• Zalo

Thôn ‘nghèo toàn tập’ nhìn điện thèm thuồng

Thời sựChủ Nhật, 22/07/2012 10:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bao nhiêu năm không có điện, mới đây đường dây điện kéo về tận thôn, máy phát điện chạy ro ro nhưng người dân chỉ "ngắm" và vẫn phải dùng đèn dầu.

(VTC News) – Bao nhiêu năm không có điện, mới đây đường dây điện kéo về tận thôn, máy phát điện chạy ro ro nhưng người dân chỉ "ngắm" và vẫn phải dùng đèn dầu.

Cho nhìn điện, không cho... dùng

Lâu nay, nói đến thôn Gia Vấn (còn gọi là Truông Gia Vấn, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) người ta thường gắn thêm cho nó cụm từ “nghèo toàn tập”.

Tuy chỉ cách trung tâm xã Mỹ Hòa chưa tới chục cây số nhưng 58 hộ dân với 232 nhân khẩu ở đây phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ đường.

Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng thôn Gia Vấn cho biết, 100% dân ở đây sống bằng sản xuất nông nghiệp nhưng nước thủy lợi không có, không thể khoan giếng để tưới tiêu vì không có điện nên cứ nhìn lên trời mà mong mưa; trồng trọt, chăn nuôi được gì thì cũng không bán được hoặc bán với giá “bèo” vì đường sá đi lại cách trở.

Nói đến điện, theo ông Sơn, bao đời nay người dân ở đây phải sống trong cảnh đèn dầu. Cách đây mấy năm, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho thôn một máy nổ để phát điện, nhưng mỗi nhà chỉ được dùng không quá 2 bóng tuýp, 1 tivi – mà chỉ được dùng từ 17 giờ 30 đến 21 giờ đêm. 

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điện, đường đã về đến thôn "nghèo toàn tập". Năm 2010, theo ông Sơn, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, điện được kéo về.

 Đường và điện đã được đầu tư cho thôn nghèo.

Sau đó một năm tuyến đường từ trung tâm xã lên Gia Vấn cũng được khởi công trong niềm vui khôn xiết của người dân nơi đây.

“Chúng tui cứ nghĩ sẽ được dùng điện trước đường, ai ngờ…” - ông trưởng thôn thở dài đánh thượt.

Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, khi lưới điện hoàn thành, trạm biến áp lắp đặt xong, xã tranh thủ xin tiền hỗ trợ và huy động trong nhân dân kéo hệ thống dây 0,4 và 0,2 KV chạy khắp trong thôn để bà con kịp có điện dùng trong dịp Tết.

“Thế nhưng cho tới nay, điện đã kéo về, chạy ro ro suốt ngày trong bình biến áp nhưng dân chúng tui có được dùng đâu” – ông trưởng thôn buồn bã.   

Cùng với đó, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, do hoạt động quá công suất và cũng đã "quá đát" nên máy nổ để dùng phát điện ở thôn đã bị hỏng. Phần vì chi phí sửa chữa quá lớn, phần vì thấy điện đã kéo về đến thôn, bà con thống nhất không góp tiền sửa máy nữa.

Vậy là thôn Gia Vấn phải quay lại sống cảnh đèn dầu.
3 thế hệ người dân Gia Vấn nay mới thấy điện về làng nhưng lại không được dùng khiến họ rất bức xúc

Cụ Nguyễn Trợ (86 tuổi), một người đã gắn bó ba đời với Gia Vấn, ngậm ngùi: “Tui đã bám trụ ở cái đất này mấy chục năm nay trong cảnh đèn dầu nên ngày đêm ước ao có điện để sản xuất, sinh hoạt. Đêm đêm, đứng trên này nhìn xuống xã, thị trấn sáng rực ánh điện mà... thèm. Đến cái tuổi gần đất xa trời rồi được thấy điện kéo về đến làng mừng vui khôn xiết. Thế mà họ chỉ cho thấy chứ không cho dùng, điệu này chắc có chết cũng không nhắm mắt”.

Không cho dân dùng vì không có lãi?

Đem cái sự “tức anh ách” về điện của người dân Gia Vấn trao đổi với ông Trần An Khương, Giám đốc Chi nhánh điện Phù Mỹ, thì được biết, mới đây, chi nhánh đã mời HTX nông nghiệp Mỹ Hòa (HTX Mỹ Hòa), đơn vị mua – bán điện trên địa bàn xã đến làm việc để bàn phương án đưa điện đến người dân Gia Vấn.

Tuy nhiên, đại diện HTX Mỹ Hòa cho biết sẽ không tiếp nhận hệ thống điện tại Gia Vấn mà giao cho ngành điện quản lý.
“Trên địa bàn huyện Phù Mỹ, xã Mỹ Hòa là một trong những địa phương chưa bàn giao hệ thống điện nông thôn cho ngành điện quản lý, nghĩa là việc mua – bán điện ở xã này vẫn do HTX Mỹ Hòa thực hiện. Nếu HTX bàn giao cả xã, thì ngành điện sẽ nhận, còn chỉ giao một thôn Gia Vấn thì làm sao ngành điện nhận được” - ông Khương nói.

Ông Khương cũng thắc mắc: "Đường dây 0,2 và 0,4 KV là tài sản của địa phương, do địa phương đầu tư lắp đặt thì chỉ cần một việc rất đơn giản là HTX Mỹ Hòa (đại diện cho chính quyền địa phương) hợp đồng với người dân để mắc công tơ, đồng thời ký hợp đồng mua – bán điện với ngành điện thế là người dân Gia Vấn được dùng điện. Thế nhưng, không hiểu sao địa phương lại không làm?”.

Ngành điện - HTX kinh doanh điện đùn đẩy cho nhau khiến điện đã chạy ro ro trong trạm hạ thế mà dân Gia Vấn chỉ biết đứng ngắm.
Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên VTC News, ông Phan Châu Công, Chủ nhiệm HTX Mỹ Hòa lại cho rằng, qua cân nhắc, nếu áp dụng giá điện theo Thông tư 17/2012/TT-BCT ngày 29/6/2012 của Bộ Công thương thì việc kinh doanh mua – bán điện tại thôn Gia Vấn không có lãi, “nên chúng tôi quyết định không tiếp nhận lưới điện tại đây”.

"Trước mắt ngành điện cứ nhận lưới điện ở thôn Gia Vấn. Đến tháng 3/2013, HTX sẽ tiến hành Đại hội đại biểu xã viên xin ý kiến để bàn giao toàn bộ hệ thống điện của Mỹ Hòa cho ngành điện quản lý luôn" - ông Công cho biết thêm.  

“Điều cốt lõi là ngành điện có quan tâm đến phục vụ đời sống người dân vùng sâu vùng xa hay không thôi chứ không thể vì thôn Gia Vấn xa xôi, ít dân thì không đến bán. Trên địa bàn xã Mỹ Hòa, chỉ một vài công ty khai thác, sản xuất đá granit, ngành điện cũng hạ trạm bán trực tiếp, không thông qua HTX, vậy sao với người dân thôn Gia Vấn, ngành điện lại không nhận?” - ông Công cũng thắc mắc.
Bao giờ người dân thôn Gia Vấn mới hết “thèm” điện?

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa bức xúc, từ tháng 1/2012, việc lắp đặt hệ thống điện tới thôn Gia Vấn hoàn thành, UBND xã đã làm tờ trình xin cho đóng điện.

Chúng tôi đã “xoay” mọi cách để có tiền kéo đường dây cáp xoắn 0,2 và 0,4 KV chạy khắp trong thôn để dân Gia Vấn có điện dùng dịp Tết, thế mà cuối cùng dân lại phải ăn Tết đèn dầu.

Bức xúc trước tình cảnh của người dân, chính quyền địa phương đã có công văn kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết    

"Sau đó, ngành điện liên tục hứa hết ngày 15/4 đến 30/4 rồi 30/5 sẽ có điện nhưng mãi đến ngày 8/6 vừa rồi mới tiến hành đóng điện đến trạm biến áp nhưng rồi để đó cho tới nay. Hàng ngày, người dân nghe điện chạy trong trạm biến áp mà không được dùng họ vô cùng bức xúc, chính quyền hết sức sốt ruột" - ông chủ tịch xã bày tỏ.
Trước nỗi bức xúc của người dân Gia Vấn ngàn đời nay chưa có điện, UBND xã Mỹ Hòa đã có tờ trình gửi ngành chức năng huyện Phù Mỹ đề nghị can thiệp đến ngành điện để có chủ trương đấu nối điện giúp người dân sớm có điện sản xuất và sinh hoạt. 

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa thấy có động thái tích cực nào của các bên liên quan. Không biết đến bao giờ người dân Truông Gia Vấn mới hết “thèm” điện.









Nghĩa Bình
Bình luận
vtcnews.vn