• Zalo

Thống đốc Bình thừa nhận để trần lãi suất làm dân thiệt

Kinh tếThứ Năm, 24/11/2011 05:21:00 +07:00Google News

(VTC News) – Thống đốc NHNN thừa nhận: “Để trần lãi suất quá lâu, tính chất linh hoạt của trần lãi suất mất đi, đúng là đồng bào có phần bị thiệt”.

(VTC News) – Thống đốc NHNN thừa nhận: “Để trần lãi suất quá lâu, tính chất linh hoạt của trần lãi suất mất đi, đúng là đồng bào có phần bị thiệt”.

Chiều nay (24/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình - Ảnh: theo vneconomy.vn 
Trả lời câu hỏi về phương án tái cấu trúc ngân hàng của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu) và một số ĐB khác, Thống đốc Nguyễn Văn Bình diễn giải rất dài về vai trò của ngân hàng (NH) với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.


Theo ông Bình, chúng ta có 20 năm phát triển kinh tế theo mô hình chiều rộng, từ nước nghèo đi lên từ hai bàn tay trắng thành nước có mức thu nhập trung bình – qua đó cho thấy hệ thống ngân NH bám sát quá trình đó của đất nước.


Ông Bình nhấn mạnh, NH góp phần vào quá trình đổi mới vừa qua và NH cũng phải có những đổi mới nhất định để đáp ứng đổi mới, chuyển sang phát triển chiều sâu, do đó NH phải có cơ cấu đáp ứng nhu cầu vốn cho giai đoạn phát triển.


“Phải hiểu đúng, nếu không ta cứ nghĩ “hệ thống NH yếu kém quá không tái cơ cấu sẽ gây ra hệ lụy”, tất nhiên là có nguyên nhân đó nhưng không phải lý do chính như vậy.

Các NH thế giới cũng hết sức chao đảo thời gian qua, NH ta đã đứng vững giai đoạn 1996-1997 và giai đoạn 2008-2009, lúc này dù nhiều yếu kém, nhưng NH Ngoại thương mới đây cũng vấn phát hành ra quốc tế với giá cao (2.4). Phải hiểu đúng nhu cầu tái cấu trúc xuất phát từ bản thân nội tại khi đất nước chuyển sang phát triển mới” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.


Ông Bình cũng cho biết, trọng tâm của đề án tái cấu trúc NH là đảm  bảo xây dựng hệ thống NH lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Cùng với đó, tạo ra hệ thống NH có đầy đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển giai đoạn tới về vốn, chất lượng dòng vốn và dịch vụ NH, tạo ra NH đa dạng về quy mô.


“Trong 5 năm tới có khoảng 2 NH có đủ sức cạnh tranh với các NH trong khu vực, 10-15 NH đủ lớn làm trụ cột cho cả hệ thống NH Việt Nam. Chúng tôi chấp nhận NH quy mô nhỏ nhưng lành mạnh trong thị trường nhất định. Chúng ta cũng có 1.200 quỹ tín dụng nhân dân để đảm bảo mọi tầng lớp XH đều có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ NH” – ông Bình cho biết.


Cũng ĐB Nguyễn Văn Tuyết chất vấn hiện nay có bao nhiêu NH yếu kém – Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện có 37 NH cổ phần, trong đó, 8 NH cổ phần rất lành mạnh có thể làm trụ cột cho hệ thống NH Việt Nam, 8 NH trung bình, 8 NH quy mô nhỏ nhưng phát triển lành mạnh và 8 NH quy mô nhỏ nhưng phát triển chưa lành mạnh. “Tỷ trọng NH yếu kém so với toàn bộ hệ thống không quá 5%” – ông Bình nhận định.
 

Về ý kiến hiện có quá nhiều NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đồng tình và cho rằng cũng có nhiều NH không lành mạnh, tuy nhiên, ông Bình cho rằng, hiện vẫn thiếu dịch vụ NH.

Ông Bình dẫn chứng, các nước cứ 1.000 người dân có một dịch vụ NH, trong khi đó nước ta có 2.500 chi nhánh NH, tất cả 5.500 điểm giao dịch các tổ chức tín dụng mọi loại hình.

“Vậy là gần 9.000 điểm giao dịch, như vậy tỷ lệ này so với dân số Việt Nam là quá thấp! Chúng ta làm cho hệ thống NH lành mạnh, nhưng cũng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ cho người dân thời gian tới” – ông Bình nhấn mạnh.


Về nội dung được ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định),   Văn Lai (Quảng

Nam
), Đàng thị Mỹ Hương (Ninh Thuận)... và các ĐB khác quan tâm chất vấn là “lãi suất NH hiện nay với mức trần 14% có còn phù hợp hay mang lại lợi ích cho nhóm nào đó?”, "mức lãi suất này là thấp, làm cho người dân thiệt thòi, trong khi doanh nghiệp phải vay với mức lãi cao tới 17% nhưng không phải nhóm nào cũng được vay, chỉ có NH là lãi nhiều"...


Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, chúng ta quy định trần lãi suất 14% từ cuối năm 2010, ở thời điểm ta quy định trần 14% với tiền gửi là lúc đó có ý nghĩa tích cực, ta đang xây dựng kế hoạch phát triển cho năm 2011 với kỳ vọng lạm phát đặt ra 7% thì “trần lãi suất 14% quá đẹp”. Tuy nhiên, tho ông Bình: “Ta để trần lãi suất quá lâu, tính chất linh hoạt của trần lãi suất mất đi, đúng là đồng bào có phần bị thiệt”.

“Chúng tôi khẳng định thời điểm cuối tháng 8 năm nay trần lãi suất 14% có ý nghĩa, thời điểm đó NH Nhà nước cũng nói rõ giữ mức lãi suất như vậy, đến nay điểm lại ta đạt chỉ tiêu cho vay phổ biến ở mức 17-19%, thậm chí thấp hơn, nhiều NH cho vay 16-14% với hàng nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp lành mạnh đã tiếp cận được nguồn vốn này, một số bộ phận chưa tiếp cận được vì lý do ta phải kìm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, NH không nhiều vốn cho vay” – ông Bình nói rõ.


Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng cũng cho biết, nhiều NH nói với ông là đang đốt đuốc đi tìm doanh nghiệp.


Kết luận lại, Thống đốc Bình cho biết: Hiện NHNN đang xem xét nếu trong tháng 11 này mà lạm phát giảm xuống ở dưới 1% thì có điều kiện để chúng ta xem xét lại việc giảm trần lãi suất huy động, cũng như là lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khoảng thời gian ngắn cuối giờ chiều, có 20 ĐB đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn văn Bình, tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH trong thời gian hơn 1 tiếng đầu giờ sáng ngày mai (25/11).


Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn