• Zalo

Thông dịch viên từng cứu ông Biden bị bỏ lại ở Afghanistan

Tư liệuThứ Tư, 01/09/2021 18:24:17 +07:00Google News

Bất lực vì không thể rời khỏi Afghanistan sau khi Mỹ hoàn tất chiến dịch sơ tán, thông dịch viên từng cứu ông Joe Biden năm 2008 cầu cứu: "Đừng bỏ quên tôi ở đây".

Vào năm 2008, thông dịch viên Mohammed đã giúp giải cứu ba thượng nghị sĩ Mỹ mắc kẹt tại một thung lũng hẻo lánh ở Afghanistan sau khi trực thăng của họ buộc phải hạ cánh trong bão tuyết. Một trong ba thượng nghị sĩ này là ông Joe Biden, tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Mười ba năm sau, thông dịch viên Mohammed đang gửi thông điệp cầu cứu đến Tổng thống Biden sau khi Mỹ hoàn tất quá trình sơ tán khỏi Afghanistan.

Chiến dịch giải cứu giữa bão tuyết

Xin chào ngài tổng thống, hãy cứu tôi và gia đình tôi”, Mohammed nói với Wall Street Journal. Vì đang lẩn trốn khỏi Taliban nên ông Mohammed không tiết lộ họ tên đầy đủ.

Đừng bỏ quên tôi ở đây”, Mohammed, 36 tuổi, gửi đi thông điệp cho Tổng thống Biden.

Mohammed đang cùng vợ và bốn người con tránh mặt Taliban sau khi nỗ lực rời Afghanistan của ông thất bại. Gia đình ông Mohammed nằm trong số những đồng minh Afghanistan bị bỏ lại sau khi Mỹ kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm ở nước này hôm 31/8.

Ngày 1/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã gửi lời cảm ơn đến ông Mohammed vì những cống hiến của ông. Bà đồng thời cho biết Mỹ vẫn cam kết đưa các đồng minh Afghanistan sơ tán khỏi đất nước.

Chúng tôi sẽ đưa ông đi”, bà Psaki phát biểu sau khi một phóng viên Wall Street Journal đọc thông điệp của ông Mohammed gửi Tổng thống Biden. “Chúng tôi sẽ tôn vinh sự cống hiến của ông”.

Thông dịch viên từng cứu ông Biden bị bỏ lại ở Afghanistan - 1

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki. (Ảnh: Bloomberg) 

Ông Mohammed là thông dịch viên cho quân đội Mỹ vào năm 2008 khi hai trực thăng Black Hawk của nước này hạ cánh khẩn cấp xuống Afghanistan trong một trận bão tuyết mù mịt, theo lời các cựu quân nhân làm việc với ông Mohammed vào thời điểm đó.

Trên hai chiếc trực thăng bao gồm ba Thượng nghị sĩ Mỹ: Joe Biden, John Kerry và Chuck Hagel.

Trực thăng hạ cánh khẩn cấp xuống một thung lũng cách sân bay Bagram khoảng 32 km về phía đông nam.

Đây không phải khu vực thuộc quyền kiểm soát của Taliban song cũng không phải vùng không xảy ra chiến sự. Chỉ một ngày trước đó, Không đoàn 82 đã tiêu diệt gần 20 chiến binh Taliban trong một trận giao tranh lớn cách đó khoảng 16 km, theo Wall Street Journal.

Thông dịch viên từng cứu ông Biden bị bỏ lại ở Afghanistan - 2

Hai trực thăng Black Hawk của Mỹ hạ cánh khẩn cấp xuống Afghanistan trong một trận bão tuyết vào ngày 21/2/2008. (Ảnh: Brian R. Genthe)

Sau khi nhận được một cuộc gọi cầu cứu khẩn cấp, tại sân bay Bagram, ông Mohammed, thuộc biên chế công ty quân sự Blackwater, đã cùng thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona đang làm việc với Không đoàn 82 lái xe hàng giờ đồng hồ đến khu vực đồi núi lân cận để giải cứu phi hành đoàn.

Ba chiếc SUV của Blackwater đã băng qua lớp tuyết dày để tìm kiếm trực thăng gặp nạn. Matthew Springmeyer, người chỉ huy lực lượng an ninh của Blackwater trên trực thăng ngày hôm đó, cho biết các thượng nghị sĩ đã được cấp tốc đưa trở lại căn cứ của Mỹ cùng với đoàn xe.

Theo lời kể của trung sĩ Brian Genthe thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Arizona, ông Mohammed đứng gác cùng các binh sĩ Afghanistan ở một bên trực thăng trong khi các thành viên Không đoàn 82 bảo vệ mạn còn lại.

Khi những người dân địa phương tò mò đến quá gần, ông Mohammed sử dụng một chiếc loa phóng thanh để cảnh báo họ lùi ra xa. Đội cứu hộ đã ở ngoài trời dưới thời tiết đóng băng trong khoảng 30 giờ đồng hồ.

Thông dịch viên từng cứu ông Biden bị bỏ lại ở Afghanistan - 3

Ba cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Biden, John Kerry và Chuck Hagel tại Afghanistan vào ngày 20/2/2008. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Cống hiến quên mình

Theo trung sĩ Genthe, ông Mohammed đã làm việc tại một thung lũng khắc nghiệt trong thời gian dài. Một số binh sĩ nói rằng ông đã cùng họ tham gia hơn 100 cuộc giao tranh.

Những người lính tin tưởng ông Mohammed đến mức đôi khi họ giao cho ông vũ khí để phòng thân khi phải đến những khu vực nguy hiểm, theo trung sĩ Genthe.

Sự cống hiến quên mình của ông ấy (Mohammed) cho quân đội chính là điều mà tôi trông đợi từ nhiều người Mỹ”, Trung tá Andrew R. Till đã viết vào hồ sơ xin Thị thực Nhập cư Đặc biệt của ông Mohammed hồi tháng 6.

Đơn xin thị thực nói trên không được duyệt sau khi công ty của ông Mohammed làm thất lạc hồ sơ cần thiết để hỗ trợ quá trình xét duyệt thị thực, theo trung sĩ Genthe.

Sau khi Taliban chiếm Kabul vào ngày 15/8, tương tự hàng nghìn người Afghanistan khác, ông Mohammed đã thử đến Sân bay Hamid Karzai để được sơ tán khỏi đất nước. Tuy nhiên, ông bị lính Mỹ chặn lại. Họ nói rằng ông Mohammed có thể đi song vợ con của ông thì không.

Các cựu binh Mỹ đã gọi điện và kêu gọi giới lập pháp nước này giúp đỡ ông Mohammed. “Nếu chỉ có thể giúp một người Afghanistan, hãy chọn Mohammed”, Shawn O’Brien, một cựu chiến binh Mỹ từng làm việc với ông Mohammed ở Afghanistan năm 2008, nói. “Anh ấy xứng đáng với sự giúp đỡ đó”.

Giờ đây, ông Mohammed đang ẩn náu. “Tôi không thể rời khỏi nhà”, ông nói. “Tôi đang rất sợ hãi”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn