• Zalo

Thổi giá cây xanh ở Hà Nội: Vận động viên bỗng thành giám đốc công ty 'ma'

Bản tin 113Thứ Bảy, 01/04/2023 16:36:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo điều tra, Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội ký 32 hợp đồng với Công ty Sa Đéc, nhưng người đứng tên giám đốc và kế toán công ty này lại không hề hay biết về công ty.

Lộ chiêu trò tinh vi của ông Nguyễn Đức Chung chỉ đạo "sân sau" cho vụ nâng khống giá cây xanh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án liên quan dự án trồng, chăm sóc cây xanh ở TP Hà Nội, gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng của Nhà nước. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 15 bị can, trong đó có ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Theo C03, khi trồng cây theo chỉ đạo của ông Chung, các bị can thuộc Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, 2 công ty thẩm định giá VVFC và VFS đã thông đồng nâng khống giá, ban hành chứng thư thẩm định giá bằng với giá nâng khống.

Việc này được làm căn cứ để Ban Duy tu thanh quyết toán, giúp Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh chiếm đoạt, thu lời bất chính, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 34 tỷ đồng.

Thổi giá cây xanh ở Hà Nội: Vận động viên bỗng thành giám đốc công ty 'ma' - 1

Các bị can: Nguyễn Xuân Hanh, Đỗ Quang Tiến, Đỗ Khắc Tú Anh, Nguyễn Thị Ngọc Lâm, Nguyễn Tuấn Nghĩa, Kiều Thị Thúy, Hoàng Đình Văn (từ trái sang).

Theo cơ quan điều tra, Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh) trao đổi mua bán cây xanh với Hoàng Văn Tuyến và sau đó ký hợp đồng mua bán cây với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xây dựng kiến trúc cảnh quan và trồng cây cảnh Sa Đéc (Công ty Sa Đéc).

Từ năm 2016 đến năm 2019, Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội ký 32 hợp đồng với Công ty Sa Đéc, Công ty Sa Đéc đã xuất 109 hóa đơn GTGT, tổng giá trị gần 62 tỷ đồng, đã thanh toán 50 tỷ đồng, còn nợ hơn 11,5 tỷ đồng.

Qua điều tra, bà Hồ Thị Kim Sa là Giám đốc Công ty Sa Đéc, giai đoạn 2016-2019 (đã chết tháng 12/2021). Hiện nay, ông H.T.H., làm giám đốc, người đại diện pháp luật công ty.

Tuy nhiên, kết quả xác minh và lời khai của ông H. xác định, ông H. không biết gì về Công ty Sa Đéc, không biết bà Sa là ai, không liên quan gì đến hoạt động của Công ty Sa Đéc. Ông H. từ trước đến nay là vận động viên thể thao thi đấu cho các đội tuyển và đang là huấn luyện viên võ thuật cho đoàn vận động viên tỉnh Bình Dương. Ông H. cho biết, trước đó ông bị mất giấy tờ tuỳ thân.

Tại trụ sở Công ty Sa Đéc không thấy treo biển hoạt động kinh doanh, không ai biết thông tin về Công ty Sa Đéc.

Cũng theo hồ sơ vụ án, ông T.C.A.T là người rút tiền một lần từ tài khoản Công ty Sa Đéc sau khi Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội chuyển tiềm. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, ông T. làm nghề chạy xe ôm công nghệ, ông T. không biết gì về Công ty Sa Đéc. Ông T. khai trong quá trình chạy xe ôm có người nhờ chở đến ngân hàng, sau đó nói không mang chứng minh thư nhân dân và nhờ T. rút hộ tiền từ tài khoản (rút séc) sau đó đưa luôn cho họ. Sau khi rút tiền, ông T. được cho 1-2 triệu đồng. Ông T. không biết người đó là ai.

Cơ quan điều tra cũng xác minh ông L.X.Đ., người có tên rút tiền 3 lần từ tài khoản Công ty Sa Đéc sau khi Xí nghiệp Cây xanh chuyển tiền, xác định ông Đ. đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài từ năm 2014, gia đình không biết lý do tại sao lại có tên thể hiện rút tiền từ tài khoản của Công ty Sa Đéc trong năm 2018.

Hồ sơ thể hiện bà D.T.H. làm Kế toán trưởng Công ty Sa Đéc nhưng bà H. khai không biết gì về Công ty Sa Đéc, chưa bao giờ làm kế toán cho bất kỳ công ty nào. Từ năm 2015 đến 2016, bà H. làm công nhân tại tỉnh Ninh Bình. Từ năm 2016 đến 2018, bà H. làm nhân viên kiểm hàng tại tỉnh Hà Nam. Từ năm 2018 đến nay, người phụ nữ này làm nhân viên trạm cân công ty xi măng ở tỉnh Hà Nam. Bà H. khai năm 2012 bà đánh mất chứng minh thư, có thể do người khác nhặt được và sử dụng để đăng ký. 

Kết luật của cơ quan điều tra chỉ rõ, trong quá trình thực hiện các hợp đồng đặt hàng với Ban Duy tu từ năm 2016 đến năm 2019, theo chỉ đạo của Vũ Kiên Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cây xanh (từ 2016 đến 2020), Nguyễn Xuân Hanh, Phó Tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Xí nghiệp Cây xanh Hà Nội (từ 1/2020 làm Tổng giám đốc) đã thông đồng, cấu kết, thỏa thuận trước với Nguyễn Tuấn Nghĩa về số lượng, chủng loại, đơn giá và địa điểm trồng...

Các bị can giao Nghĩa chủ động chuẩn bị nguồn cây xanh để cung cấp cho UBND TP theo yêu cầu của Nguyễn Xuân Hanh ký khống hợp đồng, nâng giá cây đầu vào cao hơn giá trị thực tế một số chủng loại cây như chà là, bàng lá nhỏ....

Ngoài ra, nhóm cựu lãnh đạo Công ty Cây xanh cùng Đỗ Khắc Tú Anh, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán Ban Duy tu, thông đồng với Nguyễn Thị Ngọc Lâm, Thẩm định viên Công ty VVFC, là đơn vị ký hợp đồng thẩm định giá cây xanh với Ban Duy tu, cung cấp báo giá sai quy định, hợp thức chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá cây xanh để làm căn cứ phê duyệt dự toán, thanh quyết toán, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng.

Thổi giá cây xanh ở Hà Nội: Vận động viên bỗng thành giám đốc công ty 'ma' - 2

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Đức Chung bị cáo buộc với tư cách là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, là cán bộ lãnh đạo cao cấp, không những không đảm bảo tính công minh, liêm chính, vì động cơ cá nhân đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng chức vụ, quyền hạn áp đặt, chỉ đạo cấp dưới thực hiện sai trái các quy định của pháp luật. Nhằm che giấu hành vi phạm tội, ông Nguyễn Đức Chung đã "ra văn bản một đằng, chỉ đạo bằng miệng một nẻo". 

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Đức Chung khai báo quanh co, chối tội, đổ lỗi cho người khác. Hành vi của bị can Chung ngoài việc gây thiệt hại cho UBND TP Hà Nội để hưởng lợi bất hợp pháp cho những người có mối quan hệ thân quen, còn ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hành ảnh UBND TP Hà Nội.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn