Đã bước vào những ngày cuối tháng 4 nhưng tình hình thời tiết miền Bắc vẫn chưa có dấu hiệu ổn định. Thời tiết có hôm nắng nóng cực độ, nhiệt độ lên tới hơn 30 độ C rồi đột ngột mưa giông, chuyển rét khiến cho nhiều người "than trời".
Đặc biệt, số lượng trẻ em bị mắc bệnh do thời tiết thay đổi cũng tăng cao một cách báo động. Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Nhi, hơn một tuần qua, lượng bệnh nhi đến khám tăng lên rất nhiều, dao động khoảng 400 - 500 trẻ đến khám mỗi ngày.
Liên tục các trường hợp bệnh nặng
Bác sĩ Lương Văn Chương, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Saint Paul Hà Nội chia sẻ, phần lớn các bệnh nhi đến khám dều trong tình trạng bệnh rất nặng. Nhiều trẻ sốt cao, lên cơn co giật, ho dữ dội hoặc tiêu chảy liên tục.
Có trường hợp 1 bé trai 4 tuổi, sốt cao đến 40 độ phải nhập viện ngay trong đêm. Mẹ của bé chia sẻ, chị đã cho con uống thuốc hạ sốt liên tục nhưng không đỡ. Một trường hợp khác, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tiêu chảy dữ dội, 1 đêm bị tiêu chảy đến 10 lần, đi ra nhiều chất nhầy lẫn cả máu.
Hầu như, các bệnh nhi vào viện đều mắc các bệnh về đường hô hấp. Bệnh có thể bắt đầu hoặc tái phát do nguyên nhân chủ yếu là thời tiết thay đổi thất thường, trẻ có sức đề kháng kém không thích ứng kịp nên dễ bị các bệnh như ho, sốt virus, tiêu chảy cấp...
Nhiều trường hợp ban đầu trẻ chỉ húng hắng ho, chảy nước mũi hoặc sốt nhẹ. Nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản là do thay đổi thời tiết nên dẫn đến tình trạng như vậy, chủ quan không cho con đi khám, chỉ mua thuốc về tự điều trị.
Đến khi bé uống thuốc đã 5-7 ngày, thậm chí chục ngày trời mà bệnh tình không thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn thì mới đưa bé vào viện. Lúc này, các bác sĩ mới chẩn đoán các bé bị viêm phế quản, viêm phổi, nhiều bé đã ở trong tình trạng rất nặng.
Theo BS Trương Văn Quý, khoa Nhi, BV Bạch Mai, bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ thường không có dấu hiệu rõ ràng như người lớn. Có một số trẻ không ho nhiều hay sốt cao, nhưng đến khi đi khám thì phát hiện bị viêm phổi nặng.
Cũng theo BS Quý, bệnh viêm phổi thường diễn tiến rất nhanh, nếu cha mẹ chủ quan, không đưa con đi khám khi bé bắt đầu có dấu hiệu bệnh mà chỉ chữa trị ở nhà thì sẽ càng khiến cho bệnh trở nặng hơn, khiến việc điều trị kéo dài và tốn kém, đồng thời ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ cần phải bảo vệ trẻ tốt hơn
Thời tiết miền Bắc hiện nay đã bước qua khoảng thời gian dễ chịu và sắp tới sẽ chính thức bắt đầu đợt nắng nóng oi bức đầu tiên của mùa hè. Nếu không cẩn thận, tình trạng trẻ em nhập viện sẽ không có dấu hiệu thuyên giảm mà không ngừng tăng lên.
Trao đổi về vấn đề này, BS Chương khuyến cáo, trong thời điểm giao mùa như hiện nay, cha mẹ cần hết sức lưu ý về tình trạng sức khỏe của con em mình. Một trong những cách phòng ngừa bệnh hiệu quả đó là nên thiếp lập cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin, chất đạm, chất xơ, uống nhiều nước để thải độc.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý luôn điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ở mức phù hợp, tránh để nhiệt độ nóng hoặc lạnh quá. Đồng thời, không nên thay đổi đột ngột nhiệt độ nơi trẻ ở, tránh tình trạng bé bị sốc nhiệt, dẫn đến bị cảm.
>>> Đọc thêm: Thêm 37 học sinh bị ngộ độc do ăn quả ngô đồng
Video: Thức ăn chứa nống độ acid uric cao nguy hại đến trẻ em thế nào?
Bình luận