Thông điệp ‘friendshoring’ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ở Việt Nam

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 21/07/2023 13:49:00 +07:00
(VTC News) -

Thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu về tầm quan trọng phát triển chuỗi cung ứng, nhấn mạnh nỗ lực "friendshoring" nước này đang theo đuổi.

Gặp Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN ở Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói về tầm quan trọng của phát triển chuỗi cung ứng có sức chống chịu mạnh mẽ, thông qua các nỗ lực như “friendshoring” và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, “friendshoring” (đặt cơ sở sản xuất ở các quốc gia bạn bè) là một cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy. “Mục tiêu của chúng tôi là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế đối với cú sốc cung trong sản xuất những loại hàng hóa quan trọng”, bà nói.

Để làm như vậy, Mỹ đã và đang đầu tư nội địa để xây dựng các dự phòng trong chuỗi cung ứng, đồng thời trong dài hạn, tìm cách mở rộng đến các quốc gia khác. “Chúng tôi không tìm cách xây dựng mọi thứ ở Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng trong dài hạn, khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng. Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế với số lượng lớn các quốc gia mà chúng tôi có thể tin cậy – trong đó có Việt Nam”.

Thông điệp ‘friendshoring’ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ở Việt Nam - 1

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: Thanh Phạm)

Ưu tiên chuỗi cung ứng bán dẫn

Trong việc xây dựng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Yellen cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vì vai trò quan trọng của chúng với các dây chuyền sản xuất khác.

Cụ thể, Mỹ đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện để đa dạng hóa và củng cố hệ sinh thái bán dẫn, đầu tư vào năng lực nội địa thông qua các chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất ở Mỹ, và dành riêng quỹ 500 triệu USD cho các dự án bán dẫn và viễn thông quốc tế theo Đạo luật CHIPS.

“Như chúng ta thấy ở Việt Nam, lĩnh vực này cũng có thể thúc đẩy kinh tế và lực lượng lao động phát triển. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một nút quan trọng trong nguồn cung cấp chất bán dẫn toàn cầu. Các khoản đầu tư vào đây ngày càng tăng tốc”.

Bộ trưởng Mỹ lấy dẫn chứng: Tại Bắc Ninh, Amkor – một công ty có trụ sở chính tại Arizona – sẽ sớm mở siêu nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Xuống phía Nam, tại tỉnh Đồng Nai, một công ty khác của Mỹ, Onsemi, đang sản xuất chip được sử dụng trong những chiếc ô tô cách đây nửa vòng trái đất.

Thông điệp ‘friendshoring’ của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ở Việt Nam - 2

Bộ trưởng Tài chính Mỹ thảo luận với các doanh nghiệp.

 Gần đó – tại Khu công nghệ cao Sài Gòn – là cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới.

“Khi chúng ta thực hiện những nỗ lực trong chuỗi cung ứng này, tôi muốn nhấn mạnh rằng: ‘friendshoring’ không phải là một câu lạc bộ độc quyền của một số quốc gia. Nó mở ra cho cả các nền kinh tế tiên tiến, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển”.

Cũng trong bài phát biểu, Bộ trưởng Yellen tái khẳng định sự phát triển của mối quan hệ đối tác kinh tế và thương mại Việt - Mỹ, về các nỗ lực mới nhất của Mỹ trong xây dựng nền kinh tế và thương mại có sức chống chịu, bền bỉ, cũng như nỗ lực chung tay cùng các nước giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Trước đó, bà có cuộc thảo luận bàn tròn với đại diện một số doanh nghiệp Mỹ để bàn về các cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi chuyển hoạt động kinh doanh sang thị trường Việt Nam hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn