Công chúng Mỹ sẽ không được xem những tài liệu bên trong Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, hành vi của ông gây ra lo ngại rằng số tài liệu này sẽ không được tập hợp đầy đủ.
Tổng thống Trump không tuân theo điều luật yêu cầu giữ lại tài liệu. Thay vào đó, ông có thói quen xé bỏ giấy tờ và vứt đi. Điều này khiến các nhân viên phụ trách tài liệu của Nhà Trắng phải mất hàng giờ để dán chúng lại.
“Họ khuyên tổng thống ngừng làm điều đó, nhưng ông ấy không muốn dừng lại”, Solomon Lartey, người từng là nhà phân tích tài liệu của Nhà Trắng, nói với AP.
Ông Lartey cho biết tài liệu đầu tiên ông phải dán lại là một lá thư từ Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, về việc đóng cửa chính phủ.
Tổng thống Trump cũng tịch thu ghi chú của phiên dịch sau khi trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Và những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử của ông Trump khiến việc công nhận chiến thắng của ông Joe Biden bị hoãn lại. Điều này làm quá trình chuyển giao tài liệu cho Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia (NARA) bị chậm và tăng thêm lo ngại về tính đầy đủ của hồ sơ.
“Các nhà sử học có thể phải chứng kiến nhiều lỗ hổng hơn bình thường”, ông Richard Immerman của Hiệp hội Các nhà sử học về Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định.
Bên cạnh việc không ưu tiên lưu giữ hồ sơ, Nhà Trắng của ông Trump còn tìm cách che giấu và phá hủy tài liệu, ông Immerman nói thêm.
Việc thiếu hồ sơ cũng sẽ cản trở tiến trình các cuộc điều tra nhắm vào ông Trump, như phiên tòa luận tội.
Tuy nhiên, cho dù các nghị sĩ yêu cầu hay những nhóm vận động cho việc minh bạch tài liệu của chính phủ nộp đơn kiện, ông Trump không phải chịu nhiều hậu quả khi bất tuân Đạo luật Hồ sơ Tổng thống.
Đạo luật này quy định tổng thống không thể hủy tài liệu cho đến khi trao đổi với người đứng đầu NARA và thông báo cho quốc hội. Tuy nhiên, đạo luật không buộc tổng thống phải nghe theo lời khuyên từ NARA. Do đó, tổng thống vẫn có thể tiêu hủy giấy tờ.
Hầu hết tài liệu của tổng thống Mỹ ngày nay được lưu trữ trên máy tính. Các chuyên gia về hồ sơ ước tính hệ thống sao lưu tự động sẽ giữ được phần lớn tài liệu, ngoài những thứ Nhà Trắng không tải lên.
Chậm trễ trong chuyển giao hồ sơ
Việc chuyển giấy tờ và tài liệu điện tử của tổng thống đến NARA là nhiệm vụ tốn nhiều công sức. Cựu Tổng thống Barack Obama để lại khoảng 30 triệu trang giấy và 250 terabyte hồ sơ điện tử, trong đó có khoảng 1,5 tỷ trang email.
“Tài liệu của tổng thống thể hiện lịch sử qua một góc nhìn độc đáo và là yếu tố cần thiết cho chính quyền mới trong việc đưa ra các quyết định sáng suốt”, ông Lee White, Giám đốc tổ chức Liên minh Lịch sử Quốc gia, nói với AP.
Khi ông Trump thất cử vào tháng 11/2020, các nhân viên hồ sơ có quyền chuyển tài liệu điện tử, đóng gói giấy tờ và gửi chúng đến NARA trước ngày 20/1 như luật quy định.
Tuy nhiên, ông Trump không chịu nhận thua. Vì vậy, các nhân viên tài liệu sẽ không hoàn thành công việc kịp thời hạn.
Ngày 16/1, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere nói việc phản đối kết quả bầu cử không khiến quá trình chuyển tài liệu tổng thống đến NARA bị chậm trễ. Ông Deere cũng cho biết các nhân viên có thể xem hướng dẫn về cách đóng gói tài liệu.
Một nguồn tin biết về quá trình chuyển giao quyền lực nói với AP rằng các nhân viên chính phủ nhận được email hướng dẫn cách trả thiết bị và dọn văn phòng của mình vào tháng 12. Tuy nhiên, hướng dẫn bị rút lại vì ông Trump nhất quyết không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Do không có chỉ dẫn, một số nhân viên trong Nhà Trắng bắt đầu gọi cho nhân viên tài liệu để hỏi về các bước tiếp theo.
Chính quyền mới có thể yêu cầu xem tài liệu của ông Trump ngay sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, công chúng phải đợi 5 năm trước khi nộp yêu cầu xem tài liệu theo Đạo luật Tự do Thông tin.
Dù vậy, ông Trump đang viện dẫn những hạn chế đặc biệt để tăng thời hạn này lên 12 năm. Những tài liệu bị hạn chế trong luật bao gồm thông tin an ninh quốc gia, thông tin kinh doanh bí mật, các cuộc trò chuyện giữa tổng thống với cố vấn và giữa cố vấn với nhau cùng thông tin cá nhân.
Thói quen của tổng thống
Khoảng thời gian xung quanh cuộc luận tội đầu tiên của ông Trump, một số quy trình làm việc thông thường đã bị bỏ qua, một nguồn tin cho biết.
Lo sợ bị rò rỉ thông tin, luật sư tại Nhà Trắng và các cấp cao hơn bắt đầu tham gia vào việc quyết định tài liệu nào sẽ được quét trên hệ thống lưu trữ tự động.
Nguồn tin này cũng nói những tài liệu không được sắp xếp sẽ được cất trong két sắt văn phòng. Tuy nhiên, vì hồ sơ không được phân loại ngay từ ban đầu, các nhân viên sẽ không biết chúng có tồn tại, dẫn đến việc không thể truy xuất thông tin.
Các nhân viên Nhà Trắng cũng nhanh chóng biết được Tổng thống Trump coi thường việc lưu trữ tài liệu thế nào khi chứng kiến ông xé và ném chúng đi.
“Cấp trên đến gặp tôi và nói ‘Ông phải dán những mảnh giấy này lại’”, ông Lartey kể.
Ông Lartey cũng cho biết khoảng 10 nhân viên phải tham gia vào việc dán tài liệu ở những thời điểm khác nhau, bắt đầu từ lúc ông Trump nhậm chức cho đến ít nhất là giữa năm 2018.
Các nhân viên của ông Trump gây tranh cãi khi dùng email cá nhân và các ứng dụng nhắn tin khi làm việc. Cựu Cố vấn Nhà Trắng Don McGahn vào tháng 2/2017 phải gửi thông báo yêu cầu nhân viên không sử dụng các kênh trao đổi không chính thức. Nếu làm vậy, họ phải chụp màn hình tài liệu và gửi vào tài khoản email chính thức để lưu trữ.
Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích khi tịch thu ghi chú của phiên dịch sau cuộc trò chuyện với ông Putin vào năm 2017 ở Đức. Các nghị sĩ cũng thất bại trong việc thu giữ ghi chú của phiên dịch viên trong cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin ở Phần Lan vào năm 2018.
Nhiều tuần trước, tổ chức Lưu trữ An ninh Quốc gia, hai hiệp hội lịch sử và tổ chức Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức ở Washington nộp đơn kiện để ngăn Nhà Trắng dưới thời ông Trump hủy tài liệu trên những kênh không chính thức.
Họ cũng cáo buộc Nhà Trắng có khả năng đã tiêu hủy tài liệu của tổng thống.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy lỗ hổng lớn trong hồ sơ lưu trữ của vị tổng thống này vì có thể Đạo luật Hồ sơ Tổng thống đã không được tuân thủ”, Anne Weisman, một trong những luật sư đại diện cho nhóm nộp đơn kiện, cho biết.
“Tôi không nghĩ Tổng thống Trump quan tâm đến việc lưu trữ và nội dung của tài liệu. Tôi nghĩ ông ấy chỉ quan tâm liệu những hồ sơ đó có thể cho thấy rằng ông ấy có tội hay không thôi”, bà Weisman nói thêm.
Bình luận