xin khẳng định trước Quốc hội, NHNN từ thế bị động, chạy theo thị trường sẽ chuyển sang thế chủ động, dẫn dắt thị trường”.
Đối với việc quản lý vàng, ông Bình thừa nhận, hoạt động kinh doanh vàng thời gian qua còn rất nhiều bất cập. Trước đó, theo luật thì NHNN quản lý vàng, nhưng văn bản dưới luật thì lại phân quản lý vàng thành nhiều khúc, trong đó NHNN chỉ quản lý xuất nhập khẩu vàng, còn các khâu sau thì vàng được coi như hàng hóa và lưu thông bình thường.
“Thỏi vàng 2 đầu, đầu bên này là NHNN quản lý, đầu bên kia là Bộ Công thương quản lý vì vàng được coi là hàng hóa bình thường”, ông Bình ví von.
Vì thế, NHNN đã xây dựng nghị định về sản xuất kinh doanh vàng. Tới đây khi hoàn thiện, NHNN sẽ trình ra Quốc hội. Về nguyên tắc, siết chặt lại hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng theo hướng nhà nước giữ vị trí độc quyền.
Đối với hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, ông Bình thừa nhận, thời gian qua đã bộc lộ quá nhiều nhiều yếu kém, từ đó phát sinh nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều vụ đã được phát hiện xử lý, nhiều vụ đã phối hợp với bên công an để làm rõ.
Về vốn cho nông nghiệp và nông thôn, Thống đốc NHNN khẳng định, thời gian qua vấn đề đáp ứng vốn cho lĩnh vực này là trọng tâm của các NH thương mại. Riêng năm 2011, tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn tăng 25 – 30%. Mũi nhọn tập trung thời gian tới sẽ đầu tư cho các xí nghiệp chế biến, kho bãi,…nhằm tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đối với hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, ông Bình thừa nhận, thời gian qua đã bộc lộ quá nhiều nhiều yếu kém
Tái cơ cấu ngân hàng: “Chậm mà chắc”
Nhóm câu hỏi về tái cơ cấu ngân hàng được ông Bình lựa chọn trả lời đầu tiên.
Theo ông Bình, phải tái cơ cấu lại vì 2 lý do: thứ nhất để đáp ứng giai đoạn phát triển mới, thứ hai để giải quyết các vướng mắc của hệ thống ngân hàng. Mục tiêu tái cơ cấu là làm lành mạnh hệ thống NH, đủ sức cạnh tranh với các NH trong và ngoài nước, đủ sức cung ứng tín dụng cho nền kinh tế hợp lý.
Nội dung tái cơ cấu ngân hàng là xây dựng hệ thống NH đa dạng về sở hữu, quy mô, nhiều NH có năng lực đủ mạnh để cạnh tranh với các NH thế giới, có NH làm trụ cột và có NH hoạt động phân khúc để cung cấp cho mọi lĩnh vực đời sống.
Phương châm cơ cấu ngân hàng là làm “chậm mà chắc”, ổn định hệ thống tín dụng và phát huy nội lực của nền kinh tế.
Các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng sẽ thực hiện với 3 nhóm lớn. Thứ nhất, đối với các NH có tài cính lành lạnh, quy mô đủ lớn thì sẽ tiếp tục phát triển để làm trụ cột và cạnh tranh được với quốc tế. Dự kiến, từ nay đến năm 2015 sẽ có 15 tổ chức tín dụng lớn, chiếm 80% thị phần tín dụng NH, trong đó, có 1 - 2 ngân hàng có tầm quốc tế.
Thứ hai, đối với những NH có tiềm lực tài chính lành mạnh nhưng quy mô nhỏ, không có điều kiện phát triển quy mô cao hơn nữa, sẽ có quy định đảm bảo quy mô hoạt động và đảm bảo phân khúc thị trường có thể phát huy được, trên cơ sở an toàn hiệu quả.
Thứ ba, những NH khó khăn về tài chính sẽ thông qua biện pháp nâng cao năng lực cổ đông, mua lại hoặc sát nhập lại vào các tổ chức khác. Đảm bảo không có tổ chức nào bị vỡ nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Về lộ trình cơ cấu, từ nay đến quý I năm 2012 sẽ hoàn thành định hình rõ 3 nhóm ngân hàng và giaỉ quyết vấn đề thanh khoản của các NH yếu kém. Từ năm 2012 đến hết 2013 sẽ hoàn thành các công việc của nhóm 3. Từ năm 2013- 2015 sẽ nâng cao giải pháp an toàn, xây dựng NH lành mạnh làm trụ cột.
Về các ý kiến băn khoăn việc thực hiện các giải pháp này có an toàn hay không, ông Bình cho rằng, những NH đang có yếu kém chỉ chiếm chưa đầy 5%. Một trong những phương châm cơ cấu lại là phát huy nội lực, để tái cấu trúc. Do vậy, sẽ dùng những tổ chức có quy mô lớn hơn để tham gia giúp đỡ các tổ chức nhỏ hơn.
Châu Anh
Thống đốc Bình thừa nhận quản lý vàng còn bất cập
(VTC News) - “Thỏi vàng 2 đầu, đầu bên này là NHNN quản lý, đầu bên kia là Bộ Công thương quản lý vì vàng được coi là hàng hóa bình thường”, ông Bình ví von.
(VTC News) - “Thỏi vàng 2 đầu, đầu bên này là NHNN quản lý, đầu bên kia là Bộ Công thương quản lý vì vàng được coi là hàng hóa bình thường”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình ví von.
Bình luận