Nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc, mưa lũ lịch sử ở miền Trung, lũ quét chưa từng có ở Yên Bái và Sơn La là những cơn thịnh nộ của thiên nhiên trong năm 2017, khiến người dân cả nước kinh hãi mỗi khi nhắc tới.
Bão số 12 lớn nhất trong nhiều năm tàn phá Nam Trung Bộ
Cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đổ bộ vào Nam Trung Bộ vào ngày 4/11 làm 106 người chết, 25 người mất tích, 174 người bị thương, 124.839 ngôi nhà hư hỏng cùng nhiều thiệt hại nặng nề khác.
Ngay từ sáng sớm 4/11, bão quần thảo liên tiếp nhiều giờ rồi mạnh lên cấp 10, giật trên cấp 12 ở vùng bắc Khánh Hòa - nam Phú Yên, tung hoành suốt gần 2 giờ, sau đó suy yếu dần. Cơn bão đã quần thảo tại khu vực này liên tục 6 giờ liền, đây được xem là một hiện tượng khá hiếm.
Nhận định về cơn bão, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nói: "Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ trong vòng 20 năm nay. Mức độ nguy hiểm của nó tương đương, thậm chí còn lớn hơn cơn bão số 10 đã đổ bộ vào miền Trung".
Sau khi cơn bão đi qua, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi hứng chịu các cơn mưa với liều lượng và cường độ rất lớn. Các con sông lớn như sông Hương và sông Bồ ở Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, mực nước luôn duy trì mức lịch sử ở các năm trước.
Cụ thể, vào ngày 6/11, mực nước sông Bồ tại Phú Ốc là 5m, trên BĐ3 0,5m (dưới mức lũ lịch sử năm 1999 là 0,18m); Sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 5,3m, trên BĐ3 1,3m; tại Hội An 3,3m, trên BĐ3 1,3m (tương đương mực nước lịch sử năm 2007); Sông Vệ tại trạm Sông Vệ lên mức 6,0m, trên BĐ3 1,5m (tương đương mực nước lịch sử năm 2013).
Thiên tai ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi luôn được đặt trong mức nguy hiểm cấp 4. Nhiều địa phương bị ngập sâu, đặc biệt là ở phố cổ Hội An (Quảng Nam).
Trong khi đó, các huyện miền núi của Quảng Nam, Quảng Ngãi thì luôn có người chết và mất tích vì sạt lở. Đặc biệt, tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), có gia đình chết đến 3 người vì bị sạt lở vùi lấp, thi thể phải nằm đắp chiếu ở trụ sở ủy ban thị trấn vì nhà của họ đã bị vùi lấp dưới hàng trăm khối đất đá.
Trận lũ lịch sử hoành hành miền Bắc
Tháng 10 vừa qua, các tỉnh phía Bắc nước ta hứng chịu trận mưa lũ lịch sử chưa từng có. Lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La. Tính đến hết ngày 14/10, mưa lũ đã khiến 68 người thiệt mạng, 34 người mất tích và 32 người bị thương.
Đặc biệt, rạng sáng 12/10, tại xóm Khanh thuộc xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), một vụ sạt lở núi nghiêm trọng đã xảy ra vùi lấp nhiều căn nhà cùng 18 người dân.
Trong số 18 nạn nhân mất tích có em bé chỉ mới hơn 3 tháng tuổi. Người ta tìm thấy em cùng mẹ dưới đống bùn đất được bới lên. Người phụ nữ lúc ấy vẫn đang ôm chặt lấy đứa con trai bé bỏng vào lòng, cảnh tượng khiến ai chứng kiến cũng cảm thấy xót xa.
Tại tỉnh Yên Bái, trận lũ ống kinh hoàng rạng sáng 11/10 đã biến nhiều khu vực của huyện Trạm Tấu tan hoang. Cơn lũ dữ đi qua gần như san phẳng tất cả, không khí tang thương bao trùm thôn bản. Nhất là trường hợp anh Lò Văn Mường - người nhận được tin có đến 5 người thân mất do lũ dữ bằng cuộc điện thoại của đứa cháu: "Cậu ơi, cậu về ngay đi, gia đình mất hết rồi...!".
Vài tiếng sau, vào 12h ngày 11/10, cũng ở Yên Bái, sự cố đau đớn xảy ra khi cây cầu Thia dài gần 200m bắc qua sông Thia, nối huyện Văn Chấn với thị xã Nghĩa Lộ bất ngờ bị sập. Lúc này trên cầu có 5 người đều bị rơi xuống dòng nước lũ, cuốn trôi mất tích. Trong số 5 người bị lũ cuốn có anh phóng viên trẻ nhiều hoãi bão Đinh Hữu Dư, một cô giáo mầm non cùng đứa con nhỏ chỉ 3 tuổi bỏ lại mẹ già đang ngóng chờ ở nhà.
Còn tại Thanh Hóa, mưa lớn và lũ kéo dài đã khiến nước tại sông Hép lên nhanh, khu vực xung quanh ngập chìm trong biển nước. Đặc biệt, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Thái Dương đóng tại khu vực Trại giam số 5, thuộc địa bàn Nông trường Thống Nhất, huyện Yên Định đã bị lũ dữ nhấn chìm, khiến 6.000 con lợn bị chết đuối.
Trước đó, khi nước lũ tràn vào, người dân và chủ trang trại đã cố gắng cứu đàn lợn thoát khỏi dòng nước lũ, thế nhưng do nước lên quá nhanh và cao nên chỉ kịp cứu được khoảng 100 con, số lợn còn lại trong trang trại bị nước bủa vây và nhấn chìm. Khoảng 6.000 con lợn trong trại không di chuyển kịp bị ngập, chết nổi trắng trại khiến nhiều người xót xa.
Lũ quét lịch sử ở Yên Bái và Sơn La
Tại Yên Bái, đêm 2/8 rạng sáng 3/8, dưới cơn mưa kéo dài không ngớt, đại lũ từ núi Kim Nọi bất ngờ đổ về dọc theo khe suối hướng thẳng vào thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải). Những tảng đá với kích cỡ 5-10 tấn bị dòng lũ dữ cuốn theo, lăn với tốc độ lớn.
Tính đến trưa 9/8, địa phương này đã có 14 người chết, 9 người bị thương, 60 nhà bị thiệt hại. Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện Mù Cang Chải ước tính khoảng 290 tỷ đồng.
Nguyên nhân của trận lũ quét được cho là do trên địa bàn xảy ra mưa lớn nhiều ngày, đất đá sạt lở ở các khe núi, khe suối đã tạo thành hồ treo tích nước.
Ông Trần Thế Hùng - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, trận lũ quét xảy ra ở thị trấn Mù Cang Chải có tốc độ khủng khiếp khi cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Nó đã gây ra những thiệt hại khủng khiếp về người, tài sản… chưa từng thấy trong lịch sử của Yên Bái.
Tại Sơn La, khoảng 9h40 cùng ngày, mưa lớn kéo dài tại huyện Mường La đã gây lũ quét, ngập úng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của người dân.
Mưa lớn gây lũ quét đã khiến 16 người chết và mất tích, tổng số nhà dân bị thiệt hại là 258 ngôi nhà. Ngoài ra, lũ quét đã khiến gần 300ha lúa, hoa màu và ao cá của người dân bị vùi lấp, hơn 2.500 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Người dân tại thị trấn Mường La (Sơn La) cho biết, đây là trận lũ lịch sử trong vòng 70 năm qua tại đây. Ghi nhận thực tế cho thấy, có những bản làng ở Yên Bái, Sơn La đã gần như bị xóa sổ sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ tại 2 địa phương lên đến 700 tỷ đồng.
Video: Đợt lũ ống chết chóc lịch sử - Mẹ thiên nhiên trút cơn giận lôi đình, loài người đang phải trả giá đắt
Nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6/2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát đi thông báo về đợt nắng nóng lịch sử ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo đó, trong chuỗi số liệu quan trắc nhiệt độ tại trạm Khí tượng Láng từ năm 1972 và trạm Khí tượng Hà Đông từ 2008 đến nay, số liệu nhiệt độ cao nhất lúc 13h ngày 3/6 tại Hà Nội là 41,5°C, phá vỡ kỷ lục đo đạc được trong suốt 45 năm qua.
Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-40°C.
Các chuyên gia lý giải, miền Bắc, miền Trung trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm do hoàn lưu vùng thấp nóng phía tây kết hợp gió phơn Tây Nam (còn gọi gió Lào) hoạt động mạnh.
Hà Nội nóng hơn các địa phương khác vì hiệu ứng bê tông với hàng loạt chung cư cao tầng, mật độ xe cộ nhiều và ít cây xanh.
Mùa đông được dự báo lạnh nhất 100 năm qua
Nhiều chuyên gia thời tiết trên thế giới cho rằng, mùa đông năm 2017 có thể sẽ là mùa đông lạnh nhất tại châu Âu trong vòng hơn 100 năm trở lại đây và thậm chí một số quốc gia châu Á sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt.
Còn tại Việt Nam, vào ngày 31/10, dù chưa lập đông nhưng ở đỉnh Fansipan đã xuất hiện băng giá.
Nhận xét về hiện tượng này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Toàn - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST) cho biết: "Những năm gần đây, thời điểm cuối tháng 10 đang là mùa thu, bởi vậy chưa từng xuất hiện băng giá ở các tỉnh vùng núi cao của Việt Nam.
Tuy nhiên, năm nay do bắt đầu thời kỳ được dự báo là tiểu kỷ băng hà nên mùa đông sẽ đến sớm và xu thế lạnh giá, khả năng mùa đông năm nay sẽ lạnh nhất so với 100 năm trở lại đây", Tiến sĩ Toàn khẳng định.
Còn ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho rằng: “Sự biến động các dòng chảy ở đại dương được cho là nguyên nhân dẫn tới khí hậu lạnh vào mùa đông. Thái Bình Dương cũng là khu vực có sự biến động này nên theo tôi, năm nay mùa đông ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ lạnh hơn năm trước. Nhưng vẫn không thể khẳng định đây là mùa đông lạnh nhất trong nhiều năm qua”.
Bình luận