Ngày 30/1 vừa qua, đài HTV cho phát sóng một chương trình dạy ăn thịt chó. Trong chương trình này, hai thanh niên người Việt dạy một người Hàn Quốc ăn thịt chó "đúng cách" rồi cả ba sung sướng tận hưởng món ăn từ con vật mà đã từ rất lâu, nhiều người coi là bạn.
Đáng chú ý hơn, chương trình này khẳng định, thịt chó là món ăn được nhiều người dân Việt Nam yêu thích. Nó được coi như là một đặc sản để hai thanh niên người Việt háo hức, tự hào giới thiệu với một chàng trai ngoại quốc.
Sau khi chương trình trên phát sóng, nhiều khán giả phẫn nộ. Nữ diễn viên Tú Vi không giấu nổi sự giận dữ khi chia sẻ rằng, việc một chương trình truyền hình về ẩm thực, giới thiệu món thịt chó và người tham gia "vừa ăn vừa cười hả hả" thật là "kinh dị, man rợ và tàn nhẫn".
Người Việt ăn thịt chó từ rất lâu rồi. Và hiện tại, vẫn còn hàng triệu người vẫn say sưa thưởng thức món ăn này. Với những người này, họ quan niệm ăn thịt chó là sở thích riêng bởi suy cho cùng chó cũng chỉ là một vật nuôi giống như gà, vịt, heo - những con vật mà chúng ta vẫn sử dụng làm thức ăn mà thôi.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người lên tiếng phản đối, coi đó là một hành động dã man bởi lẽ chó là loài vật gần gũi và trung thành với con người. Dù người nuôi nó có đánh đập, mắng nhiếc hay thế nào, nó vẫn không bao giờ rời xa. Nó luôn bảo vệ và đồng hành cùng người chủ.
Biết đặt cái tên mỹ miều cho món thịt con vật gần gũi, trung thành, thông minh chỉ sau con người nhưng lại ăn thịt chúng thì sự tàn nhẫn, mông muội còn tăng lên gấp bội.
Thế nên, với những người biết suy nghĩ, chó là bạn và không ai nỡ giết thịt một người bạn gần gũi với mình chỉ để sướng cái miệng trong chốc lát.
Con người ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, ở cái thời mông muội cũng đều ăn thịt chó, thịt chuột và các loại thú hoang khác. Thế nhưng, con người tiến tới xã hội văn minh, họ biết chọn lọc cái gì có thể ăn, cái gì không nên ăn.
Hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới, người dân không còn ăn thịt chó. Với họ, những con chó luôn được coi là thành viên trong gia đình. Thậm chí, có nhiều ngôi sao còn chi hàng triệu USD mỗi năm để chăm sóc chó cưng. Vậy tại sao chúng ta lại duy trì "nét văn hóa ẩm thực" khi nó đi ngược lại sự văn minh của nhân loại?
Những người ủng hộ việc ăn thịt chó đưa ra sự so sánh, với người Ấn Độ, con bò là thần. Người dân nước này tôn thờ và sùng kính con bò. Thế nhưng ở rất nhiều nước khác, con bò lại được sử dụng để chế biến thành những món ăn. Vậy thì có gì sai khi chúng ta ăn thịt chó?
Sự so sánh mang tính nguỵ biện cho thói quen còn mông muội của mình. Thử hỏi con bò có thông minh, gần gũi và trung thành như con chó không? Ở các quốc gia văn minh, đặc biệt là châu Âu, người ta nói rằng nếu được xếp thứ tự các vị trí, người đàn ông ở vị trí cuối cùng theo thứ tự như sau: Trẻ em, phụ nữ, con chó, rồi mới đến người đàn ông. Nói như vậy để thấy người văn minh coi trọng con chó đến mức nào.
Xung đột giữa những người ủng hộ, thích ăn thịt chó với những người coi chó là bạn tạo nên những bi kịch khủng khiếp. Nhiều người vì muốn có tiền sẵn sàng đi ăn cướp chó để bán cho các lò mổ. Có bao nhiêu gia đình ngẩn ngơ khi con vật mà họ con là bạn bỗng một ngày kia biến mất và họ ngầm hiểu rằng nó sẽ trở thành miếng ăn trên bàn nhậu? Có bao nhiêu đứa trẻ khóc hết nước mắt khi con vật luôn ở bên chúng, chơi với chúng, bảo vệ chúng bỗng một ngày không còn trở về nhà?
Có biết bao nhiêu vụ án khi kẻ trộm chó bị bắt, bị đánh và thậm chí bị giết. Những vụ án đó, luôn để lại những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Liệu chỉ vì cảm giác sung sướng khi tận hưởng một món ăn trong giây lát mà chúng ta nỡ để cho những nỗi đau kéo dài kia tồn tại?
Từ lâu, trong giới buôn bán, kinh doanh thịt chó vẫn truyền tai nhau niềm tin vô cớ: “Chó khi lo sợ sẽ tiết ra hormone làm mùi vị đậm đà, ngon hơn”. Chính điều này sẽ khiến cho những chủ quán dùng dùi cui đánh những con vật này tới chết, cắt tiết, cạo lông và làm thịt chó ngay trước mặt những con chó khác để chúng thêm phần sợ hãi. Những hành động này đang bị coi là vô nhân tính nhưng tiếc thay, nó lại vẫn mặc nhiên tồn tại trong một xã hội mà ai cũng muốn hướng tới sự văn minh.
Tờ CNN của Mỹ từng phanh phui ra đường dây buôn lậu chó từ Đông Bắc Thái Lan sang Việt Nam. Mỗi năm, đường dây này gián tiếp giết hại 200.000 con chó đáng thương. Thông tin này khiến nhiều người nước ngoài kinh hãi. Họ nhìn về cộng đồng ăn thịt chó như một nơi của sự man di, mọi rợ.
Có những vị khách du lịch tới Việt Nam, họ rất hài lòng khi được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hiếm có, hạnh phúc khi đi tới đâu cũng nhận được những nụ cười nồng hậu của người dân. Thế nhưng, chỉ vì chứng kiến cảnh một vài người ăn thịt chó là họ cảm thấy bất bình và tuyên bố, không bao giờ trở lại Việt Nam.
Cũng thật đáng mừng là phong trào ăn thịt chó ngày càng giảm. Số lượng người ăn thịt chó ngày càng ít đi, đặc biệt trong giới trẻ. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua việc dãy nhà hàng thịt chó dài hàng kilomet trên đường Yên Phụ hay ở phố Kim Ngưu (Hà Nội) đã gần như sạch bóng.
Khi liên hoan ở các cơ quan gần như đã không còn thấy kéo nhau đến quán thịt chó như cách đây hơn chục năm nữa. Khi no đủ, người ta càng ý thức được ăn uống phải chọn lọc, giữ gìn ra sao.
Tuy nhiên, biểu hiện văn minh ấy mới chỉ xuất hiện ở trung tâm của những thành phố lớn. Ngược lại, ở các vùng ven và nông thôn, các quán thịt chó và thịt mèo mọc lên ngày càng dày đặc. Thật nực cười là những quán thịt mèo lại được đặt bằng cái tên mỹ miều: "Thịt tiểu hổ". Biết đặt cái tên mỹ miều cho món thịt con vật gần gũi, trung thành, thông minh chỉ sau con người nhưng lại ăn thịt chúng thì sự tàn nhẫn, mông muội còn tăng lên gấp bội.
Chúng ta nói nhiều về sự tiến bộ của xã hội, về những nỗ lực đưa Việt Nam tiến gần hơn với những quốc gia phát triển nhưng nếu vẫn tình trạng người dân sung sướng, hả hê khi ăn thịt chó thì con đường hướng tới sự văn minh còn rất dài.
Video: Bị lừa ăn thịt chó ở thiên đường nghỉ dưỡng, du khách phẫn nộ
Bình luận