Thế giới một lần nữa sẽ biến động, bất an như năm 2015.
Dự báo một cú sốc
Tờ Bloomberg và FT vừa dẫn lời một số chuyên gia và tổ chức nhận định rằng, Trung Quốc sẽ sớm phải thực sự thả nổi đồng Nhân dân tệ (NDT) và quyết định này có thể một lần nữa sẽ khiến thị trường tài chính thế giới biến động như nửa cuối năm 2015.
Theo Bloomberg, tỷ giá USD/NDT sẽ hoàn toàn được quyết định bởi thị trường và có như vậy Trung Quốc mới có thể tránh tình trạng phải “đốt” kho dự trữ ngoại hối của mình để nhằm kiềm chế đà suy giảm của đồng tiền nước này.
Trước đó, các chuyên gia cáo buộc Trung Quốc đã không thả đồng NDT cho thị trường quyết định như cam kết thông qua cơ chế xác định giá tham chiếu hàng ngày dựa trên diễn biến thị trường, ngay cả khi đồng tiền này được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế của IMF hồi tháng 9/2016, cùng với đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.
Bất ngờ tăng giá liên tiếp 9 ngày đầu năm mới 2017 trên thị trường Hong Kong và lãi suất qua đêm của đồng NDT tại thị trường Hong Kong tăng vọt lên 61,33%/năm - gần đỉnh cao kỷ lục - khiến những người đánh cược đồng NDT giảm giá, bán khống NDT bị “bỏng tay”, rồi tình trạng sụt giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc,... phải đặt câu hỏi nghi ngờ.
Cũng theo tờ báo này, với các biện pháp can thiệp hiện tại, Trung Quốc có thể ngăn đồng NDT không biến động mạnh nhưng khó có thể thay đổi xu hướng giảm giá. Kết cục, Trung Quốc sẽ phải từ bỏ những động thái can thiệp như thời gian qua.
Quyết định chuyển đổi từ cơ chế tỷ giá neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ hồi tháng 8/2015 đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Khi đó, chỉ trong vòng 3 ngày, đồng NDT đã giảm tổng cộng gần 5%.
Các thị trường tiền tệ từ châu Âu, Nhật Bản và gần như tất cả các nước châu Á lung lay. Có đồng tiền sụt giá hơn 20% ngay sau đó. Các đồng tiền trong khu vực ĐNÁ, rồi Hàn Quốc, Úc, New Zealand,... đều tụt giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm. Các thị trường chứng khoán lao dốc, giá dầu sụt giảm.
Ảnh hưởng của vụ phá giá đồng NDT còn kéo dài sang tới quý I/2016 khi hàng loạt DN từ Trung Quốc sang cả châu Âu, Mỹ bị tụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng. Mức thiệt hại vì tỷ giá trong năm 2015 cao gấp cả chục lần so với năm trước đó.
Bộ ba bất khả thi: Trung Quốc không thể có tất cả
Trên thực tế, quyết định chuyển đổi cơ chế hồi tháng 8/2015 đã là một bước thả nổi đồng NDT của Trung Quốc, nhưng thả nổi có điều chỉnh. Song, mức độ điều chỉnh thế nào thì không một chuyên gia quốc tế nào có thể đoán định.
Tỷ giá đồng NDT được xác định hàng ngày, theo những giao dịch tại các ngân hàng lớn tại Trung Quốc và biến động của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, giá đồng NDT tại Trung Quốc đại lục vẫn có khoảng cách khá lớn đối với giá đồng tiền này trên trường quốc tế.
Trong thời gian đầu, chênh lệch lớn theo hướng đồng NDT ở nước ngoài yếu hơn nhiều so với NDT trong nước, khiến áp lực giảm giá đồng NDT tại thị trường nội địa tăng lên nhanh chóng. Điều này gợi lên khả năng Bắc Kinh có thể can thiệp tỷ giá đồng NDT tại thị trường Hong Kong để ổn định thị trường trong nước.
Biểu hiện khá rõ việc Trung Quốc nhiều khả năng can thiệp vào đồng NDT là biến động bất thường dự trữ ngoại hối của nước này.
Trong năm 2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc liên tục tụt giảm, vượt xa dự báo và xuống thấp nhất kể từ đầu 2011. Từ mức 4 ngàn tỷ USD, dự trữ ngoại hối của nước này đã xuống sát 3 ngàn tỷ đồng.
Theo Bloomberg, sự sụt giảm hơn 830 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong 2 năm qua cho thấy một điều rằng, chính quyền nước này đẩy giá đồng NDT lên.
Việc này nhằm để hạn chế dòng vốn chảy ra ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc không thể đạt được tất cả. Lợi ích dài hạn của một đồng NDT thả nổi và suy yếu là bảo vệ được dự trữ ngoại hối và tránh khả năng một cuộc đối đầu về thương mại với Mỹ dưới thời Donald Trump, tổng thống đắc cử luôn đe dọa sẽ dán nhãn Trung Quốc thao túng tỷ giá và áp mức thuế cao đối với hàng hóa nước này.
Theo lý thuyết bộ ba bất khả thi (impossible trinity), một nước không thể đồng thời đạt cùng lúc 3 mục tiêu chính sách vĩ mô, gồm: ổn định tỷ giá, tiền tệ độc lập và tự do tài khoản vốn.
Gần đây Trung Quốc đã thấy tia sáng le lói về sự ổn định tỷ giá, nhưng thay vào đó, buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ,... Theo Bloomberg, sự can thiệp đều có giá của nó. Cho dù cú tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có thể là một đòn giáng mạnh vào các nhà đầu cơ, nhưng nó cũng nhấn chìm nỗ lực của Trung Quốc đưa NDT thành một đồng tiền quốc tế.
Bình luận